Sự chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thấp

19:42 | 03/10/2019

467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thấp, đặc biệt là chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới…
su chu dong tham gia cach mang cong nghiep 40 cua viet nam con thapSố hóa doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược
su chu dong tham gia cach mang cong nghiep 40 cua viet nam con thapNguồn vốn nhân lực 4.0
su chu dong tham gia cach mang cong nghiep 40 cua viet nam con thapThời kỳ công nghiệp 4.0: Hàng nhái, hàng giả càng thêm tinh vi

Trao đổi tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 sáng ngày 3/10, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Thời gian qua, công nghệ số đã được áp dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ít nhiều đã có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ số… Thực sự cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

su chu dong tham gia cach mang cong nghiep 40 cua viet nam con thap
Sự chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thấp

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá sự chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam còn thấp, thể chế chính sách còn nhiều bất cập, xếp hạng chung về đổi mới thể chế của Việt Nam còn ở mức trung bình. Đặc biệt, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh dịch vụ mới của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cách mạng 4.0 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ số còn thấp; kinh tế số có quy mô nhỏ…

Từ những tồn tại, bất cập nói trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở Nghị quyết này, tới đây Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cách mạng 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2020, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.

Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.

Chỉ ra cách tiếp cận và hiện thực hóa Nghị quyết 52, Bộ trưởng Bộ Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về thể chế, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Bộ trưởng Hùng khẳng định: “Cái mới thì chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm, nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất, mà Nghị quyết 52 đã chỉ ra”.

Tú Anh