Siêu thị sạch bán rau “bẩn” (Bài cuối)

06:00 | 22/05/2014

2,536 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực ra, để xảy ra tình trạng rau bẩn tràn ngập thị trường, len lỏi vào siêu thị như một mặt hàng mặc nhiên là sạch phải khẳng định là do: Buông lỏng quản lý và chạy theo lợi nhuận. Có nhiều nguyên nhân chủ quan đã làm cho các cơ quan quản lý đã không giải quyết được tình trạng bức xúc, nhức nhối hiện nay.

>>Siêu thị sạch bán rau “bẩn” (Bài 2)

>>Siêu thị sạch bán rau “bẩn” (Bài 1)

Bài cuối: Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên

Im lặng đáng sợ

Như ở bài trước chúng tôi đã nêu những vụ việc, hiện tượng một số công ty cung cấp rau sạch (rau an toàn) hoặc một số siêu thị trực tiếp kinh doanh rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng như Big C, Hapro… và để đi tìm câu trả lời đến tận cùng rau của họ có thực sự an toàn không, chúng tôi đã liên hệ đến các địa chỉ này nhưng đến nay, những gì chúng tôi nhận được vẫn là sự… im lặng. Đặc biệt là siêu thị Big C. Ngay sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc về việc táo Mỹ đỏ được bán tại siêu thị Big C The Garden phần lớn bị thối ủng bên trong, trong khi ngoài vỏ vẫn tươi ngon và rau, củ quả được bày bán tại siêu thị hầu hết chỉ đề nguồn gốc: “Xuất xứ Việt Nam” - sai so với quy định, chúng tôi là đã liên hệ đến người phụ trách truyền thông của hệ thống Big C để hỏi về quy trình nhập rau an toàn vào siêu thị như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi lại được hướng dẫn phải gửi câu hỏi trước qua thư điện tử để người có chức trách trả lời. Chúng tôi đã thực hiện quy trình như vậy. Tuy nhiên, như đã nói, đến nay những gì chúng tôi nhận được vẫn là sự… im lặng. Phải chăng Big C đã lựa chọn cách ứng xử “im lặng là vàng” đối với dư luận để một là cho “chìm xuồng” sự việc, hai là có cơ hội tiếp tục thực hiện những việc có lợi cho kinh doanh. Để mặc dư luận với thắc mắc của người tiêu dùng? Hoặc là Big C ỷ thế là nhà phân phối lớn nên muốn làm như thế nào thì làm?

Quầy bán rau tại một siêu thị thuộc hệ thống Big C

Còn với siêu thị Hapro, chúng tôi đã liên hệ tới các số điện thoại được in trên bao bì lẫn biển hiệu Công ty CP Chế biến rau củ quả an toàn Hapro được treo ở tổ 47, thị trấn Đông Anh (cùng địa chỉ nhưng hai số điện thoại khác nhau). Nhưng một số thì được tổng đài báo không có (số điện thoại in trên bao bì), số còn lại thì có một giọng nữ nhận máy rồi nói: “Trước đây, cơ sở chế biến rau củ… của Hapro thuê ở đây thì số này là của họ. Nhưng chỉ thuê một thời gian rất ngắn sau đó họ chuyển đi thì số này không còn là của họ nữa”. “Thế chị có biết họ chuyển đi đâu không ạ?”, chúng tôi hỏi. Chị trả lời: “Tôi không biết”. Như vậy, có thể nhận thấy, Hapro đã làm sai quy định và ít nhất lừa dối khách hàng về cơ sở, địa chỉ… của mình.

Và không chỉ 2 siêu thị trên đây, nhiều siêu thị khác hiện cũng đang bán rau củ quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc nhập nhèm để “vàng thau lẫn lộn”. Đến Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, cơ quan trực tiếp tham gia quản lý cùng với nhiều cơ quan chức năng khác trên địa bàn mới thấy nhận định trên đây hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo một cán bộ của Đội Phòng chống tội phạm thương mại, xuất nhập khẩu và các lĩnh vực khác (Đội 4), vi phạm xảy ra nhiều nhất trong tất cả các lần thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng tại các siêu thị cũng như các cơ sở chuyên cung cấp rau an toàn cho siêu thị là bày bán, đóng gói sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Hàng quá hạn sử dụng vẫn cho lưu hành trên thị trường; Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến rau củ quả trong điều kiện cực kỳ mất vệ sinh v.v… Như vậy, xét trên cả hai điều kiện: thủ tục hành chính và thực tế sản phẩm, phần lớn các siêu thị đều vi phạm, kể cả những siêu thị quy mô bậc nhất. Điều đó đã trả lời phần nào câu hỏi: “Rau an toàn ở siêu thị có an toàn không?”.

