Số phận kỳ lạ của mỏ dầu trị giá… 1USD (Kỳ 2)

06:45 | 01/04/2014

2,310 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đại Hùng đã ghi dấu ấn sâu đậm về nội lực, vượt qua những thách thức mà nhiều công ty lớn của ngoại quốc phải đầu hàng, người Việt Nam đã khẳng định được khả năng làm chủ của mình ở một lĩnh vực hết sức mới mẻ. Đại Hùng cho tấn dầu đầu tiên cách đây tròn 20 năm và đến nay vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, năm 2013 vừa qua tiếp tục khai thác 594.000 tấn dầu, thu về 8.800 tỉ đồng cho đất nước.
so phan ky la cua mo dau tri gia 1usd ky 2

Số phận kỳ lạ của mỏ dầu trị giá… 1USD (Kỳ 1)

Tháng 4/1993, nghĩa là gần 20 năm sau giếng khoan của Mobil Oil, Hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A Đại Hùng lần đầu tiên được ký kết với tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia), Petronas Carigali Overseas (Malaysia), PVEP (Công ty Thăm dò Khai thác thuộc Petrovietnam), Total (Pháp) và Đại Hùng Oil Development (Sumitomo - Nhật Bản) tiến hành hoạt động thăm dò và phát triển mỏ Đại Hùng.

Sau khi khoan các giếng thăm dò, giếng phát triển và mua bán cải hoán thiết bị, xử lý, minh giải tài liệu địa chấn, lắp đặt hệ thống khai thác sớm với tổng chi phí lên đến 394,35 triệu USD (cam kết tối thiểu là 178,70 triệu USD), ngày 14/10/1994, tổ hợp nhà thầu đã khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Đại Hùng. Từ thời điểm đó đến đầu năm 1996 nhà thầu đã khai thác được 7,5 triệu thùng dầu và bán được 129,9 triệu USD. Kết quả này cho thấy trữ lượng dầu khí thực tế giảm đáng kể so với tính toán kỳ vọng ban đầu.

Lúc đó, nhà thầu liên doanh vẫn chưa hoàn thành khối lượng khoan thẩm lượng theo quy định của Hợp đồng PSC tại cấu tạo Đại Hùng nhưng vì kết quả các giếng khoan không khả quan khiến họ rất thất vọng, họ cương quyết không khoan thêm nữa (mỗi giếng khoan lúc đó chi phí hàng chục triệu USD) và liên tục kiến nghị phía Việt Nam điều chỉnh lại nội dung hợp đồng. Thậm chí còn gây sức ép là sẽ phải ngừng hệ thống khai thác sớm nếu phía Việt Nam cùng các nhà thầu không thể tìm được giải pháp thích hợp.

so phan ky la cua mo dau tri gia 1usd ky 2

Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo Petrovietnam thực hiện nghi lễ vặn van đưa dòng dầu đầu tiên của mỏ Đại Hùng 02 vào khai thác (8/2011)

Vào đầu những năm 90, giá dầu thế giới xuống thấp, hiệu quả đầu tư vào ngành Dầu khí không cao, lại quá nhiều rủi ro. Cần phải biết rằng, với các hợp đồng PSC các nhà thầu bị ràng buộc bằng các cam kết đầu tư ban đầu, các điều khoản kinh tế, thương mại chặt chẽ, nếu không tính toán chính xác thì sẽ tổn thất lớn.

Do tình hình kinh tế khó khăn, nhà thầu ở Đại Hùng không muốn bỏ thêm chi phí vào thăm dò thẩm lượng nữa mà muốn “ăn non”, lấy gần hết tiền bán dầu thu được để bù vào những khoản đầu tư bỏ ra, tìm đủ mọi lý do và ra thêm các điều kiện để ép Việt Nam nhượng bộ. Tuy không muốn các nhà thầu đóng mỏ nhưng phía Việt Nam kiên quyết không chấp nhận sửa đổi các hợp đồng đã ký. Trong suốt năm 1996, ba cuộc đàm phán căng thẳng đã được tổ chức nhưng đều bế tắc.

Không chỉ vậy, trong thời điểm ấy, BHPP còn tự ý mời Công ty AMDEL và Công ty Geoservices của nước ngoài vào lắp đặt thiết bị phân tích mẫu dầu khí của mỏ Đại Hùng trái phép, vi phạm các điều khoản của Hợp đồng PSC, vi phạm pháp luật Việt Nam và nghiêm trọng hơn, BHPP đã cung cấp toàn bộ tài liệu (thuộc loại tối mật) về cấu tạo mỏ Đại Hùng cho Công ty SSI (Mỹ) trong khi chưa xin phép các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam.

Vào lúc khó khăn đó, Công ty Total (Pháp) lại quyết định rút khỏi liên doanh và đòi bán lại số cổ phần tham gia của họ, theo thỏa thuận từ trước của liên doanh tổ hợp nhà thầu, nếu không thu xếp được đối tác nhận gánh vác 10,625% hợp đồng của Total thì đương nhiên tổ hợp nhà thầu tan vỡ và hợp đồng bị chấm dứt. Tới cuối năm 1996, Petronas Carigali Việt Nam và Đại Hùng Oil Development đã đồng ý nhận lại phần vốn của Total.

Khi không đạt được mục đích trong cuộc chơi không dễ dàng này, giữa năm 1997 BHPP cũng quyết định “bỏ của chạy lấy người”, chuyển nhượng toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của mình cho Petronas Carigali. Sau khi được Chính phủ Việt Nam cho phép, từ tháng 7/1997, Công ty Petronas Carigali Việt Nam chính thức trở thành nhà điều hành dự án Đại Hùng. Petronas Carigali Việt Nam không đầu tư vào khoan thẩm lượng bổ sung mà tiếp tục duy trì khai thác tại khu vực khai thác sớm với các giếng khai thác có sẵn, họ chỉ khoan thêm 1 giếng và đưa vào khai thác từ tháng 10-1998 với lưu lượng ban đầu khoảng 3.000 thùng/ngày.

Tháng 2/1999, sau hơn một năm thực hiện vai trò nhà điều hành, nhận thấy việc tiếp tục dự án không mang lại hiệu quả kinh tế, nên 2 bên nhà thầu nước ngoài là Petronas Carigali và Đại Hùng Oil Development của Sumitomo đã “bó giáo đầu hàng” và xin rút khỏi Dự án Đại Hùng.

Để không làm gián đoạn quá trình khai thác mỏ, từ ngày 12/2/1999 Petrovietnam đã tạm giao cho Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiếp quản.

Trước tình hình các nhà thầu nước ngoài lần lượt rút khỏi Dự án Đại Hùng, ngày 26/3/1999, Petrovietnam đã trao đổi với đối tác RVO Zarubezhneft (Liên bang Nga), là đối tác nước ngoài duy nhất còn lại của Dự án Đại Hùng, về việc 2 phía tiếp tục đầu tư thăm dò và khai thác dự án này và giao cho Liên doanh dầu khí Vietsovpetro thay mặt 2 phía điều hành. Sau đó, được sự chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ tháng 5-1999 Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã chính thức điều hành mỏ Đại Hùng.

so phan ky la cua mo dau tri gia 1usd ky 2

Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập (bên phải) tặng quà tết cho cán bộ, công nhân viên giàn Đại Hùng đầu xuân Giáp Ngọ 2014

Vào thời điểm đó, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã tập trung hoàn thiện bộ máy điều hành và đặt mua thiết bị thay thế, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật, duy trì khai thác; tiếp tục khoan được 14 giếng, gồm 9 giếng khoan tìm kiếm, thăm dò và 5 giếng khai thác, 1 giếng bơm ép nước duy trì áp suất vỉa.

Tuy nhiên, bởi gặp quá nhiều khó khăn do yêu cầu đầu tư lớn, do thời tiết không thuận lợi và những rủi ro khách quan, sản lượng khai thác không thể đạt được như kỳ vọng, phía Nga khẳng định, việc tiếp tục khai thác dầu ở Đại Hùng là không hiệu quả về mặt kinh tế, chi phí khai thác dầu cao hơn doanh thu bán dầu. Lại xét thấy mỏ Đại Hùng là mỏ dầu khí nhỏ, có điều kiện địa chất rất phức tạp, ở vị trí biển có độ sâu nước lớn, hàng năm chịu ảnh hưởng mạnh của dòng chảy ngầm, nên tháng 5/2003, sau 4 năm vật lộn không thành, RVO Zarubezhneft đã xin rút khỏi Đại Hùng, bàn giao “gấu lớn khó nhằn” Đại Hùng lại cho phía Việt Nam tự quyết định.

Trong chặng đường 10 năm ấy Đại Hùng đã qua tay các công ty dầu khí có tiếng tăm, có tiềm lực và kinh nghiệm nhưng không vượt qua được trầm luân. Điều đó cho thấy, khai thác dầu khí không hề dễ dàng như người ta tưởng tượng, cũng lý giải vì sao trên thế giới, không một quốc gia nào có thể tự “làm tất ăn cả” mà phải kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này.

Ý chí nội lực Việt

Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho PVEP thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi tiếp nhận mỏ Đại Hùng, PVEP đã được chuyển thành đơn vị hạch toán độc lập (và đến nay là Công ty TNHH MTV Điều hành - Thăm dò - Khai thác Dầu khí trong nước - PVEP POC, đơn vị thành viên của PVEP) để việc điều hành khai thác mỏ được thuận lợi.

Ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng 2 giếng Đại Hùng 14X và 15X và thử vỉa lại giếng Đại Hùng 9X; giám sát việc sửa chữa giàn DH-01; hoàn thiện các giếng khoan khai thác 8P, 9P, 10P, 7X và 12X và đấu thầu cung cấp dịch vụ, thiết bị, vật tư, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005, sản lượng khai thác của mỏ đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm 5 giếng khai thác mới. Đến cuối năm 2009, tổng sản lượng dầu đã khai thác đạt gần 5 triệu tấn. Khoan được 11 giếng khai thác, trong đó hiện có 6 giếng đang hoạt động, khoan thêm 1 giếng bơm ép và chuyển 1 giếng khai thác sang giếng bơm ép, công tác thẩm lượng và phát triển mỏ được duy trì đặn theo kế hoạch.

Năm 2009, Đề án phát triển tổng thể mỏ Đại Hùng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 731,821 triệu USD gồm xây lắp giàn Đại Hùng 2 (DH-02), khoan 11 giếng phát triển khai thác, xây dựng đường ống từ giàn đầu giếng về giàn DH-01, sửa chữa lớn giàn DH-01 và giao kế hoạch khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn công nghệ khai thác DH-02 vào quý IV/2011.

18 giờ 30 phút ngày 10/8/2011, ngọn đuốc trên giàn DH-12 đã bùng cháy trên mỏ Đại Hùng. Ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc đơn vị trực tiếp điều hành Dự án mỏ Đại Hùng (PVEP POC) bày tỏ: “Anh em chúng tôi không biết nói như thế nào để diễn tả niềm vui, hạnh phúc này. Bởi từ mấy tháng qua ai cũng háo hức chờ đợi giờ phút khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn DH-02. Đây là niềm tự hào của tập thể lao động ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành, làm chủ công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu của người Việt”.

DH-02 là công trình dầu khí lớn đầu tiên do chính các kỹ sư, công nhân của Việt Nam chế tạo và lắp đặt. Đây là công trình dầu khí biển đặc chủng chuyên khai thác ở vùng nước sâu xa bờ, có kích thước, trọng lượng lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để chế tạo, lắp đặt trên biển. Trong đó, việc hạ thủy chân đế giàn khoan ngoài khơi đã được áp dụng phương pháp “phóng lao” thay vì “đánh chìm” như trước đây. Dự án hoàn toàn do các công ty dịch vụ của Petrovietnam đảm trách, không phải thuê nước ngoài nên đã làm lợi cho Nhà nước nhiều triệu USD, trong đó giá chi phí quản lý, điều hành dự án chỉ bằng 1/3 so với giá phải thuê nhà điều hành nước ngoài.

Bằng bản lĩnh và sự học hỏi nhanh, các kỹ sư chế tạo của Việt Nam đã vượt qua sự kiểm định khắt khe của các hãng đăng kiểm nổi tiếng thế giới. Thành công của giàn DH-02 đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí ở vùng biển sâu, xa bờ của lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam.

Bên cạnh việc đưa vào khai thác giàn khoan DH-02, trước đó PVEP POC cũng đã đưa giàn nổi DH-01 vào khai thác thành công tại mỏ Đại Hùng sau khi đã tiến hành cải tạo, nâng cấp trang thiết bị. Cũng cần phải nói thêm, DH-01 vốn là một giàn khoan nửa nổi - nửa chìm cũ hoạt động tại Biển Bắc (Vương quốc Anh) từ năm 1974 được công ty BHPP (Australia) hoán cải thành giàn khai thác nổi và kéo về lắp đặt tại mỏ Đại Hùng từ giữa năm 1994.

so phan ky la cua mo dau tri gia 1usd ky 2

Ông Nguyễn Hữu Tuyến (áo trắng), nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro cùng các cán bộ, kỹ sư chụp ảnh lưu niệm trước khi đưa chân đế Đại Hùng 02 ra khơi

Tại hai giàn DH-01 và DH-02 của Đại Hùng hiện có 50 kỹ sư, công nhân Việt Nam làm việc trên 11 giếng dầu đang khai thác với tổng sản lượng dầu khoảng 14-15 nghìn thùng/ngày đêm. Thời Petronas Carigali của Malaysia điều hành Đại Hùng, sản lượng khai thác chỉ đạt mức 2-3 nghìn thùng/ngày đêm.

