Tại sao Triều Tiên quyết tâm thử hạt nhân và tên lửa

11:21 | 20/02/2013

1,051 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là một câu hỏi lớn không chỉ của khu vực, mà cả thế giới và cho tới nay nhiều nhận định, phân tích, bình luận đã được đưa ra, nhưng chưa thuyết phục. Tuy nhiên, với những điều sẽ được trình bày dưới đây phần nào giúp độc giả hiểu và có cái nhìn tổng quan về vấn đề này. Một trong những điều dễ nhận thấy nhất, chính là mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa hoặc hạt nhân đều diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm, có liên quan tới một sự kiện lớn trên thế giới. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn và ra tuyên bố lên án mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên vì đã thử hạt nhân lần thứ 3 bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế.

Thử tên lửa và hạt nhân để “người khác” thấy?

Vụ thử hạt nhân hôm 12/2 diễn ra trước thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc thông điệp liên bang nhiệm kỳ thứ hai và trước khi kỷ niệm 71 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Jong-il. Có người nói rằng, CHDCND Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ ba để Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với họ - Bình Nhưỡng thực sự muốn hòa bình. Bởi trên thực tế CHDCND Triều Tiên cùng Hàn Quốc và Mỹ vẫn trong trạng thái chiến tranh vì hai bên chưa ký được thỏa thuận hòa bình cho dù cuộc chiến tranh (1950-1953) đã kết thúc được 60 năm (1953-2013).

Giới truyền thông cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thảo luận vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc gặp tại Washington hôm 22/2 nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo đất nước mặt trời mọc và đó là một trong những nội dung chính được thương đàm của 2 nhà lãnh đạo này. Trước đó (12/2), Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố, có ý định yêu cầu Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên trở lại danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và tăng cường trừng phạt tài chính sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3.

Ngày 14/2, khoảng 100.000 người Triều Tiên đã tham gia một cuộc mít tinh lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng để ăn mừng sự kiện thử hạt nhân thành công

Ngày 15/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của CHDCND Triều Tiên. Cũng trong ngày 15/2, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba sẽ được coi là hành động tuyên chiến. Giới chuyên môn cho biết, vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của Bình Nhưỡng đã tạo ra một chiến dịch tức thì nhằm thu thập và phân tích dữ liệu phóng xạ có thể giúp cung cấp các đầu mối quan trọng về bản chất của vụ thử và những tiến triển mà CHDCND Triều Tiên thu được trong chương trình vũ khí hạt nhân.

Bởi ngày 14/2, Ủy ban an ninh và an toàn hạt nhân Hàn Quốc cho biết, họ đã phân tích 8 mẫu không khí, do các tàu chiến và máy bay của không quân được trang bị các thiết bị dò tìm độ nhạy cảm cao thu thập được, nhưng không đồng vị phóng xạ nào được tìm thấy và lối vào đường hầm nơi vụ thử được tiến hành vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài các chuyên gia dò tìm của quân đội, Ủy ban An ninh và An toàn hạt nhân Hàn Quốc còn cho hay, 122 thiết bị tự động trên khắp nước này vẫn đang tiếp tục thu thập và phân tích các mẫu không khí.

Cũng trong ngày 14/2, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, một số đơn vị giám sát phóng xạ đã được cử đến khu vực giáp biên giới CHDCND Triều Tiên nhưng chưa phát hiện chất phóng xạ nào. Giới chuyên môn cho biết, nếu vụ thử hạt nhân dưới lòng đất được kìm chế tốt, rất khó hoặc có rất ít chất phóng xạ bị rò rỉ vào không khí.

Giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bình Nhưỡng bởi được coi là bước đi quan trọng để hướng tới sản xuất vũ khí hạt nhân ở mô hình nhỏ. Được biết, chỉ trong 3 tháng trở lại đây, CHDCND Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa và 1 vụ thử hạt nhân, bất chấp sự phản đối và cảnh báo trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản giấu tên cho rằng, việc gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa sẽ tạo ra “mối đe dọa nghiêm trọng” buộc Tokyo và Washington phải tăng cường quan hệ đồng minh mạnh mẽ hơn. Và Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân bởi Nhật Bản tin rằng, Bình Nhưỡng đã có tiến bộ trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân vì 6 năm 4 tháng đã trôi qua kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này diễn ra hồi tháng 10/2006.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết chống lại CHDCND Triều Tiên trên cơ sở Chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc: xem xét khả năng sử dụng vũ lực chống lại nhà nước xâm lược. Seoul hy vọng nghị quyết chống Bình Nhưỡng sẽ được thông qua trước cuối tháng 2.

