Máy bay MH17 bị bắn rơi:

Tại sao Mỹ và phương Tây "đổ riệt" cho Nga?

07:00 | 22/07/2014

5,770 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho tới nay, việc chiếc máy bay Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị rơi ngày 17/7 trên vùng trời Ukraine đang "gây bão" bởi Mỹ và một vài nước phương Tây đang tìm cách đổ riệt cho Nga là "phải liên đới chịu trách nhiệm"?

>> Tổng thống Putin: "MH17 rơi trong biên giới Ukraine - còn chúng tôi ở Nga"

Phải chăng điều đó là sự thật bởi vì… chính quyền Kiev đã khăng khăng khẳng định là như vậy. Phải chăng điều đó là sự thật bởi vì… Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nói như thế, rồi cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cũng đều quả quyết như vậy, hay bởi vì các phương tiện truyền thông Mỹ - Anh, từ CNN cho đến Fox đều vào hùa ám chỉ điều đó là sự thật.

Và thế là, khi cuộc điều tra còn chưa bắt đầu, khi chưa có bất kỳ một bằng chứng xác đáng nào được công bố, "thủ phạm" đã được nêu tên và bị đe dọa trừng phạt.

Trong khi đó, có rất nhiều nghi vấn còn chưa được giải thích trong vụ này.

Binh sỹ Ukraine ở hiện trường vụ tai nạn máy bay B777 của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17

 

Trước hết là tại sao hệ thống tên lửa BUK của quân đội Ukraine lại ở trong tình trạng hoạt động vào ngày 17/7, thời điểm MH17 bị rơi?

Tại sao nhân viên kiểm soát không lưu Ukraine lại cho phép một máy bay dân sự bay qua vùng chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông nước này?

MH17 đã nhận được thông tin liên lạc nào từ đài kiểm soát không lưu Kiev?

Và tại sao Kiev đến giờ chưa công bố ghi âm cuộc trò chuyện giữa kiểm soát không lưu Ukraine và MH17, như Malaysia đã từng làm trong vụ máy bay mang số hiệu MH370 mất tích?

Tại sao truyền thông Mỹ - Anh chỉ nhấn mạnh rằng tên lửa Buk do Nga sản xuất và người Nga đã bắn? Trong khi quân đội Ukraina và Nga đều được trang bị vũ khí như nhau từ thời Liên Xô và ngày nay được quen viết là "Sản xuất ở Nga".

Một thông tin ngoài lề nhưng khá quan trọng là những tiết lộ trên Twitter của một chuyên viên không lưu người Tây Ban Nha có tên Carlos Buca, làm việc tại đài kiểm soát không lưu Kiev về việc  chính quân đội Ukraine đã bắn hạ chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines trên không phận miền Đông nước này.

Theo ghi nhận người này, có 2 máy bay chiến đấu của Ukraina đã áp sát máy bay MH17 của Malaysia Airlines trước khi nó bị bắn hạ và biến mất khỏi radar. Điều kỳ lạ là Bộ Nội vụ Ukraine biết rằng đã có máy bay chiến đấu ở trong khu vực này nhưng Bộ Quốc phòng thì không hay biết về việc đó.

"Ngay sau khi chiếc máy bay B777 mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines biến mất, chính quyền quân sự  Kiev đã thông báo cho chúng tôi về việc nó bị bắn rơi. Làm thế nào mà họ biết điều đó", Buca đặt câu hỏi.

Tiếp đến, nhân viên kiểm soát không lưu khẳng định: "Tất cả mọi việc đã được ghi lại trên radar. Kiểm soát không lưu quân sự cũng như kiểm soát giao thông biết rõ những việc đó".

Chỉ tiếc rằng, chỉ vài giờ sau khi đăng tải thông tin trên, Buca đã đóng tài khoản Twitter của mình tại địa chỉ @spainbuca do nhận được lời dọa giết.

Hệ thống tên lửa BUK do Nga sản xuất

Thời điểm MH17 gặp nạn cũng đáng ngờ. MH17 bị bắn rơi 2 ngày sau khi BRICS (nhóm 5 nền kinh tế mới phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) công bố thành lập “Ngân hàng mới phát triển” và Quỹ dự trữ ngoại tệ – động thái được xem là thách thức Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) do Mỹ và Liên minh châu Âu làm chủ, chi phối. Bi kịch của MH17 cũng xảy ra vào đúng thời điểm chiến sự ở Dải Gaza đang nóng lên từng ngày với cuộc tấn công của Israel – đồng minh thân cận của Mỹ. Trong khi đó, Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia lại là nơi đặt trụ sở của Ủy ban tội phạm chiến tranh, tổ chức đã cáo buộc Israel vi phạm tội ác chống lại loài người.

Tổng thống Nga Putin ít nhất đã đúng khi nhấn mạnh thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu Tổng thống Ukraine Poroshenko đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và ông Putin đã cố gắng thuyết phục ông ta làm vào cuối tháng 6. Và ngoài ra, về lý thuyết, Kiev có lỗi khi không thực hiện được trách nhiệm kiểm soát sự đi lại an toàn của các chuyến bay trong không phận của họ.

Nhưng tất cả những nghi vấn đó dường như đang bị lãng quên trong sương mù chiến tranh và cuộc chiến thông tin do truyền thông phương Tây thêu dệt. Cũng giống như chuyện tàu Hải quân Mỹ Vincennes năm 1988 đã “nhầm lẫn” chiếc máy bay dân sự Airbus A300 mang số hiệu 655 của Iran Air từ Tehran đi Dubai với máy bay chiến đấu F-14, để rồi bắn 2 quả tên lửa đất đối không, giết chết toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay.

Trong khi đó, lịch sử đã cho chúng ta quá nhiều bài học về sự tín nhiệm với truyền thông cũng như chính quyền Mỹ.

Washington vốn có “truyền thống” diễn giải mọi việc theo hướng bất lợi cho đối thủ, với sự tiếp tay của truyền thông, cho dù là không có bất kỳ bằng chứng nào: Chẳng hạn như việc bịa ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 để lấy cớ tấn công đánh phá miền Bắc Việt Nam, hay khăng khăng cho rằng Iraq sở hữu vũ khí hạt nhân để lấy cớ phát động cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003.

Rõ ràng, trong vụ việc này, Washington đang muốn lợi dụng triệt để tình hình, và tìm mọi cách vu cho Nga, để lái sự việc theo hướng có lợi cho Mỹ.

Linh Phương