Siêu thị sạch bán rau “bẩn” (Bài 1)

06:00 | 14/05/2014

1,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rau sạch có sạch thật không đang là câu hỏi mà người tiêu dùng đặt ra trong hoàn cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là đối với những sản phẩm được bày bán trong siêu thị thì lại càng khiến người ta nghi ngại hơn nữa. Bởi nơi đây, mặc dù tạo được niềm tin cho khách hàng nhưng một số siêu thị lại lừa đảo khách hàng bằng cách trà trộn hàng bẩn vào hàng sạch để “treo đầu dê bán thịt chó”, nhằm kiếm lời. Không ít vụ việc như vậy đã được phát hiện trong suốt thời gian qua.

Năng lượng Mới số 321

Bài 1: Lập lờ đánh lận con đen

Nhập nhèm xuất xứ

Nói đến Big C là nói đến hệ thống siêu thị hàng đầu. Ở đây ngoài việc bán lẻ thì còn như đầu mối “bán buôn” vì không ít các công ty, nhà máy và cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến đây mua thực phẩm để hoặc phục vụ bữa ăn cho cán bộ, công nhân hoặc “mua đầu chợ bán cuối chợ”. Khu kinh doanh thực phẩm của Big C bao giờ cũng là một trong những khu vực trọng tâm với vô số sản phẩm từ rau củ quả đến thịt gia súc, gia cầm, cá… Tên tuổi của Big C gắn với sự quy mô, phong phú về sản phẩm nhưng đáng tiếc cũng lại từng gắn với một số vụ việc nhập nhèm liên quan đến thực phẩm bẩn. Cụ thể như vụ “nho xanh nhãn Ninh Thuận” nhưng gốc Trung Quốc; Thực phẩm quá đát nhưng vẫn bày bán cho khách hàng hay đặc biệt chuyện chế biến thực phẩm ế rồi mang bán cho khách hàng để tận dụng đến cùng, không phải đổ hàng đi. Rất nhiều khách hàng phản ánh về chuyện này.

Quầy rau sạch tại Big C Garden

Không biết có phải do nhiều lần vấp phải những chuyện ấy không mà giờ đây sau nhiều lần rút kinh nghiệm,  Big C rất “cẩn thận” trong việc bày bán thực phẩm. Như rau xanh trong siêu thị Big C Garden, bày bán theo hình thức đổ đống trên từng ngăn rồi chỉ đề gọn lỏn: “Xuất xứ: Việt Nam”, ngoài ra không có một dòng nào nói về nguồn gốc nơi trồng, chế biến… Nhiều người thắc mắc với nhân viên bán hàng: “Xuất xứ Việt Nam nhưng cụ thể nơi nào hả chị?” thì các nhân viên đang đứng cân hàng cũng chỉ trả lời: “Chỉ biết là xuất xứ Việt Nam thôi còn trồng ở đâu, chúng cháu cũng không biết”. Đến khi một khách hàng hỏi tiếp: “Thế có là rau sạch không?” thì sau một hồi im lặng, một nữ nhân viên trả lời: “Chắc là sạch”. Và mặc dù đang bán hàng tại Big C Garden nhưng nhân viên của siêu thị cũng không dám chắc chắn khẳng định rau của họ sạch mà chỉ “chắc là…” thôi?!

Tương tự, tại Hapro, một tên tuổi cũng không nhỏ trong “làng” siêu thị tại Hà Nội. Bởi bên cạnh việc kinh doanh hàng tiêu dùng thì Hapro còn được biết đến là một doanh nghiệp (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) khép kín từ khâu sản xuất đến kinh doanh ở một số mặt hàng thực phẩm, nghĩa là “buôn tận gốc bán tận ngọn” như mì tôm, rau an toàn (rau sạch), bánh ngọt, bánh mì… Trước đây, Hapro cũng “buôn lại” các mặt hàng này rồi đem bán trong hệ thống siêu thị của mình. Nhưng giờ đây, họ “tự cung, tự cấp” cho việc kinh doanh của mình. Tại hệ thống siêu thị của Hapro, thực phẩm cũng được trưng bày như là khu vực trung tâm với những mặt hàng chủ yếu là rau, củ quả, đủ các loại gồm rau muống, ngót, bí xanh, tỏi, củ cải… Với mỗi sản phẩm này (trừ bí xanh, bí đỏ…), đều được đóng gói túi nilon và trên đó in rõ ràng: “Công ty CP Chế biến rau, củ, quả an toàn Hapro - Cửa hàng rau, thực phẩm an toàn Hapro food” (địa chỉ: tổ 47, thị trấn Đông Anh)… Như vậy, có thể hiểu sản phẩm của Hapro là trực tiếp do Hapro làm ra.

