Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng: Bắt đầu từ giải quyết nợ xấu

07:25 | 09/06/2012

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng là một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế đất nước hiện nay. Theo các chuyên gia, nợ xấu như là “cục máu đông” làm tắc nghẽn kênh huy động vốn của nền kinh tế, nên việc tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng phải bắt đầu từ giải quyết nợ xấu.

Tại hội thảo về “Tái cấu trúc Ngân hàng thương mại Việt Nam” do Trường đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính tổ chức ngày 8/6, các chuyên gia kinh tế đánh giá: Hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Năng lực tài chính của nhiều Ngân hàng thương mại hiện rất yếu. Nếu so với vốn điều lệ bình quân của các Ngân hàng thương mại trong khu vực Đông Nam Á là khoảng 500 triệu USD, tương đương 10.450 tỉ đồng thì Việt Nam chỉ có 5 Ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 11,9% là quá thấp.

Khi tăng vốn điều lệ, trong nội bộ hệ thống Ngân hàng thương mại nước ta xuất hiện tình trạng sở hữu chéo, làm tăng tính rủi ro hệ thống của các Ngân hàng thương mại. Ngoài ra, nhiều Ngân hàng có năng lực quản lý yếu, vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro dẫn đến tính thanh khoản thấp, tỉ lệ nợ xấu ngày càng gia tăng. Do đó, vấn đề tái cấu trúc Ngân hàng thương mại là việc làm cấp bách.

Các chuyên gia trao đổi về giải pháp tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng

Bà Vũ Thị Phương Hoa – Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết: Khu vực Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi Ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính nước ta. Việc chiếm ưu thế của các tổ chức tín dụng Ngân hàng với tài sản chiếm 75% tổng tài sản của khu vực tài chính nên có thể đánh giá hệ thống tài chính Việt Nam chủ yếu dựa vào Ngân hàng và Ngân hàng là kênh huy động vốn chính của thị trường tài chính. Vì vậy, khi kênh này bị tắc nghẽn đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế. Tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của hệ thống tài chính nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Theo các chuyên gia, để thực hiện tái cấu trúc cần thành lập cơ quan chuyên trách về vấn đề tái cấu trúc và việc đầu tiên phải thực hiện là xử lý nợ xấu của các Ngân hàng thương mại, mà biện pháp hữu hiệu nhất là thành lập công ty mua bán nợ xấu thuộc Ngân hàng Nhà nước để xử lý nợ xấu của các Ngân hàng thương mại. Sau đó, tiến hành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động của các Ngân hàng thương mại được tái cấu trúc, nâng cao trình độ công nghệ, quản trị, nhân lực cho các Ngân hàng này.

Nêu không nhanh chóng bắt tay vào việc tái cấu trúc các Ngân hàng thương mại, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, nợ xấu…, có nguy cơ dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản, thậm chí nhiều Ngân hàng thương mại sẽ mất hết vốn điều lệ của mình.

Mai Phương