Tâm sự của những nữ nhà báo tương lai

13:46 | 08/03/2012

696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong không khí của ngày Quốc tế phụ nữ, đa phần nữ sinh các trường cao đẳng, đại học đều ấp ủ cho mình dự định vui chơi, sẵn sàng tinh thần nhận hoa, nhận quà. Còn riêng với nữ sinh báo chí, mùng 83 lại là dịp để họ tìm kiếm những đề tài, bài viết hay, đi đo đếm niềm vui, nỗi buồn của những người cùng giới khác. Và trong những lần tác nghiệp ấy, cũng có không ít ngày 83 chẳng hề trọn vẹn.

Mùng 8-3, lao ra khỏi nhà

Trong số sinh viên trường báo, có không ít nữ sinh cũng lăn lộn để thâm nhập những điểm nóng, thậm chí mạo hiểm tìm hiểu những vấn đề gai góc.

Mỗi dịp Lễ, Tết, đa phần sinh viên các trường đều vui vẻ để đón nhận niềm vui của riêng mình thì tại đâu đó trên mỗi nẻo đường, mỗi miền đất lại thấp thoáng những sinh viên báo chí, vai khoác ba lô, tay cầm máy ảnh, miệng nói liên hồi để thu thập thông tin, có những bài viết kịp thời, phản ánh đúng không khí của dịp đó. Và 8-3 cũng không phải là ngoại lệ. Thay vì có mặt ở nơi nào đó đầm ấm với người thân yêu, nhiều nữ sinh viên báo chí vẫn long dong ngoài đường để viết bài cho kịp thời hạn.

Những nhà báo tương lai thường xuyên phải bỏ lỡ những ngày tôn vinh phái đẹp để đi tác nghiệp

Mai Hoa (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã từng kinh qua nhiều lần tác nghiệp thót tim và việc bỏ lỡ 8-3 với Hoa vốn là chuyện không hiếm. Năm nào cũng có ngày Quốc tế Phụ nữ, năm nào Hoa cũng được chào mời trong hàng loạt các cuộc tụ tập liên hoan nhưng chẳng mấy khi Hoa có mặt. Bạn bè hỏi, Hoa chỉ có duy nhất một câu trả lời: “Bận đi viết bài”.

Năm trước, Hoa đăng ký với tòa soạn đề tài: 8-3 của những người phụ nữ bán hoa ở chợ đêm Nghi Tàm (Yên Phụ, Long Biên). Lang thang ở chợ từ lúc 21 giờ tối hôm 7-3 cho tới 4 giờ sáng hôm sau, Hoa đã trải qua nhiều phen hoảng hốt. “Lúc mình đi ở đường Yên Phụ thì gặp một thanh niên cứ phóng xe đuổi theo hỏi tên tuổi, nghề nghiệp đòi làm quen và đòi… đi nhà nghỉ. Mình phải nói dối là đi buôn hoa ở chợ Nghi Tàm để cho hắn biết mình cũng là con buôn nên đừng tính chuyện dọa nạt, sàm sỡ. Mình phóng xe máy lúc nhanh lúc chậm khiến hắn cũng cứ lao lên rồi lại lùi xuống, về sau mình rẽ vào một con ngõ đi đường vòng mới thoát nạn”, Hoa nhớ lại.

Sau khi tìm hiểu đủ thông tin từ những phụ nữ bán hoa ở chợ, Hoa phóng xe máy trở về phòng trọ, mắt cụp xuống vì buồn ngủ nhưng vẫn phải mở máy tính gõ bài để kịp gửi cho tòa soạn. “Mình đi viết về tâm sự của những con người không có 8-3 nhưng bản thân mình cũng là người không có ngày ấy”, Hoa mỉm cười.

Có một ngày tác nghiệp thực sự, dẫu mệt mỏi, dẫu phải đối mặt với nhiều mối de dọa song khi chứng kiến những bài viết được có mặt trên trang báo, đó hẳn là một niềm hạnh phúc với các nữ sinh báo chí này. Thế nhưng, không phải sự hi sinh công sức, chấp nhận bỏ lỡ 8-3 nào cũng đem đến một cái kết mong muốn. Cũng đã có không ít nữ nhà báo tương lai ngậm ngùi khi bỏ lỡ những lời mời cà phê, liên hoan để lên đường viết lách rồi tiếc hùi hụi khi đứa con tinh thần không thể dành một chỗ trong tờ báo.