Tuy nhiên, đã xảy ra một việc làm người ta nghi ngờ điều này. Ấy là tại siêu thị Hapro tọa lại trong khu Đô thị Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội, một số khách hàng sau khi nhặt rau xanh, tỏi, cà rốt… vào giỏ hàng của mình, chợt nghi ngờ về chất lượng sản phẩm do trên phương tiện thông tin đại chúng vừa đăng tải thông tin: nấm kim, nấm sò… được bán tại một số siêu thị được dán nhãn mác của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh rau sạch trong nước nhưng thực tế lại của Trung Quốc nên mới hỏi nhân viên thu ngân rằng đây là rau xanh Hapro nhập về rồi đóng gói hay trực tiếp Hapro sản xuất ra. Nhân viên thu ngân lập tức trả lời không một chút đắn đo: “Nhập về rồi đóng gói đấy chứ”. Nhưng khi thấy các khách hàng nhìn nhau ái ngại, như biết lỡ lời, nữ thu ngân này “sửa sai” ngay: “À, không do Happro có thuê đất trồng rau ở Đông Anh (theo địa chỉ trên túi nilon) rồi mới đóng gói  mang bán ở siêu thị”. Tuy nhiên, khi một khách hàng giơ túi tỏi lên hỏi: “Thế tại sao mình lại bán tỏi Tàu (Trung Quốc)?”. Đến đây thì nữ thu ngân cùng một số nhân viên siêu thị đứng quanh đấy không nói được gì nữa, vội vàng “đúc rút” cho xong: “Cái này thực ra chỉ có lãnh đạo công ty mới biết. Còn chúng tôi làm sao biết được hàng nhập về hay của công ty tự trồng”.

“Đầu Ngô mình Sở”

Từ những sự việc trên đây mới thấy rằng, ngay cả đến bây giờ, khi mà nhiều vụ việc trộn rau bẩn với rau sạch để bán tại siêu thị bị phanh phui và không ít siêu thị đã bị xử lý vì chuyện này thì đó vẫn chưa là bài học đáng nhớ cho họ cho nên mới có chuyện tiếp tục lập lờ, nhập nhèm trong nguồn gốc cũng như không kiểm tra chặt chẽ trong quy trình nhập hàng. Như mới đây nhất vào ngày 16/4, đoàn Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (đội 2) phối hợp với UNBD huyện Đông Anh, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra tình trạng sản xuất, kinh doanh rau an toàn tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, nơi chuyên cung cấp rau sạch cho địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các siêu thị thì phát hiện: hóa ra lợi dụng giấy chứng nhận được cấp để sản xuất rau sạch, HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng đã thu gom rau các loại từ nhiều nguồn khác nhau, không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi cung cấp cho các siêu thị Big C Garden, Co.op mart, Công ty CP Đầu tư Myway… cùng nhiều bếp ăn của các công ty lớn của thủ đô Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, HTX Bắc Hồng cung cấp rất nhiều chủng loại rau mà trên địa bàn xã Bắc Hồng không thể sản xuất được như quả và ngọn rau su su, bí xanh, bắp cải tím, khoai lang Nhật, dứa, giềng… Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX thừa nhận: khi có nhu cầu đặt hàng, một số chủng loại rau không sản xuất được tại địa bàn thì HTX Bắc Hồng phải đi thu gom những nơi khác. “Nhưng HTX cũng chỉ là đơn vị thu mua hộ thôi mà”, ông Hải biện minh. Tuy nhiên, khi cán bộ đoàn thanh tra lập luận: “Vậy, tại sao thu mua hộ mà những sản phẩm này vẫn được đóng bao bì với nguồn gốc nhà cung cấp là HTX Bắc Hồng rồi bỏ mối cho các siêu thị” thì ông Hải im lặng.

Nhưng đáng nói hơn cả là ngày 16-4, HTX Bắc Hồng vừa được đoàn thanh tra lập biên bản, nhắc nhở thì đến ngày 21/4, tức là chỉ sau đó chưa đến 1 tuần, ghi nhận tại một số siêu thị mà HTX Bắc Hồng chuyên cung cấp rau xanh, vẫn thấy bày bán những sản phẩm đề xuất xứ rau an toàn của HTX Bắc Hồng trong khi đó là những sản phẩm mà ông Hải từng thừa nhận phải thu gom mới có.

Khi nghe ông Trương Văn Thoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thượng  Phúc, xã Bắc Hồng nhận định như thế này mới biết “rau sạch” đang được bán ở nhiều siêu thị thực tế “sạch” như thế nào: “Nhãn “rau an toàn” ở Bắc Hồng có từ năm 1999. Thế nhưng, do không có đầu ra nên người dân bỏ dần, không trồng rau nữa mà thay vào đó là trồng lúa. Hiện giờ diện tích trồng lúa lên đến 80%. Và rau làm ra, HTX cũng không tổ chức thu mua, tiêu thụ như trước mà hộ gia đình tự sản xuất, tự bán tại chợ Vân Trì. Vì thế quy trình kiểm soát rau sạch cũng không được coi trọng nữa. Trong những năm qua, HTX cũng không kiểm tra hay lấy mẫu rau nào để phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Tú Anh - Thiên Minh