Mỏ Đại Hùng:

Số phận kỳ lạ của mỏ dầu khí trị giá... 1 USD (kỳ cuối)

07:15 | 25/10/2019

5,595 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hôm nay, Đại Hùng vẫn ngày đêm cần mẫn vận hành toàn bộ hệ thống công trình biển hiện đại, bảo đảm khai thác liên tục dòng vàng đen cho Tổ quốc cũng như miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm lần tìm các mạch dầu ở mỏ và đưa ra các giải pháp công nghệ - kinh tế tối ưu cho dự án.

Ý chí nội lực Việt

Để tiếp tục điều hành hoạt động khai thác mỏ Đại Hùng, tháng 10/2003, theo đề nghị của Petrovietnam, Chính phủ đã quyết định giao quyền trực tiếp tiến hành hoạt động dầu khí tại mỏ Đại Hùng cho PVEP thuộc Petrovietnam với trách nhiệm vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi tiếp nhận mỏ Đại Hùng, PVEP đã được chuyển thành đơn vị hạch toán độc lập (và đến nay là Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC), đơn vị thành viên của PVEP) để việc điều hành khai thác mỏ được thuận lợi.

Ở vào thế không thể lùi được nữa, PVEP đã khẩn trương triển khai các hoạt động như khoan thăm dò thẩm lượng 2 giếng Đại Hùng 14X và 15X và thử vỉa lại giếng Đại Hùng 9X; giám sát việc sửa chữa giàn DH-01; hoàn thiện các giếng khoan khai thác 8P, 9P, 10P, 7X và 12X và đấu thầu cung cấp dịch vụ, thiết bị, vật tư, đưa mỏ Đại Hùng khai thác trở lại từ đầu năm 2005, sản lượng khai thác của mỏ đã được nâng lên đáng kể sau khi kết nối thêm 5 giếng khai thác mới. Đến cuối năm 2009, tổng sản lượng dầu đã khai thác đạt gần 5 triệu tấn. Khoan được 11 giếng khai thác, trong đó hiện có 6 giếng đang hoạt động, khoan thêm 1 giếng bơm ép và chuyển 1 giếng khai thác sang giếng bơm ép, công tác thẩm lượng và phát triển mỏ được duy trì đều đặn theo kế hoạch.

so phan ky la cua mo dau khi tri gia 1 usd ky cuoi
Người lao động PVEP trên giàn Đại Hùng 01

Năm 2009, Đề án phát triển tổng thể mỏ Đại Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 731,821 triệu USD gồm xây lắp giàn Đại Hùng 2 (DH-02), khoan 11 giếng phát triển khai thác, xây dựng đường ống từ giàn đầu giếng về giàn DH-01, sửa chữa lớn giàn DH-01 và giao kế hoạch khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn công nghệ khai thác DH-02 vào quý IV/2011.

18 giờ 30 phút ngày 10/8/2011, ngọn đuốc trên giàn DH-02 đã bùng cháy trên mỏ Đại Hùng. Ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc đơn vị trực tiếp điều hành Dự án mỏ Đại Hùng (PVEP POC) bày tỏ: “Anh em chúng tôi không biết nói như thế nào để diễn tả niềm vui, hạnh phúc này. Bởi từ mấy tháng qua ai cũng háo hức chờ đợi giờ phút khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn DH-02. Đây là niềm tự hào của tập thể lao động ngành Dầu khí Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành, làm chủ công nghệ thăm dò, khai thác dầu khí vùng nước sâu của người Việt”.

DH-02 là công trình dầu khí lớn đầu tiên do chính các kỹ sư, công nhân của Việt Nam chế tạo và lắp đặt. Đây là công trình dầu khí biển đặc chủng chuyên khai thác ở vùng nước sâu xa bờ, có kích thước, trọng lượng lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để chế tạo, lắp đặt trên biển. Trong đó, việc hạ thủy chân đế giàn khoan ngoài khơi đã được áp dụng phương pháp “phóng lao” thay vì “đánh chìm” như trước đây. Dự án hoàn toàn do các công ty dịch vụ của Petrovietnam đảm trách, không phải thuê nước ngoài nên đã làm lợi cho Nhà nước nhiều triệu USD, trong đó giá chi phí quản lý, điều hành dự án chỉ bằng 1/3 so với giá phải thuê nhà điều hành nước ngoài.

Bằng bản lĩnh và sự học hỏi nhanh, các kỹ sư chế tạo của Việt Nam đã vượt qua sự kiểm định khắt khe của các hãng đăng kiểm nổi tiếng thế giới. Thành công của giàn DH-02 đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí ở vùng biển sâu, xa bờ của lao động và các công ty dịch vụ Việt Nam.

Bên cạnh việc đưa vào khai thác giàn khoan DH-02, trước đó PVEP POC cũng đã đưa giàn nổi DH-01 vào khai thác thành công tại mỏ Đại Hùng sau khi đã tiến hành cải tạo, nâng cấp trang thiết bị. Cũng cần phải nói thêm, DH-01 vốn là một giàn khoan nửa nổi - nửa chìm cũ hoạt động tại Biển Bắc (Vương quốc Anh) từ năm 1974 được Công ty BHPP (Australia) hoán cải thành giàn khai thác nổi và kéo về lắp đặt tại mỏ Đại Hùng từ giữa năm 1994.

