Sẽ thanh kiểm tra Petrolimex và EVN

08:37 | 25/12/2011

409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2011 sắp khép lại với vô vàn những biến động của nền kinh tế, trong đó, những vấn đề về xăng, dầu luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt với dư luận xã hội. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2012, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: Năm 2012 sẽ thanh kiểm tra Petrolimex và EVN (đây là 2 doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xăng và điện).

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính được Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp trình bày tại hội nghị thì trong năm 2011:

Việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 1/3/2011 tăng 15,28% (165 đ/kwh) so với giá điện năm 2010; trong khi nếu tính đủ thì giá bán điện phải tăng 49% do chưa tính đủ giá than bán cho sản xuất điện, tỉ giá, giá nhiên liệu, số lỗ luỹ kế đến 31/12/2010, chi phí môi trường….

Về điều hành giá xăng dầu có tăng, có giảm nhưng cơ bản là giữ bình ổn giá (trong khi giá thế giới thường biến động theo xu hướng tăng) thông qua việc áp dụng các biện pháp sử dụng Quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu xăng, ma dút về 0%; điezel, dầu hỏa về 5%. Theo đó, giá xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh tăng (2 lần) ở mức độ có kiềm chế trong các tháng đầu năm (tháng 2 và tháng 3); được giữ ổn định từ tháng 3 đến gần cuối tháng 8; sau đó, được điều chỉnh giảm (2 lần) vào ngày 26/8 và ngày 10/10/2011); và tiếp tục được điều hành giữ ổn định thông qua sử dụng Quỹ BOG xăng dầu (từ ngày 28/11/2011).

Tuy nhiên, xung quanh việc điều chỉnh giá của mặt hàng xăng, điện trong thời gian qua lại đang khiến dư luận xã hội rất bức xúc khi mà điệp khúc “lỗ” liên tục được các doanh nghiệp phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng kết quả thanh kiểm tra của Bộ Tài chính với 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lại không phải như vậy.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Năm 2012 sẽ thanh kiểm tra Petrolimex và EVN.

Trước những bức xúc trên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2012 Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh giá này với nguyên tắc điều chỉnh liều lượng và thời điểm theo lộ trình phù hợp. Mức tăng giá điện sẽ phải theo lộ trình đủ bù đắp được chi phí hợp lý, lợi nhuận phù hợp không chỉ cho EVN mà còn để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư khác, vì hiện tại nhu cầu về điện của chúng ta rất lớn. Việc nâng giá cũng cần giải pháp hỗ trợ cho người nghèo thu nhập thấp, kể cả thu nhập trung bình. Với đối tượng này, mức tăng giá sẽ thấp hơn.

"Việc tăng giá điện tác động tới CPI rất nhỏ, chúng ta cần đồng thuận chia sẻ với nhà nước, tránh tạo tâm lý "té nước theo mưa”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu EVN tiết giảm chi phí các khâu, giảm bớt tiêu hao điện năng…cùng với đó là thực hiện tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung phát triển ngành điện, đặc biệt trước m ắt phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo đồng bộ các khâu sản xuất, cung ứng, truyền tải điện được thông suốt”, Bộ trưởng Huệ bày tỏ.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Tài chính đã cho hay, đi kèm với điều chỉnh giá, Bộ sẽ áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra tập trung ở các mặt hàng trọng yếu này, tăng cường trên các địa bàn trọng điểm.

"Năm tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện Petrolimex. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị ngoài ngành điện, bán điện cho ngành điện, than bán cho điện, trên cơ sở đó có bức tranh đầy đủ đối với điện lực, nhằm minh bạch quá trình này, đảm bảo cho điều hành giá của Chính phủ theo đúng chủ trương đã vạch ra”, Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh.

Xung quanh vấn đề này, phát biểu chỉ đạo hội nghị ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Điện, xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông… vẫn còn bao cấp lớn, cả cho người giàu. Chúng ta sẽ phải kiên trì giá theo cơ chế thị trường.

"Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình điều hành giá theo thị trường, không gây sốc cho nền kinh tế với phải có hỗ trợ cho gia đình nghèo, chính sách”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thanh Ngọc