Tận dụng cơ hội đưa hàng sang Nhật

10:51 | 26/11/2011

332 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Danh mục hàng hoá được cắt giảm thuế quan khi xuất vào Nhật đang tăng dần với mức thuế suất ngày càng thấp hơn theo hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) đang tạo thêm nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu và đón làn sóng thương mại với Nhật.

Mặt hàng tôm xuất khẩu sang Nhật được hưởng thuế suất 0%.

Ông Tadashi Kikuchi, tuỳ viên tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP HCM chia sẻ như vậy tại cuộc gặp các doanh nghiệp Việt Nam ở TP HCM ngày 23/11. Ông cho biết hiện Nhật đang thiếu hụt vật tư xây dựng, lương thực thực phẩm phục vụ việc tái thiết các vùng chịu thiệt hại nặng do đợt động đất và sóng thần vừa qua. Tuy nhiên, cần chú ý các mặt hàng vật tư xây dựng có tính ngắn hạn; còn nông thuỷ sản, thực phẩm thị trường này luôn có nhu cầu lớn.

Theo ông Bùi Huy Sơn, vụ trưởng vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, Nhật cam kết tự do hoá 94,5% kim ngạch thương mại trong vòng mười năm với hầu hết thuế suất các mặt hàng công nghiệp ở mức rất thấp 0 – 5%. Về nông lâm thuỷ sản là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, Nhật cũng cam kết mức ưu đãi cao hơn các nước ASEAN. So với cam kết thuộc hiệp định tự do thương mại Nhật – ASEAN (AJCEP) thì có 1.766 dòng thuế có mức tương đương và 361 dòng thuế có cam kết tốt hơn.

Nhật đã dành rất nhiều ưu đãi cho nhóm hàng nông thuỷ sản của Việt Nam với 24 dòng thuế cam kết ở mức tốt nhất cho mật ong, gừng, tỏi, vải, sầu riêng, tôm, cua, ghẹ. Có 23/30 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Đặc biệt mặt hàng tôm được hưởng 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực, mực và bạch tuộc cũng sẽ hưởng 0% sau năm năm. Ở nhóm các mặt hàng công nghiệp thì dệt may, giày dép, đồ gỗ, cơ khí cũng có những ưu đãi, đặc biệt cơ khí, cáp điện, máy tính và linh kiện đang hưởng thuế suất 0%.

Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất tốt các ưu đãi từ ngành hàng này để đưa sản phẩm vào Nhật. Trong chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt 4,96 tỉ đôla Mỹ (tăng 23,6%). Nhiều doanh nghiệp Nhật đặt nhà máy tại Trung Quốc đang muốn chuyển sang Việt Nam nếu các điều kiện hạ tầng của ngành này đáp ứng được. Nếu đón được làn sóng này thì việc nâng giá trị xuất khẩu ngành thuỷ sản cả nước lên cao hơn nhiều, vì Nhật là thị trường tiêu thụ thuỷ hải sản chiếm đến 40% nhu cầu của thế giới hàng năm.

Nguyễn Thoại Hồng, phó tổng giám đốc công ty cáp nhựa Vĩnh Khánh, doanh nghiệp nhiều năm xuất khẩu sang thị trường Nhật, thì doanh nghiệp Nhật đòi hỏi quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm tra máy móc thiết bị trước khi cam kết hợp tác. Chính vì yêu cầu này, Vĩnh Khánh đầu tư riêng dây chuyền sản xuất để xuất vào Nhật, và tận dụng công suất còn lại đưa hàng vào các thị trường khác khá dễ dàng. Giao dịch với doanh nghiệp Nhật bước đầu khó khăn nhưng về sau quan hệ thường rất bền vững. “Người Nhật coi trọng bao bì đóng gói hàng hoá, tiêu chuẩn vệ sinh cho đến kích thước và hình thức. Chi phí bao bì chiếm tỉ trọng lớn trong sản phẩm xuất sang Nhật là điều cần quan tâm”.

Ông Trần Tựu, chủ tịch Savipharm, cho biết dây chuyền của Savipharm đã được hãng GlaxoSmithKline (GSK) cấp chứng nhận đạt chuẩn và Nhật cấp chứng nhận GP xuất khẩu thuốc vào Nhật, nhưng khi xuất hàng họ vẫn kiểm tra từng viên một dưới kính lúp có độ phóng tăng gấp ba lần. “Nhưng với kết quả ban đầu, chúng tôi dễ dàng vào Nhật và đang tiếp cận vốn vay ưu đãi JETRO thành lập liên doanh sản xuất kháng sinh thế hệ mới với doanh nghiệp Nhật hoặc gia công dược phẩm cho đối tác Nhật”.

“Bên cạnh những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất…, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận hệ thống phân phối chuyên nghiệp của Nhật để giảm chi phí”, vụ trưởng Sơn khuyến cáo.

Còn ông Tadashi Kikuchi cho rằng sau hai năm thực hiện VJEPA, giao thương giữa hai nước vẫn tăng lên dù tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn chứng tỏ nhu cầu của thị trường Nhật vẫn rất lớn. “Vì thế doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược tiếp cận dài hạn. Cách thuận lợi nhất là đặt mối quan hệ mật thiết tại chỗ với đối tác Nhật để thu thập thông tin, khảo sát thị trường và tìm hiểu văn hoá kinh doanh để thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường và làm ăn lâu dài”.

“Nhật đang thiếu hụt vật tư xây dựng, lương thực thực phẩm phục vụ việc tái thiết các vùng chịu thiệt hại nặng do đợt động đất và sóng thần vừa qua. Tuy nhiên cần chú ý các mặt hàng vật tư xây dựng có tính ngắn hạn; còn nông thuỷ sản, thực phẩm thị trường này luôn có nhu cầu lớn”.

Theo SGTT