Tại sao châu Âu muốn làm khó Gazprom?

10:43 | 27/09/2012

1,188 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên căng thẳng sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đe dọa phạt Tập đoàn Khí đốt Gazprom của Nga 10 tỉ euro, do các hành vi có thể vi phạm luật cạnh tranh ở thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, Nga cho rằng, EU đang ép Gazprom phải “trợ cấp” cho những quốc gia kinh tế yếu kém của khối này. Ẩn tình trong vụ việc này là thế nào?

Theo tuyên bố vừa được Ủy ban châu Âu đưa ra, đại diện pháp lý của liên minh 27 thành viên này đã bắt đầu thủ tục pháp lý để xem xét liệu Gazprom có vi phạm các tiêu chuẩn của châu Âu về cạnh tranh ở 8 nước Đông và Trung Âu (Bungari, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan và Slovakia) hay không. Hiện tại, những cáo buộc đối với tập đoàn Nga gồm: Lạm dụng vị thế thống trị trên các thị trường cung ứng khí đốt tại Trung và Đông Âu bằng cách chia cắt thị trường; cản trở “dòng khí đốt tự do tới châu Âu”; thiết lập các rào cản đối với việc đa dạng hóa cung ứng năng lượng tới EU và áp đặt giá khí đốt tăng cao với người tiêu dùng. Việc EU mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Gazprom cũng có nghĩa EC đã quyết định tiến thêm một bước trong cuộc tranh cãi với Nga về các nguyên tắc mua bán các nguồn năng lượng, trước hết là khí đốt. Dự kiến, tiến trình điều tra sẽ kéo dài từ vài tháng đến một năm. Theo luật châu Âu, vi phạm các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể bị phạt tới 10% doanh thu/năm của công ty. Trong trường hợp của Gazprom là trên dưới 10 tỉ euro.

Cho tới nay ở châu Âu chưa từng có công ty nào phải nộp một khoản tiền phạt lớn đến mức đó. Ngày 6/9, trong báo cáo chính thức về kết quả hoạt động trong Quý I, chính Gazprom đã thừa nhận rằng, họ đang thanh toán cho người tiêu dùng châu Âu các khoản bồi thường đặc biệt. Tổng số các khoản thanh toán như vậy là gần 100 tỉ rúp và có thể sẽ tăng lên hơn 3 lần. Kết quả là trong Quý I, lợi nhuận ròng của tập đoàn này đã giảm hơn 23%. Chỉ riêng trong ngày 5/9, trong bối cảnh có những thông tin tiêu cực từ Bruxelles, giá trị thị trường của Gazprom đã giảm hơn 70 tỉ rúp.

Hoạt động của Gazprom hiện vẫn diễn ra bình thường

Báo cáo của Gazprom về kết quả hoạt động trong Quý I theo các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được công bố hôm 6/9, đã nhận định: “Kết quả của việc điều chỉnh lại giá khí đốt ước khoảng 78,505 tỉ rúp”. Ở đây đang nói về việc cho giảm giá đối với khí đốt đã được cung cấp và thanh toán trước đó. Trong khi đó, cuối tháng 6, bà Elena Vasilyeva, Phó chủ tịch Gazprom thông báo rằng, từ tháng 1 đến tháng 5/2012, số tiền đền bù cho khách hàng châu Âu là 20 tỉ rúp. Như vậy, tổng số tiền hóa ra là gần 100 tỉ rúp. Nhưng đây chưa phải là giới hạn cuối cùng - trước đó các nhà phân tích đã lưu ý rằng, năm nay trong ngân sách của Gazprom đã trích ra gần 300 tỉ rúp để đền bù.

Trong khi đó, người tiêu dùng châu Âu đang gia tăng áp lực đối với Gazprom: tháng 1/2012, tập đoàn này đã thông báo rằng, căn cứ vào các điều kiện thị trường, họ đã điều chỉnh giá khí đốt trong các hợp đồng với Tập đoàn Khí đốt GDF Suez (Pháp), Tập đoàn Phân phối khí đốt Wingas (Đức), Tập đoàn Nhập khẩu khí đốt SPP (Slovenia), Tập đoàn Khí đốt Sinergie Italiane (Italia) và Tập đoàn Nhập khẩu khí đốt Econgas (Áo). Sau đó, Gazprom đã thông báo rằng, giá cả đã được giảm khoảng 10%. Tháng 3/2012, Gazprom đã đạt được thỏa thuận về giảm giá khí đốt với Tập đoàn Dầu khí Eni của Italia và tháng 7/2012 với Tập đoàn Năng lượng E.On của Đức.

