Siêu lừa trên sàn chứng khoán Việt Nam

09:08 | 20/10/2011

576 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Nữ đại gia" nổi tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức và cá nhân bằng mánh huy động vốn trả lãi suất cao. Tiếp bước theo nàng là nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Công Thương chi nhánh Nhà Bè người được coi là đã tạo điều kiện để hành vi lừa đảo trên đi xa hơn nữa…

Lừa đảo, chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – Bộ Công an đã bắt giữ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông). Hứa hẹn trả lãi suất từ 5-7,5%/tháng, Như đã huy động vốn với số tiền rất lớn, sau đó không có khả năng chi trả. Tiếp đó, ngày 12/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Công Thương Chi nhánh Nhà Bè (Vietinbank Nhà Bè), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo nguồn tin, ông Tuấn chính là nhân vật thứ hai sau bà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank) trong phi vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của các tổ chức tín dụng và cá nhân. Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định ông Tuấn và bà Như lấy danh nghĩa là đại diện Vietinbank Nhà Bè làm giả con dấu, ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các công ty chứng khoán, bảo hiểm, sau đó yêu cầu các công ty này chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Bằng thủ đoạn trên, bà Như và ông Tuấn đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, ông Tuấn đã giúp bà Như làm giả các hợp đồng tiền gửi với các cá nhân thế chấp cho các ngân hàng để vay hàng trăm tỉ đồng.

Không dừng lại ở đó, bà Như và ông Tuấn còn huy động số tiền khủng của các môi giới, nhà đầu tư cổ phiếu OTC (thị trường cổ phiếu chưa niêm yết), bất động sản với lãi suất 5%/tháng để thực hiện các dịch vụ đáo nợ ngân hàng, nhưng thực chất là để lừa đảo, quỵt nợ. Cơ quan điều tra xác định số tiền mà các bị can chiếm đoạt của các tổ chức tín dụng và các cá nhân tính đến thời điểm này là khoảng 5.000 tỉ đồng.

Bỗng dưng được bầu làm thành viên HĐQT công ty chứng khoán

Sau khi bà Như bị bắt gần 2 tuần, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (ORS) mới công bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên HĐQT của bà Huỳnh Thị Huyền Như. Trước đó, bà Như được một nhóm cổ đông (gồm ông Đỗ Quốc Thái, bà Nguyễn Thị Lang, Nguyễn Thị Thủy và Huỳnh Mỹ Hạnh) nắm giữ 14,9% vốn cổ phần của ORS đề cử và được bầu vào làm thành viên HĐQT tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 của ORS vào ngày 18/5.

Một thông tin mới khác đáng chú ý hơn, lãnh đạo ORS đã nhận được yêu cầu của bà Triệu Thị Hương Giang – Phó tổng giám đốc một công ty nước ngoài tại TP HCM về việc rút toàn bộ thông tin cá nhân cũng như tên tuổi của bà Giang trong danh sách thành viên HĐQT của ORS trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 đến 18/7, với lý do bà Giang hoàn toàn không ứng cử vào danh sách này. Trong danh sách đề cử của nhóm cổ đông nêu trên, ngoài bà Như còn có tên bà Giang và cả hai cùng được bầu làm thành viên HĐQT của ORS. Tuy nhiên, bà Giang khẳng định hoàn toàn không có quan hệ với nhóm cổ đông này và rất bất ngờ khi thấy tên mình xuất hiện trong danh sách thành viên HĐQT của ORS. Theo bà Giang, toàn bộ thông tin về việc ứng cử vào làm thành viên HĐQT của ORS và đơn từ nhiệm vào ngày 18/7 của bà Giang đều là giả mạo, các chữ ký hoàn toàn khác xa với các chữ ký trong các giao dịch chính thức của bà Giang với tư cách là Phó tổng giám đốc một công ty nước ngoài.

Nữ đại gia 34 tuổi đã "nổi” lên thế nào?

Không phải bây giờ mà cách đây khoảng 4 năm Huỳnh Thị Huyền Như đã được biết đến trên sàn chứng khoán chưa niêm yết (OTC). Ngày đó, nhiều người bắt đầu lao đầu vào cổ phiếu MB, Huyền Như nổi dần lên với những lần giao dịch lớn, những thông tin dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực được Như tiết lộ. Năm 2007, nhiều người ước tính khối tài sản gồm cổ phiếu và bất động sản của Huyền Như đã lên đến nghìn tỉ đồng. Những lần huy động vốn cho vay đáo hạn của Như được thực hiện xuôi chèo mát mái. Người này mách cho người kia, ai cũng tấm tắc vì khả năng trả lãi đúng kỳ, thậm chí đòi cả gốc lẫn lãi đột xuất thì bà Như cũng chỉ cần chưa đến 7 ngày là lo đủ. Nhưng huy động vốn của các cá nhân vẫn chưa đủ, đó chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư quy mô hàng nghìn tỉ của bà Như, mà phần vốn chủ yếu của bà Như được “moi” qua các khoản vay ngân hàng. Thời điểm ăn nên làm ra, Huyền Như đang là cán bộ của Ngân hàng Công Thương. Đây cũng là khách VIP được nhiều công ty chứng khoán săn đón.

Các chuyên viên chứng khoán trong nước đã nhận định ngay: “Phải có sự hỗ trợ mạnh tay từ ngân hàng, công ty chứng khoán, bà Như mới được tiếp vốn nhiều như thế”. Nhưng rồi chuyện làm ăn của bà Như bắt đầu khó khăn từ cuối năm 2009, khi thị trường chứng khoán lao dốc, bất động sản cũng đóng băng. Bất động sản vài chục lô (mỗi lô cả chục căn) không bán được, trong khi tiền lãi phải trả đều đặn khiến bà Như đuối sức, bắt đầu chạy vạy đáo nợ. Chính sách siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ ngân hàng lại càng tạo sức ép với các khoản cho vay, khiến bà Như mỗi ngày một khốn đốn. Vốn là khách VIP, bà Như được các công ty chứng khoán cho sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ lớn nên khi thị trường giảm mạnh ngoài dự đoán, khoản thua lỗ của bà ngày một tăng, khả năng trả nợ mất dần. Lúc này các công ty chứng khoán cũng không thể chiều khách được nữa, buộc phải bán tháo để xiết vốn.

Được biết bà Như còn có thêm người tiếp sức, bởi thế nên dù đã ở thế khó khoảng 2 năm nay nhưng bà Như vẫn trụ được với những khoản trả lãi, gốc sòng phẳng. Thế nhưng, rốt cuộc, bà Như lẫn người tiếp sức này đã ôm tiền trốn bặt tăm khi đã cùng đuối sức. Nhiều môi giới OTC là nạn nhân vụ lừa không trình báo công an mà thuê xã hội đen đi tìm bà Như, dẫn đến việc bà này đến cơ quan chức năng đầu thú. Cũng từ đây, Huyền Như được giới chứng khoán trong nước coi là “Murdoch” Việt Nam.

Đây là bài học đắt giá cho những quan hệ giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại trong đời sống xã hội. Tâm lý ham lãi suất cao, lại tin tưởng ở những uy tín cá nhân và hành động trả lãi sòng phẳng trong thời gian đầu khiến nhiều người mất cảnh giác và biến mình thành nạn nhân của những vụ vỡ nợ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế pháp lý cho thấy, việc vay mượn nợ với lãi suất cao không phù hợp quy định pháp luật. Vì Khoản 1, Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã nêu rõ: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Việc cho vay mượn với lãi suất cao dựa trên sự quen biết, uy tín, tin tưởng lẫn nhau mà không tiến hành việc công chứng hợp đồng vay, thế chấp bảo lãnh tài sản, đã chứa đựng nhiều rủi ro không thể lường hết đối với tài sản giao dịch. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán việc quản lý, tạo ưu đãi tối đa cho khách hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh, dù là khách hàng VIP, cũng đều phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phú Vinh