Tại hai giàn DH-01 và DH-02 của Đại Hùng hiện có 50 kỹ sư, công nhân Việt Nam làm việc trên 11 giếng dầu đang khai thác với tổng sản lượng dầu khoảng 14-15 nghìn thùng/ngày đêm. Thời Petronas Carigali của Malaysia điều hành Đại Hùng, sản lượng khai thác chỉ đạt mức 2-3 nghìn thùng/ngày đêm.

Có thể khẳng định rằng, bằng những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt, đội ngũ người Việt Nam tại Đại Hùng của PVEP POC đã làm được điều mà các công ty dầu khí lớn trên thế giới không thể làm được là ứng dụng công nghệ phù hợp, linh hoạt, tối ưu nhất trong triển khai hoạt động khai thác mỏ, đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu gia tăng trữ lượng và nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Năm 2013 vừa qua, PVEP POC đã khai thác từ mỏ Đại Hùng 594.000 tấn dầu, doanh thu đạt trên 8.800 tỷ đồng (120% kế hoạch năm), nộp ngân sách Nhà nước 1.885 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.500 tỷ đồng.

Năm 2013 là năm thứ 5 liên tiếp PVEP POC hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Hoàn thành thu nổ gần 500km2 địa chấn 3D mỏ Đại Hùng phục vụ cho nghiên cứu, đánh giá và xây dựng kế hoạch thăm dò mở rộng và cập nhật Kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 và triển khai tiếp Dự án thu gom khí Đại Hùng, thực hiện nghiên cứu tiền phát triển các mỏ đã có phát hiện dầu khí…

Năm 2014 vừa tròn 20 năm Đại Hùng cho tấn dầu đầu tiên, kế hoạch khai thác dầu khí của PVEP POC trên mỏ Đại Hùng là duy trì khai thác tối ưu các giếng hiện hữu và tiếp tục đưa các giếng mới vào khai thác. PVEP POC đã khẩn trương hoàn thành chương trình khoan thăm dò thẩm lượng mở rộng, cập nhật mô hình và kế hoạch phát triển mỏ đảm bảo gia tăng khả năng khai thác dầu cho toàn mỏ những năm tiếp theo.

Dự án 1USD

Để khép lại câu chuyện về số phận gian truân của Gấu Lớn - Đại Hùng, xin trích đánh giá của Tiến sĩ Trần Ngọc Cảnh, nguyên Tổng Giám đốc Petrovietnam vào cuối tháng 2/2014:

“Trong quá trình đấu thầu quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác mỏ Đại Hùng, Petrovietnam đã cung cấp cho các tổ hợp nhà thầu tài liệu địa vật lý - địa chất và kết quả khoan - thử vỉa của các giếng có phát hiện dầu khí trên mỏ (trừ tài liệu địa chấn 3D mới tiến hành khảo sát và chưa xử lý, minh giải xong) với yêu cầu các tổ hợp này phải tự đánh giá tiềm năng dầu khí của mỏ và lập báo cáo kỹ thuật tổng thể trình Petrovietnam cùng với đề xuất thương mại. Các nhà thầu quốc tế, số lượng lên đến 9 tổ hợp gồm các công ty dầu khí lớn của thế giới như Shell, BP, Total, BHPP… đã tuân thủ yêu cầu và đều đánh giá đây là một mỏ dầu khí lớn với trữ lượng có thể từ 500 đến trên 1.000 triệu thùng dầu (khoảng 70 đến trên 150 triệu tấn).

Cuộc đua vô cùng quyết liệt, hoa hồng chữ ký được chào rất cao, từ 25-80 triệu USD với các cam kết đầu tư và thương mại rất có lợi cho nước chủ nhà.

Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc kỹ và chọn tổ hợp nhà thầu đa quốc gia gồm BHPP (Australia) - nhà điều hành, Petronas Carigali (Malaysia), Total (Pháp), Sumitomo (Nhật Bản) và PVEP (Petrovietnam) với hoa hồng chữ ký 80 triệu USD. Đây là một khoản tiền hoa hồng lớn nhất từ trước đến nay và rất cần thiết cho Việt Nam lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, kết quả triển khai dự án không được như mong đợi và từ tháng 5/2003 các nhà thầu nước ngoài đã phải rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng là 1USD để Petrovietnam nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Petrovietnam thông qua đơn vị thành viên là PVEP tiếp tục dự án. Tính tới nay, thời gian đã trôi qua 11 năm, dự án vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ và tiếp tục đóng góp tích cực cho Petrovietnam và nền kinh tế nước nhà. Công lao này trước tiên thuộc về những người lao động - những cán bộ, đảng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên… Việt Nam cả ở trên bờ và ngoài biển đã triển khai một cách sáng tạo cùng với sự kiên định quyết tâm của lãnh đạo Petrovietnam tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án Đại Hùng đầy khó khăn thách thức.

Hôm nay, Đại Hùng vẫn ngày đêm cần mẫn vận hành toàn bộ hệ thống công trình biển hiện đại, bảo đảm khai thác liên tục dòng vàng đen cho Tổ quốc cũng như miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm lần tìm các mạch dầu ở mỏ và đưa ra các giải pháp công nghệ - kinh tế tối ưu cho dự án. Chúng ta cần phải biết ơn tất cả những anh chị em đã không quản khó khăn, gian khổ phụng sự Tổ quốc và phấn đấu vì màu cờ sắc áo của Petrovietnam”.

Tháng 3/2014

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status