Cách thể hiện quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong Un?

Ngày 13/2, ông Kim Jong-un đã gửi thư ngỏ cho nhân dân thế giới với nội dung giải thích về việc Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân. Theo đó, trong nhiều thập kỷ qua, CHDCND Triều Tiên đã bị nhiều kẻ thù có vũ khí hạt nhân đe dọa, do đó Bình Nhưỡng phải tự bảo vệ mình bằng cách thực hiện một trong những lời dạy của cố Chủ tịch Kim Jong-il: “Điều duy nhất để ngăn chặn kẻ xấu có vũ khí hạt nhân là mình phải có vũ khí hạt nhân trong tay”. Theo ông Kim Jong-un, thế giới chỉ có thể được an toàn khi mỗi nước có vũ khí hạt nhân và vũ khí hạt nhân không giết người mà chỉ có người này giết người kia nếu như không có vũ khí hạt nhân.

Ngày 12/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân sáng 12/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam hết sức lo ngại trước việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân ngày 12/2. Việc làm này đã vi phạm các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới giải trừ hoàn toàn loại vũ khí này. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, giải quyết hòa bình các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên”.

Ngày 16/2, CHDCND Triều Tiên đã kỷ niệm sinh nhật thứ 71 của cố lãnh đạo Kim Jong-il trong một buổi lễ mang tên “Ngày của Ngôi sao sáng”. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-il trong việc đưa nước này trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân và một cường quốc vũ trụ, đặt nền móng cho sự thịnh vượng. Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh xuất hiện tin nói rằng, Bình Nhưỡng có thể tiến hành thêm vụ thử hạt nhân thứ tư trong khi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét gia tăng các biện pháp trừng phạt vụ thử hạt nhân hôm 12/2. Tờ Rodong Sinmun cũng đăng bài xã luận nhấn mạnh, Bình Nhưỡng miễn dịch với sự gia tăng áp lực của Mỹ và quốc gia này đã sẵn sàng đối mặt với lệnh trừng phạt mới, thậm chí là chiến tranh.

Thông tin được đăng tải trên trang38 North (một blog của Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Đại học Johns Hopkins) hôm 14/2 cũng chứng tỏ điều này: nhiều khả năng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tầm xa, có kích thước lớn hơn những lần trước tại bãi phóng vệ tinh Tonghae ở phía đông bắc nước này. Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết, cường độ của vụ thử hạt nhân hôm 12/2 mạnh gấp đôi so với vụ thử hạt nhân lần thứ hai (năm 2009) của Bình Nhưỡng. Đánh giá của CTBTO dựa vào cơn địa chấn mạnh 4,9 độ richter mà cơ quan này đo được so với 4,5 độ richter hồi năm 2009.

Giới phân tích cho rằng, tuy mới lên nắm quyền được hơn một năm, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un luôn tìm cách làm thay đổi chính sách của các nước đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt là Mỹ. CHDCND Triều Tiên luôn coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình, do đó phát triển vũ khí hạt nhân được coi là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề này. Ngày 15/2, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa quyết định thăng quân hàm Trung tướng và Thiếu tướng cho 48 sĩ quan quân đội. Trong năm 2012, ông Kim Jong-un đã thăng quân hàm cấp tướng cho 23 sĩ quan.

Vai trò của các nước lớn

Ngày 16/2, Tân Hoa xã dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, Mỹ cần phản ánh nghiêm túc về nguyên nhân dẫn tới vụ thử hạt nhân hôm 12/2 của CHDCND Triều Tiên bởi việc này diễn ra do sự đối kháng lâu năm giữa Bình Nhưỡng với Washington. Theo ông Thời Ân Hoằng, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và ông Lưu Giang Vĩnh, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, CHDCND Triều Tiên đã quyết định thử hạt nhân lần thứ 3 trên cơ sở lợi ích riêng của mình, thay vì theo ý muốn của Trung Quốc. Hơn nữa, mục tiêu thực sự của CHDCND Triều Tiên là Mỹ chứ không phải Trung Quốc hay Hàn Quốc.Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một số phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân hôm 12/2 là minh chứng cho thấy, chính sách kiềm chế CHDCND Triều Tiên của Trung Quốc đã thất bại nặng nề.

Một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng, vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Bình Nhưỡng là bằng chứng cho sự thất bại của chính sách mà Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tiến hành đối với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, lịch sử đã chứng minh: khi Washington và Seoul thực hiện “Chính sách ánh dương” với Bình Nhưỡng, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được nới lỏng, thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa và ngược lại.