Đã thiếu còn yếu

Vậy, một vấn đề đặt ra là tại sao có thể tồn tại tình trạng: Siêu thị bán rau “bẩn”, rau không an toàn như vậy? Có thể nói bắt đầu từ chính công tác quản lý cũng như những văn bản pháp quy, điều kiện phương tiện máy móc, sự phân cấp, trình độ nhân lực… của các cơ quan chức năng.

Ở khâu đầu tiên là phân cấp quản lý, có rất nhiều sự bất cập ở quy trình này  nên dẫn đến công tác chồng chéo, “giẫm chân nhau” trong quản lý. Cụ thể, một vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm có 3 ngành quản lý chính thức, dựa trên chuyên môn, lĩnh vực của từng ngành (Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn). Dẫu không phân tích cụ thể ra đây nhưng chắc chắn bạn đọc có thể hình dung được sự nhiêu khê, bất cập của quá trình quản lý này. Bởi đây là nội dung đã được nhắc đến quá nhiều mỗi khi nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ cần nghe ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế phát biểu có thể thấy ngay quá trình quản lý ấy: “Cùng một sản phẩm có khi cả hai bộ kiểm tra. Rồi vì phân cấp, có những mặt hàng đã thành thành phẩm và mang ra thị trường tiêu thụ rồi, lúc đó cơ quan chức năng mới lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì không sao. Nhưng nếu không thì không quản lý được nữa do đã bán rộng rãi ra thị trường, không thể thu hồi hết được. Có chăng chỉ là thu… mẫu. Nên phân cấp quản lý như vậy không ổn”.

Còn chế tài xử phạt như chuyện “khó tin nhưng có thật” khi mà hành lang pháp lý, cơ sở chặt chẽ nhất, nghiêm minh nhất để xử lý những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm trong an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có rau xanh vẫn chưa… hoàn thiện. Hầu hết hiện nay chỉ xử phạt hành chính. Mà hình thức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm.

Hay công tác thanh tra, kiểm tra cũng rơi vào tình trạng tương tự khi lực lượng làm công tác này trên toàn quốc chỉ có 300 người, chỉ bằng 1/2 lực lượng thanh tra riêng trên địa bàn Băng Cốc (Thái Lan). Và chỉ bằng 1/40 lực lượng thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Trung tá Nguyễn Văn Phác, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, người tham gia điều tra, xử lý nhiều vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thủ đô đã tổng kết về những khó khăn cũng như bất cập trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, rau an toàn nói riêng như thế này: Bên cạnh sự chồng chéo trong phân cấp quản lý giữa các bộ, ngành thì về trang thiết bị kiểm định chất lượng thực phẩm, chúng ta còn thiếu. Có nhiều chất chúng ta không có thiết bị để kiểm tra. Đã thế, nhân lực có đủ trình độ để nhận biết các hóa chất (nếu có) trong thực phẩm cũng không có. Chẳng hạn, trước một sản phẩm, để nhận biết trong đó sẽ có hóa chất gì để kiểm tra chỉ số, chúng ta không thể nhận biết được. Lực lượng thanh tra mỏng, dẫn đến hiệu quả quản lý không như mong muốn, trong khi địa bàn rộng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Tính ra hoạt động kiểm tra của lực lượng quản lý so với đầu số doanh nghiệp hiện có không thấm tháp gì. Nói chung công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn đọng.

Cũng cần nói thêm về ý thức của những người làm công tác quản lý chưa làm tròn trách nhiệm theo đúng lương tâm nghề nghiệp. Bởi nếu có thì thực phẩm bẩn, rau không an toàn không thể tràn lan một cách công khai, thậm chí ở cả siêu thị, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng quy trình kiểm định chặt chẽ…

Vậy có đúng là tại anh, tại ả, tại cả đôi bên?

Tú Anh - Thiên Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.