Tầm nhìn quy hoạch

08:27 | 26/12/2011

889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay ở Việt Nam là liệu tỉnh nào cũng bắt buộc phải trở thành tỉnh công nghiệp?

Theo kết quả rà soát quy hoạch trên toàn quốc trong 3 năm 2009-2011, các bộ, ngành đã và đang triển khai lập 101 quy hoạch, trong đó có 39 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 260 quy hoạch được lập, trong đó có 70 quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, trong kế hoạch năm 2012, các địa phương dự kiến lập tới 1.258 quy hoạch, trong đó có 697 dự án quy hoạch chuyển tiếp và 561 dự án quy hoạch lập mới. Trong tổng số quy hoạch nói trên có 379 quy hoạch các chuyên ngành kết cấu hạ tầng và 879 quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu. Đến năm 2020, cả nước đã quy hoạch phát triển 260 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế, 100 cảng biển, 30 sân bay, 30 khu kinh tế cửa khẩu… đang đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi của những quy hoạch đó. Tình hình này đã nói lên phần nào tình trạng quy hoạch chưa có sự tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm hay “loạn” quy hoạch. Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay ở Việt Nam là liệu tỉnh nào cũng bắt buộc phải trở thành tỉnh công nghiệp?

Phối cảnh thiết kế Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Hiện nay, có tình trạng, các địa phương, các vùng đều mong muốn mình được phát triển nên khi thấy tỉnh bạn có sân bay, cảng biển thì mình cũng phải có. Vì thế mới có hiện tượng “loạn” sân bay, cảng biển, “loạn” sân golf. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, địa phương nào, vùng nào cũng phát triển giống nhau thì rõ ràng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt ngay trong chính nội bộ vùng, đồng thời không phát huy được hiệu quả tổng thể, đầu tư sẽ chồng chéo. Hiệu quả cục bộ, đâu đó, có thể làm triệt tiêu hiệu quả chung, hiệu quả tổng thể. Thời gian tới, cần phải khắc phục tình trạng này.

Trong lúc cả nền kinh tế đang phải tính chuyện hội nhập, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và phân công lao động toàn cầu, thì bản thân các bộ phận cấu thành nền kinh tế lại không có sự phối – kết hợp tốt là điều không thể chấp nhận được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì và xây dựng Luật Quy hoạch trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã đưa luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2012. Khi Luật Quy hoạch ra đời, chúng ta sẽ khắc phục được những hạn chế hiện nay, đưa công tác quy hoạch vào nề nếp, khoa học hơn. Nhờ đó, chất lượng đầu tư cũng được nâng lên.

Nhiều vùng, nhiều ngành nghề xây dựng quy hoạch chỉ mang tính hình thức, mà hiệu quả và tính thực thi thì không có. “Giải pháp cần thiết hiện nay là phải đổi mới căn bản tư duy và phương pháp lập quy hoạch cho phù hợp với chức năng của quy hoạch trong tình hình mới là: định hướng phát triển, hướng dẫn điều hành và làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch phát triển, cơ chế chính sách và giải pháp lớn ở tầm vĩ mô cho thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra”.

Nước ta cần nhanh chóng thành lập những cơ sở đào tạo chuyên gia quy hoạch. Có như thế, mới có được lực lượng chuyên gia có đủ trình độ để chăm lo công việc quy hoạch phát triển và mới có những dự án quy hoạch có chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Thời gian lập quy hoạch cũng cần phải được quan tâm, bởi trên thực tế, lập 1 quy hoạch cho giai đoạn phát triển 10 năm thì mất tới 5 năm thực hiện, như vậy khi đó ý nghĩa của bản quy hoạch có cần thiết hay không?

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ý kiến, quy hoạch phải đi trước, để định hướng cho phát triển, nhưng ở nước ta, kế hoạch phát triển lại phải chờ quy hoạch, vì quy hoạch chưa có một tầm nhìn dài hạn, có quá nhiều khâu trong quy trình lập quy hoạch dẫn tới sự chậm trễ, kéo dài. Quy hoạch cho giai đoạn phát triển 10 năm thì đã mất tới 4-5 năm mới xây dựng xong, còn lại 5-6 năm để thực hiện. Kế hoạch vì thế khó lấy quy hoạch làm căn cứ.

Quy hoạch phát triển sẽ thay đổi theo thời gian, nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con người và trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Vì thế, việc hoàn thiện về lý luận và làm cho công tác quy hoạch đem lại hiệu quả cho thực tiễn phát triển là công việc cần được xem xét thường xuyên và nghiên cứu nghiêm túc qua các thời kỳ phát triển đất nước. Việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn công tác quy hoạch không thể chỉ làm trong một năm hoặc vài năm mà phải tiến hành liên tục với tinh thần trách nhiệm cao, bằng nguồn lực thỏa đáng.

Ngọc Tuấn