Tại sao “Thế kỷ châu Á” chưa định hình?

07:00 | 03/08/2015

1,655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây hơn một thập niên, người ta vẫn còn đọc những bài báo đại loại “Châu Á sẽ định dạng sự phát triển toàn cầu”. 15 năm sau khi thế giới bước vào thế kỷ XXI, châu Á vẫn còn nhiều vấn đề và thách thức để trở thành điểm nóng phát triển có vai trò như đầu tàu kinh tế thế giới...

Trung Quốc khẩn cứu thị trường chứng khoán bằng cách nào?

Trung Quốc khẩn cứu thị trường chứng khoán bằng cách nào?

Đối với chính quyền Trung Quốc, đây không chỉ là khủng hoảng tài chính, mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn nhiều, thậm chí có thể “lây lan” sang cả chính trị. Đó là lí do vì sao Bắc Kinh đang làm mọi thứ để có thể ngăn chặn khả năng sụp đổ domino của cả thị trường.

Dự báo và thực tế

Nghiên cứu “Foresight 2020” được thực hiện bởi Economist Intelligence Unit (EIU) dưới sự tài trợ Cisco Systems thực hiện cách đây gần 10 năm, cho biết, Mỹ cùng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm hơn 50% phát triển kinh tế toàn cầu từ 2005-2020, với riêng châu Á đối với nền kinh tế thế giới chiếm đến 43% so với mức hiện tại 35%; rằng “15 năm tới sẽ chứng kiến sự thăng hoa vượt bật của châu Á”.

Báo cáo “Foresight 2020” (gần 100 trang) viết rằng, GDP toàn cầu sẽ tăng trung bình 3,5%/năm, giúp kinh tế thế giới lớn gấp 2/3 vào năm 2020 so với năm 2005 và Trung Quốc sẽ đóng góp 27% trong tỉ lệ phát triển trên. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bổ sung tổng cộng 207 triệu nhân công vào trước năm 2020 và riêng Trung Quốc sẽ có ít nhất 80 triệu hộ dân có thu nhập hơn 7.500 USD/năm vào trước năm 2020... Quan trọng hơn, “Foresight 2020” tin rằng, châu Á có thể thoát được ảnh hưởng Mỹ…

Tại sao “Thế kỷ châu Á” chưa định hình?
Sự sụp đổ thị trường chứng khoán cho thấy nhiều lỗ hổng trong chính sách kinh tế Trung Quốc

Thực tế châu Á có rất nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan. Như Joshua Kurlantzick, chuyên gia Đông Nam Á học thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) viết trên “Current History”, xét riêng Trung Quốc, đến năm 2040, ít nhất 400 triệu người nước này sẽ bước vào độ tuổi mất sức lao động và hầu hết trong số đó không được hưởng chế độ trợ cấp. Tình trạng bất bình đẳng ngày càng giãn rộng, đặc biệt Trung Quốc, trở nên một vấn đề xã hội ẩn nhiều nguy cơ. 20 trong 30 thành phố Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới. Vấn đề chung của châu Á còn là chế độ ưu đãi người nhập cư nước ngoài. Điều đó khiến châu Á trở nên ít năng động, không hòa nhập và kém sáng tạo. Không như nhiều nước phương Tây, Trung Quốc, Nhật, Indonesia và Hàn Quốc rất miễn cưỡng cho người nước ngoài nhập tịch. Việc sử dụng nhân tài cũng không hợp lý. Theo khảo sát của AnnaLee Saxenian thuộc Đại học California-Berkeley, người Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 1/4 tất cả công ty tại thung lũng Silicon…

Trên Tạp chí National Interest (số tháng 5 và 6/2015), John Lee chỉ ra thêm: năm 1960, Đông Á chiếm 14% GDP toàn cầu; hiện thời khoảng 27%. Nếu tốc độ phát triển duy trì, khu vực này chiếm 36% GDP toàn cầu vào trước năm 2030 và 50% vào giữa thế kỷ XXI. Sản xuất để xuất khẩu là công nghiệp chủ yếu của Đông Á (chiếm tỉ trọng mậu dịch thế giới từ 12% năm 1970 lên 26% năm 1990 rồi hơn 35% hiện nay). Thị phần sản xuất - xuất khẩu của khối ASEAN đối với mậu dịch thế giới tăng từ 0,3% năm 1970 lên 6% hiện nay. Hơn 2/3 công nghiệp sản xuất Đông Á là thuộc khu vực xuất khẩu. Với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, hàng hóa của họ chiếm hơn 85% tỉ lệ xuất khẩu. Điều đó cho thấy một thực tế rằng: châu Á vẫn phải lệ thuộc thị trường phương Tây!