Ông Kim Jong-un

Cũng trong ngày 16/2, một quan chức thuộc quân khu miền Đông Nga giấu tên cho biết, CHDCND Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bãi thử Musudan-ri hướng về phía bờ biển Nhật Bản trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 10/2. Trước đó (12/2), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cũng cho biết, Bình Nhưỡng đã bắn thử các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 10/2, nhưng không tiết lộ địa điểm và hướng bắn. Giới chức tình báo Hàn Quốc cảnh báo, có nhiều dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ tư tại cùng bãi thử mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hôm 12/2.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Interfax mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Mỹ đang lợi dụng việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân như một cái cớ cho việc tăng cường phòng thủ tên lửa của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương bởi Moskva quan ngại về các hành động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực này.

Ngày 15/2, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo muốn Bắc Kinh thể hiện lập trường cương quyết phản đối Bình Nhưỡng sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2 bất chấp sự phản đối của quốc tế bởi Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với CHDCND Triều Tiên. Trước đó (14/2), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onoderacho rằng, hiện còn quá sớm để xem xét việc thay đổi quan điểm ngoại giao của Tokyo, song cũng nhấn mạnh, các lựa chọn đều được để ngỏ. Theo đó, Nhật Bản có quyền phát triển khả năng để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra trong tình hình an ninh thay đổi như hiện nay, mặc dù hiện Tokyo vẫn chưa có kế hoạch cho việc này.

Những động thái và tuyên bố đáng quan tâm

Ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết, quân đội nước này đã tiến hành cuộc tập trận pháo binh (với sự tham gia của pháo tự hành K-9 và các dàn phóng tên lửa) tại một khu vực gần biên giới với CHDCND Triều Tiên nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng thực hiện thêm các hành động khiêu khích. Trong 2 ngày 14 và 15/2, các lực lượng vũ trang Hàn Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với sự tham gia của hải - lục - không quân. Trong khi hải quân thực hiện các bài diễn tập đối phó với hành động khiêu khích trên biển Nhật Bản và Hoàng Hải thì lục quân triển khai pháo binh ở khu vực gần biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Trước đó (14/2), với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối (183 phiếu thuận và 2 phiếu trắng), Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân lần thứ ba của CHDCND Triều Tiên. Các nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc cũng hối thúc CHDCND Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT), đồng thời cam kết sẽ nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp căn bản cho vấn đề này. Cũng trong ngày 14/2, tại cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chiếu một đoạn video đặc biệt giới thiệu việc triển khai loại tên lửa hành trình được bắn đi từ tàu chiến và tàu ngầm có khả năng tấn công các mục tiêu tại CHDCND Triều Tiên.

Nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak qua điện thoại, Tổng thống Barack Obama tuyên bố: Mỹ vẫn kiên định với những cam kết bảo vệ Hàn Quốc. Tổng thống Barack Obama còn bày tỏ quan ngại động thái này có thể đẩy an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng. Ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, CHDCND Triều Tiên là một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Mỹ và Washington phải chuẩn bị đối phó.

Ngay trong ngày 12/2, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên tuyên bố: vụ thử hạt nhân hôm 12/2 chỉ là bước đầu bởi Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện hành động mạnh hơn nếu Washington tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình với thái độ hiếu chiến. Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, sẽ không bao giờ nhượng bộ trước các nghị quyết quốc tế “vô lý” chống lại chương trình hạt nhân của nước này.

Cách đây gần 4 năm (25/5/2009), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng ra tuyên bố không ràng buộc lên án vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sau phiên họp khẩn kéo dài khoảng 60 phút. Theo đó, hành động của Bình Nhưỡng đã vi phạm Nghị quyết 1718 nên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghĩa vụ theo Nghị quyết 1695 và Nghị quyết 1718 (năm 2006) cũng như các nghị quyết và tuyên bố khác có liên quan. Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố kể trên, CHDCND Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn trên biển Hoàng Hải chiều 26/5/2009. Đồng thời khẳng định, Bình Nhưỡng sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công của Washington.

Ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết: Nga, Mỹ và Trung Quốc đều được CHDCND Triều Tiên thông báo trước về vụ thử hạt nhân hôm 12/2. Trước đó (12/2), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng xác nhận: CHDCND Triều Tiên đã thông báo trước ý định tiến hành một vụ thử hạt nhân, nhưng không thông báo thời gian cụ thể. Dư luận đang quan tâm tới thông tin của hãng Kyodo (Nhật Bản) cho biết, Iran đã chi hàng chục triệu USD cho CHDCND Triều Tiên để các chuyên gia nước này có điều kiện quan sát vụ thử hạt nhân hôm 12/2 tại bãi thử Punggye-ri.


Phù Lưu - Bắc Ninh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc