Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững

16:45 | 17/10/2017

994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Sử dụng nhiên liệu sinh học  - Giải pháp phát triển bền vững”.

Chủ trì hội thảo là Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cùng sự tham dự của đại diện các Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư, UBND một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành nghề, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

su dung nhien lieu sinh hoc giai phap phat trien ben vung
Thành viên đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.

Xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Indonesia hiện bắt buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Tại Việt Nam, nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

su dung nhien lieu sinh hoc giai phap phat trien ben vung
Tiến sĩ Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ - Bộ Công Thương kết luận hội thảo.

Sau gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg và 5 năm thực hiện Quyết định 53/2012/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương trên cả nước xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản hệ thống cơ chế chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Ngày 6/6/2017, sau cuộc họp về thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận và chỉ đạo: Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-BTTTT về Chương trình Truyền thông quốc gia, nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học.

su dung nhien lieu sinh hoc giai phap phat trien ben vung
Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm khẳng định khả năng cung cấp nhiên liệu sinh học của Petrolimex.

Tại Hội thảo, bên cạnh các tham luận có nội dung, chủ đề tập trung vào các vấn đề kỹ thuật của xăng E5, vùng nguyên liệu đầu vào, an sinh xã hội cho dân cư vùng nguyên liệu, tác động môi trường... Các đại biểu tham dự Hội thảo dành phần lớn thời gian để phân tích chi tiết về hệ thống phân phối xăng E5 do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giới thiệu cũng như những chia sẻ từ đại diện tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đã thành công trong việc triển khai xăng sinh học E5.

su dung nhien lieu sinh hoc giai phap phat trien ben vung
Toàn cảnh hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững.

Khẳng định việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, khi triển khai trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng. Bộ Công Thương - với chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng nói chung cũng như xăng dầu nói riêng, luôn lắng nghe mọi ý kiến của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, người tiêu dùng để chỉ đạo điều hành cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế với phương châm kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, luôn coi người tiêu dùng là trung tâm của sự phát triển bền vững.

Thành Công - Thanh Ngọc