Tăng tốc cổ phần hóa

07:59 | 31/12/2017

680 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cổ phần hóa là cách gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần.

Chương trình cổ phần hóa bắt đầu được thí điểm từ các năm 1990-1991 và chính thức được thực hiện từ năm 1992, đẩy mạnh từ năm 1996 và mục tiêu là cơ bản hoàn thành vào năm 2010.

Cuối năm 2004, Chính phủ ra Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, theo đó cả các công ty thành viên của các tổng công ty Nhà nước và ngay cả chính tổng công ty Nhà nước nào mà Nhà nước không muốn chi phối đều có thể trở thành đối tượng cổ phần hóa.

Nghị định này quy định việc bán cổ phần lần đầu phải được thực hiện bằng hình thức đấu giá tại các trung tâm giao dịch chứng khoán nếu là công ty có số vốn trên 10 tỉ đồng, tại các trung tâm tài chính nếu là công ty có số vốn trên 1 tỉ đồng, và tại công ty nếu công ty có số vốn không quá 1 tỉ đồng. Bán đấu giá khiến cho giá cổ phiếu phát hành lần đầu của nhiều công ty Nhà nước được đẩy vọt lên, đem lại những nguồn thu rất lớn cho Nhà nước.

Đến 2008 đã thực hiện cổ phần hóa hơn 3.000 DNNN vừa và nhỏ; còn khoảng 2.000 DNNN vừa và lớn dự trù sẽ cổ phần hóa đến năm 2010.

tang toc co phan hoa

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn cũng đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa theo phương án phê duyệt như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, các tổng công ty: Điện lực Dầu khí, Dầu Việt Nam, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Tổng Công ty Phát điện 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép 4 DNNN điều chỉnh thời gian cổ phần hóa sang năm 2018 là Tổng Công ty Phát triển Nhà và Đô thị, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Khánh Việt và Đài Truyền hình cáp Việt Nam.

Tuy vậy, tốc độ cổ phần hóa ở một số DN vẫn chậm tiến độ do Chính phủ đề ra. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện và hình thức cổ phần hóa DNNN. Theo nghị định, các DNNN được thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện và 3 hình thức. 2 điều kiện là DNNN không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ, DN còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.

Ba hình thức cổ phần hóa là giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại DN, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại DN, hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo kế hoạch thì năm nay, cả nước sẽ hoàn thành cổ phần hóa 55 DNNN, bằng số DN cổ phần hóa năm 2016. Một tín hiệu đáng mừng là tổng giá trị thực tế DN là 213.747 tỉ đồng, gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các DN đã cổ phần hóa trong năm 2016. Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 88.390 tỉ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các DN đã cổ phần hóa năm 2016.

Về thoái vốn Nhà nước tại các DN, trong năm 2017 cả nước đã có 34 DNNN hoàn tất công tác thoái vốn, cổ phần hóa

Đặc biệt, đối với chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), ngày 18-12, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của SABECO qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh với mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phần. Nhà nước dự kiến thu về khoảng 109.972 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD.

Về thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong năm 2017, các đơn vị đã thoái được 182 tỉ đồng, thu về 292 tỉ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm và thoái được 1.803 tỉ đồng, thu về 2.953 tỉ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm...

Có 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, gồm hoàn tất thể chế, tổ chức thực hiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, về mặt thể chế đã sẵn sàng do những rào cản và vướng mắc thì đã được tháo gỡ bằng Nghị quyết 84 về cổ phần hóa trong lĩnh vực dầu khí quy mô vốn tới 20.000 tỉ đồng… Thủ tướng cũng giao tổ công tác của Chính phủ cũng như tổ công tác của Bộ Tài chính sẽ đi kiểm tra đôn đốc thực hiện.

Vấn đề công tác tuyên truyền, sẽ công bố công khai về tiến độ triển khai cổ phần hóa và thường xuyên cập nhật trên website Chính phủ và Bộ Tài chính để có thể có cơ sở kiểm tra, đôn đốc.

Như vậy là, cổ phần hóa đang bắt đầu tăng tốc.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc