Tăng mức xử phạt giao thông bao nhiêu là đủ?

08:18 | 06/03/2012

545 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐCP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kèm theo các hình thức phạt bổ sung mới. Theo đó, mức xử phạt lỗi vi phạm trong giao thông có thể lên đến 40 triệu đồng.

Mức xử phạt cao hơn

Theo dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải trình lên Chính phủ, mức xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi như gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ sẽ phạt hành chính từ 15-25 triệu đồng; người tham gia giao thông trong khi nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị thu giấy phép lái xe 60 ngày và giữ phương tiện 10 ngày. Mức phạt tiền từ 8-10 triệu đồng; nếu người điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/lít khí thở sẽ bị giữ giấp phép lái xe 30 ngày, giữ xe 10 ngày.

Như vậy, với mức phạt mới được đề xuất thì số tiền phạt người điều khiển phương tiện vi phạm phải nộp cao hơn từ 4-7 triệu đồng so với mức phạt theo quy định hiện tại. Bên cạnh đó, việc tăng nặng mức xử phạt cũng được áp dụng đối với hành vi đua xe trái phép. Theo dự thảo thì đối với các hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép sẽ có mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Riêng người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng. Và sẽ phạt từ 10-20 triệu đồng đối với người đua xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

Xe biển xanh cũng bị xử lý

Đặc biệt, dự thảo này cũng đưa ra mức phạt tiền tăng lên từ 20 đến 30 triệu đồng đối với người đua xe ôtô trái phép, cùng với đó là bị tịch thu xe, thu giấp phép lái xe không thời hạn. Phạt tiền cao hơn nữa là từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép và hành vi chống người thi hành công vụ của đối tượng đua xe ôtô, môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe không phân biệt chủ sở hữu. Theo quy định hiện hành thì với hành vi này chỉ bị phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày. Mức phạt tiền sẽ là 15 đến 25 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn nếu người điều khiển xe lạng lách, đánh võng mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Chắc hẳn sẽ không ít người cần phải lưu tâm đến mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện có lắp đặt và sử dụng còi quá âm lượng theo quy định.

Tất cả những đề nghị tăng nặng mức xử phạt trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải là để “đánh” mạnh vào các hành vi đua xe trái phép, gây nguy hiểm và mất an ninh trật tự công cộng, giảm thiểu tai nạn giao thông…

Thu nhập và mức phạt

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, mức xử phạt vi phạm giao thông cần phải tăng lên từ 40-200% và sẽ được thí điểm trong vòng 36 tháng. Trong đó có nhiều loại vi phạm sẽ bị xử phạt mạnh như: tài xế vừa điều khiển ôtô, vừa nghe điện thoại sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng. Chống đối người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy sẽ bị phạt từ 8 đến 10 triệu đồng.

Mức xử phạt hành chính đối với các lỗi khi tham gia giao thông tăng cao “ngất ngưởng” đã khiến dư luận có nhiều lúng túng và gây nhiều tranh cãi. Đa số các ý kiến đưa ra đều đồng tình, ủng hộ việc tăng mức xử phạt, tuy nhiên việc áp dụng mức xử phạt đến đâu mới là chuyện đáng bàn.

Anh Long, anh Phạm Tuấn H, tài xế một hãng taxi ở Hà Nội cho biết, từ nhiều năm nay hãng đã quán triệt không được nghe điện thoại riêng khi đang cầm lái. Tuy nhiên, anh H cũng băn khoăn nếu lái xe thường phải nghe điện thoại của tổng đài.

Chia sẻ về việc áp dụng tăng mức độ xử phạt vi phạm giao thông, đại diện Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Việc vi phạm giao thông không những gây nguy hiểm cho người lái mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông trên đường. Nghe điện thoại khi cầm lái là thói quen khó sửa, nhưng chỉ một chút sao nhãng cũng có thể gây tai nạn giao thông. “Chúng tôi thường quán triệt các thành viên trong hiệp hội cần tuyệt đối không nghe điện thoại khi cầm lái. Đây là hành vi gây nguy hiểm, vì thế cá nhân tôi cho rằng việc tăng mức xử phạt như vậy vẫn còn nhẹ” – ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội chia sẻ.

Đồng tình với việc tăng phí xử phạt vi phạm giao thông, song ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, cần phải cân nhắc mức xử phạt thế nào cho phù hợp với thu nhập thực tế của người dân. Ngoài ra ông Hùng cũng kiến nghị cần cân nhắc kỹ về chủ trương thu giữ phương tiện. Vì chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản của người dân. Theo ông Hùng chỉ nên thu giữ phương tiện đối với những người vi phạm một trong ba trường hợp: xe gây tai nạn; phương tiện không đảm bảo an toàn khi lưu thông; người điều khiển phương tiện uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép, không có giấy phép lái xe.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, kiêm Tổng cục Trưởng Tổng cục đường Bộ Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, trung bình mỗi tháng có khoảng một nghìn người chết và bị thương do tai nạn giao thông gây ra. Con số này được ông Đông so sánh tương đương với bốn vụ tai nạn máy bay dân dụng mỗi tháng. Vì thế việc chống ùn tắc, tai nạn giao thông phải được coi là “quốc sách” của ngành giao thông vận tải.

Việc đề xuất phương án tăng thu phí xử phạt vi phạm sẽ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, sau đó sẽ đề xuất kiến nghị chủ trương thực hiện tiếp theo.

Tùng Lâm