Sướng như… các cựu Tổng thống Mỹ?

13:43 | 29/03/2013

855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau khi rời khỏi Nhà Trắng, các cựu Tổng thống Mỹ vẫn nhận được lương hưu và các khoản trợ cấp hậu hĩnh.

Trước năm 1958, các cựu Tổng thống của Mỹ không được lĩnh lương hưu - chứ đừng nói đến một chân trong văn phòng với các nhân viên và nhiều thuận lợi khác đem lại cho họ một mức độ tự do để theo đuổi các lợi ích khác nhau. Người đóng thuế Mỹ chỉ bắt đầu tính tới việc chi trả cho phí thuê văn phòng, thư ký và đi lại của các cựu Tổng thống kể từ năm 1958, khi có tin Harry Truman phải vay tiền ngân hàng để trả phí đi nói chuyện với người ủng hộ ông, sau khi rời nhiệm sở.

Luật Cựu Tổng thống được thông qua 1 năm sau đó đã đưa ra rất nhiều trợ cấp cho các cựu Tổng thống mà mục đích là duy trì phẩm giá tổng thống và tạo điều kiện cho các cựu lãnh đạo tiếp tục có những đóng góp, cống hiến cho đất nước. Ngoài khoản lương hưu 200.000USD/năm, vốn tăng lên đều đặn sau mỗi năm, các cựu Tổng thống Mỹ còn được trợ cấp chi phí thuê văn phòng, đồ dùng văn phòng… tại bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ cùng các khoản trợ cấp trả lương nhân viên, tiền liên lạc, phí thư tín… Tất nhiên, việc đi lại chỉ được trợ cấp khi cựu Tổng thống đi tới nơi nào đó cần sự hiện diện của họ với tư cách cựu lãnh đạo Mỹ hoặc đại diện cho Chính phủ Mỹ.

Cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ đi nói chuyện cũng "hái" ra tiền

Theo một bản phân tích do tổ chức phi đảng phái Congressional Research Service (Cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ) vừa công bố, trong năm 2012, Chính phủ Mỹ đã chi tổng cộng gần 3,7 triệu USD cho các vị cựu Tổng thống. Trong đó, George W. Bush (con) là nhân vật chi tiêu nhiều nhất và được trợ cấp nhiều nhất trong số các cựu Tổng thống Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu bởi theo luật, vị Tổng thống vừa mới rời chức vụ cũng được giúp đỡ thêm trong những năm đầu tiên sau khi rời Phòng Bầu dục.

Ông Bush được cấp 400.000USD để trả cho văn phòng rộng 8.000 ft2 (khoảng 750m2) ở Dallas, cộng thêm 85.000USD cho chi phí điện thoại và 60.000USD cho chi phí du hành. Chi tiêu khiêm tốn hơn ông Bush là ông Bill Clinton với xấp xỉ 1 triệu USD và tiếp đến là George HW Bush (cha) với gần 850.000USD và cuối cùng là ông Jimmy Carter với khoảng 500.000USD. Tuy nhiên, nếu tính riêng về chi phí thuê văn phòng thì không vị cựu nguyên thủ quốc gia nào của Mỹ vượt được ông Clinton với mức 442.000USD cho một văn phòng rộng 8.300 feet vuông (khoảng 770m2) trên khu phố Harlem ở New York.

Bên cạnh đó, khoản trợ cấp trên đây không bao gồm các chi phí dành cho lực lượng mật vụ bảo vệ cựu Tổng thống, vợ (chồng) và con cái họ. Những chi phí này là một phần của khoản ngân sách riêng biệt không được công khai, do đó, tổng số tiền trên thực tế còn cao hơn nhiều so với thông báo. Ngoài ra, vợ góa của các cố tổng thống cũng được hưởng chế độ hưu trí với mức lương 20.000USD/năm. Song, bà Nancy Reagan, vợ góa của cố Tổng thống Ronald Reagan đã từ chối nhận khoản lương hưu này vào năm ngoái. Cựu đệ nhất phu nhân chỉ yêu cầu chính phủ cấp 14.000USD/năm cho chi phí thư tín.

Thực tế, các khoản trợ cấp này chỉ như một “sợi tóc” so với hàng ngàn tỉ USD chi tiêu hằng năm của Chính phủ Mỹ và cũng chẳng “thấm” vào đâu so với công lao mà các cựu Tổng thống Mỹ đã đóng góp cho đất nước khi đương nhiệm. Và thực tế, các cựu Tổng thống Mỹ với danh tiếng của mình đã thể hiện khả năng tập trung sự chú ý và thiện chí của công chúng ngay cả khi đã rời chức vụ. Bill Clinton vẫn thu hút sự chú ý cao độ sau khi ông rời Nhà Trắng, làm đặc sứ của Liên Hiệp Quốc tại Haiti, thúc ép Triều Tiên trả tự do cho các tù nhân Mỹ năm 2009. Ông còn thành lập Sáng kiến Toàn cầu Clinton, sự kiện mà ông khẳng định “được thiết kế để giải quyết các thách thức to lớn trên toàn cầu bằng các biện pháp nhỏ”.

Sau trận động đất kinh hoàng tại Haiti năm 2010, hai cựu Tổng thống Bush (con) và Clinton cũng là những người đứng đầu một nỗ lực kêu gọi tài trợ tái thiết khu vực này. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng dành cho họ những lời trân trọng: “Nhân danh người Mỹ, tôi muốn cảm ơn cả hai vị đã trở lại cống hiến và dẫn dắt sứ mệnh cấp thiết này”.

 Tuy nhiên, trong bối cảnh siêu cường thế giới đang bị thâm hụt ngân sách và phải cắt giảm chi tiêu thì những khoản trợ cấp hào phóng này không khỏi khiến nhiều người phải “chép miệng”, thậm chí có những lời kêu gọi về việc cắt bỏ, nhất là khi các đối tượng thụ hưởng đều giàu sụ chứ không nghèo như ông Truman xưa. Năm 2011, Clinton kiếm được 10 triệu USD từ riêng việc đi nói chuyện. Bush kiếm được 15 triệu USD. Hai cựu Tổng thống còn lại cũng giàu không kém vì họ cũng làm điều tương tự: phát biểu và viết sách…

Gần đây nhất, vào năm 2012, nghị sỹ Jason Chaffetz đã đề xuất một dự luật, theo đó, số tiền trợ cấp cho các cựu Tổng thống Mỹ sẽ bị hạn chế trong khoảng 400.000USD trở xuống. Nếu vị cựu tổng thống nào chi tiêu quá số tiền này thì lương hưu của họ cũng sẽ bị cắt giảm đúng khoản tiền vượt quá mức quy định. Song, đề xuất này của Jason Chaffetz ngay lập tức đã bị bãi bỏ.

Linh Linh (tổng hợp)