Theo báo cáo của Gazprom, giá khí đốt đang giảm đi, tuy không nhiều. Theo các số liệu của tập đoàn này, giá bán khí đốt trung bình bán cho người tiêu dùng châu Âu trong Quý I là 383,8 USD/1.000m3 so với 398,5 USD/1.000m3 trong Quý I năm ngoái. Thế nhưng, ở các nước thuộc Liên Xô cũ từ tháng 1 đến tháng 3/2012, giá khí đốt của Gazprom bán cho các nước này là 287,5 USD/1.000m3 so với 258 USD/1.000m3 năm trước. Đầu năm 2012, ông Alexander Medvedev, Phó chủ tịch Gazprom đã thông báo rằng, trong quá trình đàm phán, tập đoàn này đã giảm giá bán theo hợp đồng trong các hợp đồng dài hạn với khách hàng châu Âu trung bình là 10%.

Đáng chú ý là, chính người tiêu dùng châu Âu lại đánh giá khác nhau về sự khởi đầu của cuộc xung đột với Ủy ban châu Âu (EC). Thủ tướng Litva, ông Andrius Kubilius, tuần trước tuyên bố Tập đoàn Gazprom cần phải thay đổi chính sách giá cả của mình, cũng như phải đền bù cho nước này những thiệt hại do giá khí đốt bị nâng cao. Nhưng ông Kubilius không nêu tổng số tiền thiệt hại là bao nhiêu.

Tuy nhiên, các nước khác ở vùng Baltic có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông Raul Kotov - thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Khí đốt Gaas Eesti - tuyên bố vụ phân xử giữa EC và Gazprom có thể sẽ làm tăng giá khí đốt ở Estonia. Ông Kotov cho biết: “Nếu các quan chức châu Âu buộc Tập đoàn Gazprom bán khí đốt cho tất cả khách hàng theo cùng một mức giá, thì người ta sẽ lấy giá trung bình của một thị trường lớn làm cơ sở. Estonia không phải là thị trường như vậy”. Xin lưu ý Tập đoàn Eesti Gaas đang tham gia mua bán và phân phối khí đốt của Nga và bảo trì bảo dưỡng các hệ thống khí đốt, xây dựng các đường ống dẫn khí và phát triển các mạng lưới khí đốt ở nước này. Các cổ đông của nó là Tập đoàn Gazprom (37,02%), Tập đoàn Ruhrgas của Đức (33,66%), Tập đoàn Fortum của Phần Lan (17,72%), Tập đoàn Itera Latvija (9,85%) và các cổ đông thiểu số (1,75%).

Liên quan tới việc EC kiện Gazprom, ngày 9/9 Tổng thống Putin cho đây là hành động “không mang tính xây dựng”

Hiện Tập đoàn Gazprom đang phải chờ đợi quyết định từ Bruxelles. Như Tập đoàn Phát thanh truyền hình Bỉ RTBF đưa tin hôm 6/9, Tập đoàn Gazprom có thể sẽ bị phạt hơn 10 tỉ euro, nếu EC chứng minh được rằng, tập đoàn khí đốt của Nga vi phạm luật cạnh tranh của EU. RTBF đưa ra bình luận: “Theo các quy định của châu Âu, các công ty bị phát hiện lạm dụng vị thế độc quyền có thể bị phạt với mức 10% doanh thu hằng năm của họ, mà trong trường hợp của Gazprom là hơn 10 tỉ euro”.

Tuy nhiên, Gazprom thông báo “lập trường của tập đoàn này không có gì thay đổi”. Phát ngôn viên của Gazprom, ông Sergei Kouprianov cho rằng, việc này là “trái ngược các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”.