Như trường hợp của Thu Thảo (Khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), dịp 8-3 năm ngoái, Thảo và một người bạn phải đi tác nghiệp ở tận thị xã Sơn Tây. Cả ngày đi xe máy, đến nơi cũng đã đến giờ nghỉ trưa nên các cơ quan công sở cần tiếp xúc đều đã nghỉ hết. Đến đầu giờ chiều, Thảo mới làm xong việc rồi phóng xe trở lại Hà Nội. Trong ngày hôm ấy, cả hai đã phải đi 100km rồi về đến nhà lại khẩn cấp gỡ băng ghi âm để viết bài. Mặc dù vụ việc mà Thảo làm đang rất nóng nhưng vì viết bài cho một tờ tuần báo, báo chưa kịp ra số mới thì phía bên kia đã giải quyết xong nên công sức của Thảo đổ dồn trong ngày 8-3 đó đã buộc phải gác lại. Một bài báo khác cập nhật diễn biến mới của vụ việc được đưa vào thế chỗ.

Giờ nhớ lại, Thảo chỉ cười: “Mùng 8-3 của mình đấy. Kể lại cho đám bạn, chúng cứ trêu: “Không lo mà hưởng thụ ngày của cánh chị em lại cứ thích đi rước vất vả vào người”. Nói là buồn thì cũng không hẳn song ngày 8-3 đó chắc chắn chẳng bao giờ mình quên được”.

Nếm trải cảm giác tủi thân

Sinh viên nữ tác nghiệp ở vùng cao Tây Bắc.

Con gái mà chọn nghề báo cũng tức là đã chọn cho mình con đường nhiều chông gai. Da rám nắng, quần áo bụi bặm, mắt thâm quầng vốn là cảnh dễ thấy khi nhìn những nữ phóng viên. Dường như cũng hiểu rõ chặng đường khó khăn mà mình sẽ phải đi nên dù có bỏ lỡ những dịp hiếm hoi để tôn vinh phái đẹp như 8-3 hay 20-10 thì các nữ sinh báo chí vẫn tình nguyện lựa chọn như thế.

Thậm chí, có dịp 8-3, Nguyễn Hường (HV Báo chí và Tuyên truyền) còn từng bị bảo vệ một trường học lôi xềnh xệch từ trong cổng trường ra tận điểm đỗ xe buýt chỉ vì lý do mới làm cộng tác viên mà đã dám “xía” vào chuyện nội bộ của trường họ. Lang thang một mình ở bến xe bus, nhìn những bạn gái đồng trang lứa ngồi sau xe máy của người yêu, hoa cầm trên tay, miệng cười vui vẻ, Hường không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Hường kể: “Lúc ấy chỉ nghĩ sao mình cứ thích mua việc vào người để rồi ra nông nỗi này, ấm ức đến mức suýt khóc. Cũng may là nhanh chóng chỉnh đốn được tinh thần”.

Mải miết cho những hành trình tìm kiếm sự thật, mang niềm vui đến cho độc giả, các nữ nhà báo tương lai này đã nếm mùi của những 8-3 không trọn vẹn. Ngày Quốc tế Phụ nữ không hoa, không quà, chỉ có những lời chúc qua tin nhắn, những cuộc gọi chớp nhoáng của bạn bè…, dù rằng có lúc họ tủi thân nhưng họ không hề chán nản. Bởi họ biết rằng con đường mình đi là con đường chinh phục những thử thách thật sự, mỗi bước đi sẽ là một trải nghiệm khó quên. Vì vậy, nếu được chọn giữa việc ở nhà sum vầy 8-3 với bạn bè người thân hay lên đường để cho ra lò bài viết mới, sẽ có không ít nữ sinh báo chí mỉm cười: “Ừ thì… lên đường”!

Đinh Thùy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc