Sẽ kiểm soát chặt thị trường vàng

06:12 | 29/08/2011

352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giá vàng trong nước đã xác lập mốc kỷ lục 49,20 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 23/8 và tiếp tục có những biến động mạnh liên tiếp ngày sau đó. Như vậy, vào thời điểm trên, giá vàng đã tăng tới 16%. Vậy đâu là yếu tố đẩy thị trường vàng vào cơn "điên loạn" như thời gian gần đây?

Nguồn gốc cơn sốt vàng và vị thế của VND lên ngôi

Nếu nhìn lại thời điểm từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, khi mà nhu cầu vàng trong nước còn ở mức thấp thì tốc độ tăng của giá vàng trong nước lại chậm hơn giá vàng thế giới, thậm chí có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khi đó 700-800 nghìn đồng/lượng.

Hiện tượng này là do chính sách tiền tệ chặt chẽ đã tạo ra sức hấp dẫn trong việc nắm giữ tiền VND cho người dân, khuyến khích người dân bán vàng lấy tiền gửi tiết kiệm, cụ thể: Ngày 8/7/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 539/NHNN-QLNH.m và số 565/NHNN-QLNH.m ngày 26/7/2011 gửi Bộ Tài chính đề nghị quy định giảm hàm lượng vàng thành phẩm chịu thuế xuất khẩu 10% nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu biến tướng dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ.

gày 2/8/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC, trong đó quy định sửa đổi thuế xuất khẩu một số mặt hàng vàng theo đề nghị của NHNN: Áp thuế 10% đối với các loại vàng thành phẩm có hàm lượng vàng từ 80% trở lên.

Ảnh: Mạnh Thắng

Cũng trong ngày 8/8/2011, NHNN phát đi thông điệp: Sẵn sàng cho phép nhập khẩu vàng khi cần thiết để bình ổn thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, làm giá và nhập lậu.

Ngày 9/8/2011, để ổn định tâm lý người dân và bình ổn thị trường vàng trong nước, NHNN đã cấp phép nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đồng thời yêu cầu các đơn vị này khẩn trương bán vàng ra thị trường để tăng nguồn cung, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Sau quyết định này, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, nhu cầu mua vàng giảm mạnh, giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới, mặc dù giá vàng thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy, cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỉ USD. Thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% xuất khẩu nay chỉ còn 10%. Xuất khẩu dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm.

Giá trị, vị thế của VND đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng đáng kể, đủ sức can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống. Mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến ngày 15/8/2011 tăng khoảng 24%) nhưng phân tích giữa nguồn và sử dụng nguồn của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỉ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo.

Các phân tích nêu trên cho thấy, hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỉ giá trong những tháng cuối năm 2011.

Trong cuộc họp giao ban báo chí sáng ngày 23/8/2011, NHNN đã bày tỏ quan điểm chỉ đạo, điều hành trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỉ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.

Ổn định tỉ giá chính là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. Bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép khập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước, NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các TCTD có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường.

Với những chính sách đã được NHNN áp dụng và một loạt các giải pháp khác sẽ được triển khai trong thời gian tới, có thể khẳng định: Giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, phải thấy rằng, khi mà các vấn đề nội tại của nền kinh tế Mỹ chưa được giải quyết, khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa được cải thiện thì hiện tượng “điên loạn” của vàng vẫn chưa thể chấm dứt. Chuyện tăng hay giảm vẫn sẽ là một ẩn số. Do đó, vào thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo khi đầu tư vào vàng, tránh những rủi ro không đáng có.

6 mục tiêu kiểm soát thị trường vàng

Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 là: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II/2011 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 23/8, đại diện của NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, NHNN đã hoàn thành Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP được ban hành trước đó và đảm bảo 6 mục tiêu:

Thứ nhất, về sản xuất vàng miếng: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Về nguyên tắc, đây là hoạt động hạn chế kinh doanh và cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện thực hiện trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.

Thứ hai, trong lĩnh vực lưu thông vàng miếng, NHNN chỉ cho phép một số doanh nghiệp và TCTD có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.

Thứ ba, về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Thứ tư, về sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Riêng hoạt động gia công nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã không cần xin cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện mà được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ năm, về mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại Nghị định nhưng không cần xin phép cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành chủ yếu về việc quản lý chất lượng và kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.

Như vậy, với những định hướng quản lý trên, NHNN đã tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đây chính là các yếu tố đảm bảo cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ, lũng loạn giá vàng.

Thanh Ngọc