Sự thật đằng sau lá chắn tên lửa

08:35 | 13/09/2012

3,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lá chắn tên lửa không là khái niệm mới. Nó vẫn thường xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nội dung được truyền bá lại đi ngược với bản chất vốn có của nó.

Giấc mơ đầy tham vọng

Kể từ khi Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1945, và sau đó là Liên Xô vào năm 1949, và do vòng xoáy của cuộc chạy đua vũ trang, khái niệm lá chắn tên lửa với các biến thể khác nhau, đã bắt đầu xuất hiện. Thêm vào đó, những vấn đề khác nhau về chính trị, kinh tế và kỹ thuật đã dẫn đến Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 với mục đích hạn chế việc triển khai các hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo. Theo đó, cả Liên Xô lẫn Mỹ chỉ được phép triển khai một hệ thống ABM đơn, với 100 tên lửa đánh chặn để bảo vệ mục tiêu đơn. Sự hạn chế trong Hiệp ước ABM buộc hai bên phải kiềm chế, mặc dù cả hai đều không ngừng tăng cường cho kho vũ khí hạt nhân của mình, vì, với số lượng hạn chế như vậy, không bên nào có khả năng chống trả các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương, bất cứ hành động thiếu thận trọng nào trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ đồng nghĩa với việc tự sát.

Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ

Hiệp ước ABM còn quy định Liên Xô và Mỹ không được nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa mới ngoài những gì đã có. Tuy nhiên, tháng 3/1983, ý tưởng lá chắn tên lửa bất ngờ xuất hiện trở lại mạnh mẽ hơn và công khai hơn ở Mỹ sau khi Tổng thống Ronald Reagan công bố trên truyền hình “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI), và thường được gọi một cách bình dân hơn là “Chiến tranh giữa các vì sao - Stars War”.

SDI là một chương trình đầy tham vọng nhằm phát triển quân đội Mỹ khả năng đặt các giàn phi đạn trong không gian để từ đó có thể tấn công và hủy diệt bất cứ phi đạn nào muốn tấn công vào Mỹ. Song nó bị chỉ trích dữ dội vì tính bất khả thi với những kỹ thuật vào lúc đó, lý do đơn giản là vì hệ thống phòng thủ phi đạn này quá tốn kém mà chưa chứng minh được tính hữu hiệu đáng tin cậy.

Tuy vậy, bất chấp tất cả, việc nghiên cứu và phát triển lá chắn tên lửa vẫn được những chính phủ kế tiếp của Mỹ tiến hành. Năm 1991, trong bài phát biểu về Nhà nước Liên bang trên kịch bản đã được dự kiến từ trước về sự tan rã của Liên Xô, Tổng thống G. Bush lặp lại ý tưởng của ông Reagan. Tuy nhiên, ông đã quyết định giảm xuống mục tiêu của kế hoạch Star Wars cho một hệ thống phòng thủ toàn vẹn để rút xuống thành một hệ thống phòng thủ giới hạn để chống lại các phi đạn tấn công từ kẻ thù. Hệ thống mới khiêm tốn có tên là GPALS (Phòng thủ Toàn cầu Chống lại Các Đợt Tấn công Giới hạn). Hệ thống này, về thực chất, chỉ là một công cụ của người Mỹ để “lách luật” đối với những quy định trong Hiệp ước ABM.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sau sự tan rã của Liên Xô, không một nhà nước nào có trong kho vũ khí của họ số lượng vũ khí hạt nhân đủ nhiều để “chạm” được vào lãnh thổ nước Mỹ, người Mỹ làm như vậy, họa chăng là để phô trương sức mạnh quân sự hoặc để răn đe những nước mà họ coi là “kẻ phản bội”, mặc dù con số những nước này là rất thấp.