Có thể khẳng định rằng, bằng những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt, đội ngũ người Việt Nam tại Đại Hùng của PVEP POC đã làm được điều mà các công ty dầu khí lớn trên thế giới không thể làm được là ứng dụng công nghệ phù hợp, linh hoạt, tối ưu nhất trong triển khai hoạt động khai thác mỏ, đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu gia tăng trữ lượng và nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Năm 2013 vừa qua, PVEP POC đã khai thác từ mỏ Đại Hùng 594.000 tấn dầu, doanh thu đạt trên 8.800 tỉ đồng (120% kế hoạch năm), nộp ngân sách Nhà nước 1.885 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.500 tỉ đồng.

Năm 2013 là năm thứ 5 liên tiếp PVEP POC hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Hoàn thành thu nổ gần 500km2 địa chấn 3D mỏ Đại Hùng phục vụ cho nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch thăm dò mở rộng và cập nhật Kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 và triển khai tiếp Dự án thu gom khí Đại Hùng, thực hiện nghiên cứu tiền phát triển các mỏ đã có phát hiện dầu khí…

Năm nay, 2014 vừa tròn 20 năm Đại Hùng cho tấn dầu đầu tiên, kế hoạch khai thác dầu khí của PVEP POC trên mỏ Đại Hùng là duy trì khai thác tối ưu các giếng hiện hữu và tiếp tục đưa các giếng mới vào khai thác. PVEP POC đang khẩn trương hoàn thành chương trình khoan thăm dò thẩm lượng mở rộng, cập nhật mô hình và kế hoạch phát triển mỏ đảm bảo gia tăng khả năng khai thác dầu cho toàn mỏ những năm tiếp theo.

Dự án 1USD

Để khép lại câu chuyện về số phận gian truân của Gấu lớn - Đại Hùng, xin trích đánh giá của Tiến sĩ Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng giám đốc Petrovietnam, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới vào cuối tháng 2/2014:

“Trong quá trình đấu thầu quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác mỏ Đại Hùng, Petrovietnam đã cung cấp cho các tổ hợp nhà thầu tài liệu địa vật lý - địa chất và kết quả khoan - thử vỉa của các giếng có phát hiện dầu khí trên mỏ (trừ tài liệu địa chấn 3D mới tiến hành khảo sát và chưa xử lý, minh giải xong) với yêu cầu các tổ hợp này phải tự đánh giá tiềm năng dầu khí của mỏ và lập báo cáo kỹ thuật tổng thể trình Petrovietnam cùng với đề xuất thương mại. Các nhà thầu quốc tế, số lượng lên đến 9 tổ hợp gồm các công ty dầu khí lớn của thế giới như Shell, BP, Total, BHPP… đã tuân thủ yêu cầu và đều đánh giá đây là một mỏ dầu khí lớn với trữ lượng có thể từ 500 đến trên 1.000 triệu thùng dầu (khoảng 70 đến trên 150 triệu tấn).

Cuộc đua vô cùng quyết liệt, hoa hồng chữ ký được chào rất cao, từ 25-80 triệu USD với các cam kết đầu tư và thương mại rất có lợi cho nước chủ nhà.

Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc kỹ và chọn tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia) - nhà điều hành, Petronas Carigali (Malaysia), Total (Pháp), Sumitomo (Nhật Bản) và PVEP (Petrovietnam) với hoa hồng chữ ký 80 triệu USD. Đây là một khoản tiền hoa hồng lớn nhất từ trước đến nay và rất cần thiết cho Việt Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án không được như mong đợi và từ tháng 5-2003 các nhà thầu nước ngoài đã phải rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng là 1USD để Petrovietnam nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Petrovietnam thông qua đơn vị thành viên là PVEP tiếp tục dự án. Tính tới nay, thời gian đã trôi qua 11 năm, dự án vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ và tiếp tục đóng góp tích cực cho Petrovietnam và nền kinh tế nước nhà. Công lao này trước tiên thuộc về những người lao động - những cán bộ, đảng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên… Việt Nam cả ở trên bờ và ngoài biển đã triển khai một cách sáng tạo cùng với sự kiên định quyết tâm của lãnh đạo Petrovietnam tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án Đại Hùng đầy khó khăn thách thức.

Hôm nay, Đại Hùng vẫn ngày đêm cần mẫn vận hành toàn bộ hệ thống công trình biển hiện đại, bảo đảm khai thác liên tục dòng vàng đen cho Tổ quốc cũng như miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm lần tìm các mạch dầu ở mỏ và đưa ra các giải pháp công nghệ - kinh tế tối ưu cho dự án. Chúng ta cần phải biết ơn tất cả những anh chị em đã không quản khó khăn, gian khổ phụng sự Tổ quốc và phấn đấu vì màu cờ sắc áo của Petrovietnam”.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status