Tăng trưởng xanh: Yêu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế

09:15 | 20/03/2012

1,916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng nhưng phát triển chưa bền vững, vì thế việc tiếp cận và xây dựng một nền kinh tế xanh là yêu cầu cấp thiết và hiện thực hóa con đường phát triển kinh tế một cách bền vững.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong buổi hội thảo “Tham vấn về Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức vào sáng 19/3 tại Hà Nội.

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững

Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “Tăng trưởng xanh” là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.

Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một tình hình chung đó là các thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội xảy ra liên tiếp tại nhiều quốc gia. Tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, dân số thế giới ngày càng tăng cao kéo theo nhu cầu về nước, đất, nơi cư trú, năng lượng… cũng tăng nhanh chưa từng có.

Thế giới hiện nay có 7,2 tỉ người thì có 2 tỉ người sống dưới mức 2USD/ngày; 1,6 tỉ người sống trong điều kiện không có điện; 900 triệu người không có phương tiện giao thông và 1,8 triệu người chết hàng năm trong điều kiện thiếu vệ sinh và nước sạch.

Tình trạng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, trong năm 2010, đô thị chiếm 50% với 3 tỉ dân và dự kiến đến năm 2050, đô thị sẽ chiếm 70% với 6 tỉ dân.

Khi nhìn lại quá khứ, nếu 20 năm trước tại hội nghị Rio 1992, cả thế giới đồng thuận cam kết theo con đường phát triển bền vững, thì 20 năm sau Rio chắc chắn sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến của các quốc gia toàn cầu đồng thuận hướng đến nền kinh tế xanh trong lộ trình cam kết phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên

Được đánh giá là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh, nhưng châu Á cũng đồng thời là khu vực dễ bị tổn thương trước những biến đổi của khí hâu, ô nhiễm môi trường. Do đó, vấn đề tăng trưởng xanh – tăng trưởng bền vững trong phát triển kinh tế được đặt ra với tất cả các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nếu những thập kỷ trước, các quốc gia chạy đua về giá cả, nguyên liệu, công nghệ hiệu đại … thì đến nay, giữa các quốc gia phát triển đang diễn ra một “cuộc đua xanh” nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon và trở thành nhà cung cấp hàng đầu về giải pháp và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong đó, đáng chú ý nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ở châu Á, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan… ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu

“Phát triển bền vững” là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, trên cơ sở kết hợp hài hòa ba trụ cột của sự phát triển, gồm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội cùng bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân.

Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả toàn diện.

Trong khuôn khổ hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay phải đối mặt với vấn đề phát triển không bền vững, tính cạnh tranh còn thấp, khai thác tài nguyên thô cạn kiệt và môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương: "Tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế Việt Nam"

Với kinh nghiệm của các nước đi trước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, mục tiêu cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 là GDP bình quân đầu người ít nhất gấp đôi so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5-3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10 – 15% so với mức 2010; đến năm 2030 sẽ giảm thải khí nhà kính mỗi năm 2-3% và đến năm 2050, năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến.

Trước mục tiêu của Việt Nam trong vấn đề tăng trưởng kinh tế bền vững, ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng phát triển bền vững, Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững (VCCI) nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải tạo công ăn việc làm và thu nhập cho đối tượng có thu nhập thấp (kinh doanh cùng người nghèo), chuyển đổi công nghệ, hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; đó là việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia.

Bên cạnh đó cần đổi mới công nghệ, phổ biến sản xuất sạch, giảm lò sản xuất thủ công hay sản xuất bằng hình thức nung, đốt.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các dự án “Kiến trúc xanh” và “Vận tải xanh” cũng được đề cập đến trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên ở Việt Nam.

“Kiến trúc xanh” thể hiện thông qua các “Công trình xanh” thân thiện với môi trường, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả (năng lượng gió, mặt trời thay cho điện năng). “Vận tải xanh” chính là việc sử dụng các tàu chạy bằng nhiên liệu diesel sạch thay cho vận tải bằng đường bộ đường dài và cắt giảm 50% khí thải CO2.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc