Tái cấu trúc PVC gắn liền với Dự án NMNĐ Thái Bình 2

07:29 | 02/09/2020

10,151 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hiện nay, PVC chủ yếu tập trung công tác tái cơ cấu để thu hồi vốn đầu tư nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của PVC mà còn có tính quyết định sự sống còn của đơn vị.

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu giảm sút, lợi nhuận hằng năm không đủ bù đắp các chi phí hoạt động thường xuyên. Hiện nay, nguồn việc của PVC tập trung chính vào thực hiện các dự án như NMNĐ Thái Bình 2, NMNĐ Sông Hậu 1…

gian-nan-lay-nuoc-cho-nmnd-thai-binh-2-2
Toàn cảnh Dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Cơ chế giải ngân cho Dự án NMNĐ Thái Bình 2 chậm nên tiến độ thi công cũng cầm chừng, Ban lãnh đạo PVC đã nỗ lực tìm mọi biện pháp, huy động mọi nguồn lực, vay vốn ngân hàng thanh toán cho nhà thầu để thúc đẩy tiến độ dự án, đồng thời triển khai công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, củng cố công tác quản lý, điều hành tại đơn vị và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù khó khăn nhưng PVC vẫn luôn nhận được sự quan tâm, động viên hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để PVC nỗ lực vượt qua thách thức, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh. Hiện nay, PVC chủ yếu tập trung công tác tái cơ cấu để thu hồi vốn đầu tư nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và trả nợ khoản vay ủy thác của Tập đoàn qua OceanBank.

PVC đã và đang nỗ lực trong công tác tái cấu trúc, tìm kiếm nhà đầu tư thoái/chuyển nhượng phần vốn góp tại các đơn vị/dự án. Trong giai đoạn 2016 đến nay đã hoàn thành công tác thoái toàn bộ phần vốn góp tại 7 đơn vị (Sopewaco, PVL, Pacifc, PVSD, INT, PVCLAND, LONG SON PIC) và một phần vốn góp tại các đơn vị: PVC-ID, PVC-MT, PVC-SG, PVNC. Tổng giá trị thoái vốn thu về 266,60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng EPC Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do chưa được tháo gỡ về cơ chế, chính sách và dòng tiền, đồng thời do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 dẫn đến còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở Hợp đồng EPC, Hợp đồng thầu phụ đã ký kết và các khoản chi phí tài chính/quản lý thực tế của PVC đến thời điểm 30/6/2020, PVC đã thực hiện rà soát và dự kiến tổng giá trị thiếu hụt so với hợp đồng EPC là khoảng 1.913,4 tỷ đồng.

Giá trị thiếu hụt nêu trên PVC đã ước tính đến các khoản chi phí phát sinh đến hết dự án tại thời điểm rà soát năm 2019, tuy nhiên giá trị này sẽ biến động phụ thuộc vào giá trị thực tế đấu thầu một số gói thầu đang triển khai lựa chọn nhà thầu, thời gian thực tế hoàn thành dự án và các rủi ro không lường hết trong quá trình chạy thử dự án. Tính đến thời điểm 30/6/2020, PVC đang chênh lệch công nợ phải thu, phải trả tại dự án khoảng -11,7 triệu USD và -455 tỷ đồng.

Để có nguồn kinh phí thực hiện dự án, PVC phải thu xếp bổ sung dòng tiền từ nguồn tái cơ cấu thoái vốn các đơn vị và thực hiện giải ngân từ nguồn vốn vay tín dụng của BIDV Hà Tây. Do việc hoàn thành hồ sơ thanh toán và giải ngân từ chủ đầu tư chậm, dòng tiền quay vòng hạn mức tín dụng không đảm bảo dẫn đến việc PVC gặp khó khăn khi đề xuất BIDV giải ngân từ nguồn vốn vay.

Để thu xếp nguồn vốn vay thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, PVC đã tập trung làm việc với các tổ chức tín dụng, đến ngày 1/7/2020, PVC tiếp tục ký hợp đồng hạn mức tín dụng năm 2020-2021 để vay vốn tại BIDV Hà Tây với hạn mức giải ngân là 200 tỷ đồng. Mặt khác, công tác thoái vốn theo kế hoạch tái cấu trúc của PVC gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các các đơn vị nằm trong danh mục PVC phải thoái vốn còn lại đều trong tình trạng lỗ lũy kế, giá trị sổ sách thấp hơn mệnh giá dẫn tới chưa thu hút được nhà đầu tư quan tâm.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể đối với công tác thoái vốn tại các công ty cổ phần chưa đại chúng/chưa niêm yết đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thoái vốn. Việc chậm/không thực hiện được thoái vốn tại các đơn vị ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của PVC. Giá trị vốn đầu tư tại các đơn vị suy giảm (mất vốn) càng khó có cơ hội để tìm kiếm các nhà đầu tư khác.

Trước thực trạng thiếu hụt dòng tiền và các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, tập thể lãnh đạo PVC vẫn tiếp tục xây dựng mục tiêu hoàn thành Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào năm 2022 và dự kiến sử dụng dòng tiền PVC thu được từ việc thoái vốn PVC-IC, Long Son PIC, Dự án Soài Rạp để bù đắp dòng tiền thiếu hụt của dự án.

Thành Công

Những trăn trở từ NMNĐ Thái Bình 2 Những trăn trở từ NMNĐ Thái Bình 2
Giải pháp nào để hoàn thành NMNĐ Thái Bình 2? Giải pháp nào để hoàn thành NMNĐ Thái Bình 2?
Năm 2020: PVC đặt mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng cùng 5 nhóm giải pháp Năm 2020: PVC đặt mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng cùng 5 nhóm giải pháp
Giải pháp tối ưu công tác vận hành chạy thử thiết bị dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Giải pháp tối ưu công tác vận hành chạy thử thiết bị dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2

DMCA.com Protection Status