Năm 1993, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nước Mỹ vẫn tiếp tục “vật lộn” với ý tưởng “lá chắn tên lửa”. Cơ quan Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDIO), được thành lập vào năm 1984 dưới sự quản lý của Ronald Reagan, trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, được đổi thành Tổ chức Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMDO), về sau là Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA). Cơ quan này, theo “quan niệm mới” của cựu Tổng thống Bush, sẽ tập trung bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

“Chân giò choãi ra”

Vào tháng 1/1999, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Phòng thủ tên lửa Quốc gia (National Missile Defense Act). Chính sách phòng thủ tên lửa được Mỹ áp dụng được ghi vô cùng rõ ràng tại chương II: “Nước Mỹ sẽ sớm triển khai sớm một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hiệu quả, khả thi về mặt kỹ thuật, đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước những cuộc tấn công nhất định bằng tên lửa đạn đạo (cho dù là tình cờ, trái phép hay cố ý)”.

Đạo luật này nhanh chóng trở thành một công cụ hữu hiệu dành cho những thành phần diều hâu trong Chính phủ Mỹ, được sử dụng trên nhiều phương diện, như một cách bày tỏ sự quan tâm của “lưỡng đảng” về lá chắn tên lửa, với mục đích thúc đẩy và hỗ trợ chương trình này.

Đạo luật Phòng thủ tên lửa Quốc gia năm 1999 chính là bước đầu trong kế hoạch đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM của nước Mỹ để có thể phát triển lại các hệ thống phòng thủ tên lửa mà trước đây bị ngăn cấm bởi hiệp ước song phương này nhằm đề phòng trước những mối đe dọa rình rập sau những cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên lục địa từ những quốc gia bị họ coi là “kẻ phản bội”. Những việc này đã ngốn của nước Mỹ rất nhiều tiền của và công sức.

Năm 2000, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông G. W. Bush tiếp tục thực hiện các bước xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa, và lần này còn có sự tham gia tích cực của các nước đồng minh trong khối NATO. Rõ ràng, ngay từ ban đầu, động thái của Mỹ là từ bỏ Hiệp ước ABM để họ được tự do thực hiện các mưu đồ được vạch ra trước đó, cũng giống hệt việc đơn phương hay câu kết cùng các đồng minh khác thiết lập nên hệ thống chống tên lửa đạn đạo theo ý của mình!

Mục tiêu của họ đưa ra khá rõ ràng: Đánh chặn mọi tên lửa của đối phương trước khi chúng “chạm vào lãnh thổ” nước Mỹ, họ không quan tâm tới sự tồn tại của Liên Xô hay Hiệp ước Warszawa trước đó 10 năm, hay việc cuộc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc… Điều quan trọng hơn cả chính là, bằng bất cứ giá nào, cần phải duy trì ưu thế quân sự của nước Mỹ và ổn định trật tự của thế giới đơn cực.

Bằng việc đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2002, nước Mỹ đã chính thức loại bỏ được “chướng ngại vật” lớn nhất trên con đường phát triển vũ trang của họ. Trong kế hoạch 5 năm 2004 - 2009, Lầu Năm Góc đã chi 59 tỉ USD cho các dự án này.

Mặt khác, mục tiêu thực sự của “lá chắn tên lửa” chính là gây tác động tới các quốc gia có khả năng phá vỡ trật tự thế giới đơn cực, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, những trụ cột cơ bản trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một thách thức lớn đối với trật tự thế giới đơn cực. Ở đây, nước Mỹ đang thể hiện rõ mong muốn thống trị và bá chủ của họ.

Nga và Trung Quốc nhiều lần từ chối kế hoạch phát triển và mở rộng phạm vi hệ thống lá chắn tên lửa tới nhiều khu vực khác nhau trên thế giới vì lí do hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, nước Mỹ và các đồng minh của họ luôn sẵn sàng đi trước với “sự sai lầm này” đẩy cả thế giới vào một vòng xoáy mới trong cuộc chạy đua vũ trang của riêng họ.

Mặc dù, trước tình trạng kinh tế vô cùng khó khăn như hiện nay, nhưng dường như ngày càng có nhiều hơn những quốc gia không chấp nhận quyền bá chủ của nước Mỹ. Đây là những quốc gia đang bắt đầu “cựa mình” trên trường quốc tế với quyết tâm và mạnh mẽ nâng cao khẩu hiệu phản đối kế hoạch quân phiệt của Mỹ.

Khổng Hà

(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)