Tại sao “Thế kỷ châu Á” chưa định hình?
Kinh tế châu Á vẫn dựa vào gia công xuất khẩu

Trong khi thị trường tiêu dùng nội địa Mỹ và châu Âu trị giá khoảng 11,5 ngàn tỉ USD mỗi thị trường, toàn bộ thị trường tiêu dùng Đông Á trị giá không đến 10 ngàn tỉ USD (Trung Quốc khoảng 3,4 ngàn tỉ USD; Nhật chừng 3 ngàn tỉ USD…). Không chỉ lệ thuộc thị trường, kinh tế Đông Á thậm chí lệ thuộc vào các đại công ty phương Tây. Hãng Apple là một ví dụ. Trong thực tế, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Việt Nam đều đến từ các công ty thuộc các nền kinh tế phát triển, chủ yếu phương Tây và Nhật cùng Hàn Quốc. Trung Quốc vẫn chưa lọt vào danh sách 5 nguồn FDI lớn nhất tại bất kỳ nền kinh tế xuất khẩu nào của Đông Á. Khoảng 4/5 nguồn FDI đổ vào Đông Á lại chạy vào khu vực sản xuất xuất khẩu. Nói cách khác, Đông Á nói riêng và châu Á nói chung vẫn sống bằng nghề gia công cho phương Tây.

“Decouple” và tự phát triển?

Đến thời điểm này, có thể thấy lý thuyết “decouple” (tách rời), cho rằng kinh tế châu Á không chỉ hoàn toàn có thể tự đứng vững (không lệ thuộc sự hưng thịnh hay suy vong kinh tế Mỹ) mà còn có thể định dạng sự phát triển toàn cầu là không đúng. Những gì diễn ra trước thời điểm bùng nổ suy thoái 2008 dễ khiến người ta nghĩ đến sự đổi ngôi từ Tây sang Đông và sự “sang tay” cán cân quyền lực từ Mỹ sang Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến có thể tin rằng, kinh tế châu Á có thể phát triển độc lập khỏi ảnh hưởng thị trường Mỹ là mức độ thâm hụt cũng như thặng dư ngân sách không cao, giúp châu Á dễ xoay trở trong điều chỉnh chính sách để duy trì mức cầu thị trường nội địa nhằm bù đắp sự tụt giảm trong xuất khẩu. Tuy nhiên, như giáo sư Bùi Mẫn Hân đã chỉ ra, châu Á - ngay cả trong bối cảnh kinh tế thịnh vượng - vẫn không thể so với Mỹ. Toàn bộ khu vực này sản xuất 30% tổng xuất lượng kinh tế toàn cầu nhưng bởi nuôi nhiều miệng ăn nên GDP/đầu người chỉ đạt 5.800USD so với 48.000USD của Mỹ.

Thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc bằng 1/10 Mỹ; và tổng tiêu dùng nước này năm 2007 là 1,7 ngàn tỉ USD so với 12 ngàn tỉ USD của Mỹ. Tính theo tỉ lệ phát triển trước thời điểm khủng hoảng, người châu Á cần trung bình 77 năm nữa mới bắt kịp thu nhập trung bình của dân Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc cần 47 năm và Ấn Độ 123 năm. Về quân sự, tổng ngân sách châu Á vẫn có thể chỉ bằng mức hiện tại của Mỹ trong 72 năm nữa. Và bởi yếu tố lịch sử vốn quen với sự cạnh tranh cũng như mâu thuẫn biên giới địa lý, châu Á khó có thể trở thành một khối thống nhất để thu hút tinh lực toàn cầu.

Châu Á còn nhiều vấn đề nội tại khác. Dù Goldman Sachs từng dự báo Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ về sản lượng kinh tế vào năm 2027 (tức trị giá hơn 10 ngàn tỉ USD) và Ấn Độ cũng bắt kịp vào năm 2050 nhưng châu Á thật ra đối mặt nhiều rào cản khó vượt trong nhiều thập niên tới, bất luận có xảy ra suy thoái hay không. Hơn 20% dân châu Á sẽ trở thành người già vào trước năm 2050. Tháng 2/2009, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra báo cáo Aging in Asia: Trends, Impacts and Responses, cho biết tỉ lệ người già châu Á đối với thế giới sẽ tăng từ 44% năm 1950 lên 62% năm 2050; và “vấn đề dân số sẽ chạm đến mọi mặt đời sống chúng ta; và trừ khi chúng ta sớm tiến hành những chọn lựa chính sách khó khăn, sẽ có ít cơ hội để châu Á sống thanh thản với tuổi già” - nhận xét của Jayant Menon, đồng tác giả nghiên cứu trên. Báo cáo còn ghi nhận hiện chỉ có khoảng 60% nam và 40% nữ thuộc nhóm đối tượng trẻ tại các nước đang phát triển châu Á là đi làm mà nhiều người trong số họ phải làm những nghề không ổn định cũng như được trả lương thấp.