Các nhà phân tích đánh giá những rủi ro đối với Gazprom tại thị trường châu Âu theo những cách khác nhau. Ông Gregory Birg, đồng Giám đốc bộ phận phân tích của Cơ quan Phân tích độc lập Investkafe nói: “Các hình phạt chống độc quyền tại EU có thể là khoảng 10% doanh thu hằng năm từ việc bán sản phẩm ở nước xảy ra các hành vi vi phạm. Nếu căn cứ vào số lượng doanh thu bán khí đốt của Gazprom cho nước ngoài, thì tiền phạt có thể lên tới 4 tỉ USD. Gần đây Ba Lan và Litva đã đệ đơn tới trọng tài kinh tế Stokhom kiện Tập đoàn Gazprom. Các chuyên gia phân tích của cơ quan này nhận định: “Có một nguy cơ là Gazprom sẽ phải thay đổi hệ thống hình thành giá cả của những hợp đồng xuất khẩu. Việc này sẽ dẫn đến những tổn thất về tài chính, bởi Gazprom sẽ phải xem xét lại phương pháp và cơ sở tính giá khí đốt”.

Theo người đứng đầu Ban Quản lý các hoạt động đầu tư thuộc Ngân hàng Lanta, ông Oleg Poddymnikov, việc điều tra chống độc quyền từ phía EC là một nguy cơ nghiêm trọng đối với Gazprom. Theo ông, ngoài việc bị phạt, tập đoàn có thể còn bị yêu cầu giảm bớt sự hiện diện trên thị trường châu Âu. Tuy nhiên, lúc này nói về các biện pháp cụ thể và hình phạt là còn quá sớm. Hiện nay, khoảng 25% lượng khí đốt từ Nga được bán cho châu Âu. Một điều hoàn toàn tự nhiên là châu Âu đang cố gắng để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Tuy nhiên, theo ông Oleg Semyonov, người đứng đầu chi nhánh của Công ty 2K Aydit - Tư vấn Kinh doanh/Morison International tại St Petersburg cho rằng, chứng minh một hành vi vi phạm luật chống độc quyền sẽ rất khó khăn. Ông Semyonov nhận định những vụ việc như vậy thường kéo dài nhiều năm. Vì vậy, hiện nay chưa thể nói về thảm họa của Gazprom. Hơn nữa, mức phạt 10 tỉ euro là rất cao và chưa từng xảy ra trong luật chống cạnh tranh của châu Âu. Trước đó, các nhà chống độc quyền nhận được số tiền phạt tối đa từ Tập đoàn Microsoft là 860 triệu euro - khoảng 2% doanh thu của Microsoft. Tập đoàn Gazprom bị đe dọa phạt 10%, nhưng đây là giá trị tối đa. Rõ ràng, trong trường hợp đang thử nghiệm số tiền phạt có thể sẽ được giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông Nikolai Solabuto, Giám đốc Quản lý tài sản của Tập đoàn Đầu tư Trade Portal không chia sẻ sự lạc quan này và nói khả năng Gazprom phải nộp phạt là rất cao.

Đáp lại động thái của EC, ngày 9/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích cuộc điều tra chống độc quyền do EC tiến hành nhằm vào Tập đoàn Gazprom của Nga, coi đây là hành động “không mang tính xây dựng” và khẳng định Mátxcơva đã không còn sẵn sàng trợ giá cho Đông Âu nữa. Theo ông chủ Điện Kremlin, việc EC cho rằng, Gazprom vi phạm các quy định chống độc quyền thực chất là nhằm gây sức ép để tập đoàn phải chịu một phần gánh nặng “trợ cấp” cho những quốc gia kinh tế yếu kém ở Đông Âu. Đây là một bộ phận làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính ở Lục địa già.

Những vụ việc liên quan tới Gazprom đã dẫn tới việc Tổng thống Nga V.Putin mới đây đã phải ra sắc lệnh, theo đó, tất cả các tập đoàn chiến lược của Nga có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đều sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước Nga. Cụ thể, theo sắc lệnh này, từ nay trở về sau, các công ty chiến lược, trong đó có Gazprom chỉ được cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, về việc giảm giá khí đốt với sự chấp thuận trước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Nga. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga sẽ có thể xem xét và sửa đổi mọi thỏa thuận và tất cả những hồ sơ liên quan đến chính sách giá cả mà các công ty chiến lược của Nga đã ký kết với nước ngoài. Sắc lệnh cũng nêu rõ, Chính phủ Nga sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định bằng cách dựa trên lợi ích của nước Nga.

H. Phan (tổng hợp)

(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba ngày 25/9/2012)