Động lực cho phát triển châu Á thời gian gần đây là xu hướng đô thị hóa cùng những mặt lợi mang lại từ khuynh hướng tự do mậu dịch, cải cách thị trường và hội nhập kinh tế. Tất cả đều là những sản phẩm của toàn cầu hóa. Bây giờ, toàn cầu hóa đang co cụm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển thế giới nói chung. Hơn nữa, doanh nghiệp châu Á vốn theo mô hình gia đình và nhà nước - cấu trúc giúp dễ điều chỉnh khi gặp sự cố - nhưng chúng ít minh bạch và hạn chế sáng tạo so với mô hình doanh nghiệp phương Tây. Cần biết, khoa học kỹ thuật Mỹ vẫn đang vượt trội so với phần còn lại của thế giới.

Từ năm 2009, tổ chức phi lợi nhuận Liên minh các nhà sản xuất và sáng tạo (MAPI, với thành viên gồm nhiều công ty toàn cầu trong đó có Caterpillar, Ingersoll-Rand, United Technologies…) từng đưa ra báo cáo China’s Future Growth: Savings, Investment, and Its Rebalancing Goal, cho biết Trung Quốc không giúp được nhiều cho kinh tế thế giới, bởi khoảng cách giữa đầu tư và tiết kiệm của họ tiếp tục giãn rộng trong khi thặng dư mậu dịch tiếp tục tăng. Kết quả, tiêu dùng cá nhân tại Trung Quốc giảm nhiều hơn và nhập khẩu vào Trung Quốc bị tụt theo. Trung Quốc phải hướng đến một nền kinh tế được điều hành bởi nhu cầu tư hơn là công, đến tiêu dùng (cá nhân) hơn là đầu tư (công), đến dịch vụ mở rộng nguồn nhân lực (labour intensive services) hơn là công nghiệp nguồn vốn (capital intensive industry; dựa vào đầu tư nguồn vốn cho việc mua/xây bất động sản hoặc tài sản), đến sự lệ thuộc thị trường nội địa hơn là nước ngoài. Những thay đổi này cần loạt cải cách: mở rộng cửa cho cạnh tranh tư nhân; nâng tỉ lệ lãi suất đối với thành phần được vay “ưu đãi”; cổ phần hóa công ty nhà nước…

Bloomberg (16/7/2015) cho biết, nợ của các công ty và hộ dân Trung Quốc đang “đại nhảy vọt”, chiếm 270% GDP vào cuối tháng 6/2015, tăng từ 125% so với năm 2008. Nợ xấu đã vọt lên mức kỷ lục 140 tỉ tệ (23 tỉ USD) chỉ trong quý một. Các khoản vay từ công ty và hộ dân tăng 12% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ quốc gia mà Trung Quốc đang gánh hiện là 16,1 ngàn tỉ USD và vẫn đang tăng! Xét riêng các công ty, nợ khu vực này chiếm 160% GDP, gấp đôi so với Mỹ - theo khảo sát hơn 1.400 doanh nghiệp Trung Quốc mà Reuters thực hiện. Núi nợ Trung Quốc có thể vọt lên 77%, lên 28,8 ngàn tỉ USD trong 5 năm tới, theo dự báo của Standard & Poor’s.

Chỉ trong tháng 6/2015, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 1,28 ngàn tỉ tệ (206 tỉ USD), so với 900,8 tỉ tệ vào tháng 5. Sự gia tăng đầu tư quân sự với việc chạy đua vũ trang không mệt mỏi đồng thời dốc hầu bao viện trợ nước ngoài xây dựng quyền lực mềm càng khiến Trung Quốc mau kiệt quệ. Người khổng lồ ngoại cỡ đứng bằng đôi chân đất sét đang tự giết mình?

Mạnh Kim

Năng lượng Mới 444