Sẽ có cú sốc khủng hoảng tài chính mới?

10:57 | 29/07/2017

952 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào những năm 1997 và 2007, châu Á và thế giới nói chung đã trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Chu kỳ 10 năm 1 lần liệu có lặp lại? Các chuyên gia tham dự Diễn đàn Kinh tế Arles vừa được tổ chức tại Pháp tỏ ra lo ngại về một cú sốc mới.

"Sẽ có cuộc khủng hoảng khác, tôi không biết khi nào, nhưng điều mà tôi chắc chắn là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính sắp tới sẽ là một sự kiện đầy bi kịch cho cuộc sống của chúng ta, cho nền dân chủ và cho những giá trị tự do", Paul Tucker, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo.

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi nhưng câu hỏi về khả năng xảy ra một cú sốc mới liên quan đến ngành tài chính thế giới, thường xuyên trở thành đề tài được quan tâm. Ngày 5-7-2017, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về "những rủi ro tiêu cực" mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Đó là sự "thiếu chắc chắn trong chính sách ở các nền kinh tế phát triển" và những "lỗ hổng trong lĩnh vực tài chính".

Trước đó, khi phát biểu tại Thượng đỉnh G20 tại Italia hồi tháng 6-2017, Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động để đối phó với một loạt vấn đề cấp bách hiện nay như nợ doanh nghiệp cao tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt tại Trung Quốc; năng suất thấp và những chính sách không chắc chắn của chính quyền Mỹ. IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro trong dài hạn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra những chính sách rõ ràng để củng cố và duy trì phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến trình tăng trưởng đều, cân bằng và toàn diện.

se co cu soc khung hoang tai chinh moi

IMF nêu rõ, mặc dù ghi nhận những nguy cơ rủi ro có dấu hiệu giảm, song những chính sách không chắc chắn vẫn ở mức cao và có thể còn cao hơn nữa, điển hình như những chính sách tài khóa khó lường của Chính phủ Mỹ hay lộ trình đàm phán việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đầy chông gai, cùng những nguy cơ rủi ro địa, chính trị. Những nguy cơ này có thể sẽ ảnh hưởng tới niềm tin, cản trở các nhà đầu tư và làm suy yếu đà phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.

Theo IMF, dù những số liệu kinh tế hiện tại cho thấy một triển vọng lạc quan tương tự như Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu hồi tháng 4-2017, trong đó dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2017 và 2018 sau khi đạt mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2016. Tuy nhiên, IMF nêu rõ các nền kinh tế mới nổi vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro như nợ doanh nghiệp gia tăng, hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương. Trên thực tế, IMF mới đây cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng đối với Mỹ do sự thiếu chắc chắn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Mùa hè năm 2007, sự sụp đổ của thị trường bất động sản ở Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực cho vay mua nhà, đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của thế kỷ XXI. "Nhưng 10 năm sau, ngoài thực tế là người ta đã kiểm soát chặt chẽ hơn những khoản cho vay mua nhà thì tình hình còn tồi tệ hơn đứng trên quan điểm kinh tế vĩ mô", Alfonso Prat-Gay, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ngân sách Argentina nhận xét. Theo ông, giá bất động sản ở Mỹ đã trở lại đỉnh cao, trong khi mức nợ trong cả khu vực công và tư nhân đều đã đạt đỉnh. Tại Pháp, các khoản nợ của các công ty nằm ngoài lĩnh vực tài chính đã tăng từ 50% đến 70% trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia, điều này có thể dẫn đến "vấn đề mất khả năng thanh toán" trong trường hợp lãi suất tăng đột ngột.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Credit Suisse - Bruno Angles - trong bức tranh bi quan này, những cố gắng nhằm hạn chế các rủi ro cho thị trường tài chính đã đạt một số tiến bộ, yêu cầu về vốn của các ngân hàng đã được tăng cường đáng kể, theo yêu cầu của các nhà quản lý và các cơ chế giải quyết khủng hoảng của châu Âu cũng quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp quá lớn mà sự sụp đổ của chúng có thể gây bất ổn cho toàn bộ một quốc gia hay thậm chí toàn bộ hệ thống tài chính.

Trong bối cảnh hiện nay, về dài hạn, chỉ có sự tăng trưởng kinh tế và một mức lạm phát vừa phải mới có khả năng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai, theo Yves Perrier, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý tài chính Amundi. "Chúng ta không thể giải quyết tình trạng nợ nần bằng cách cắt giảm chi tiêu hay thắt lưng buộc bụng. Càng cắt giảm, sản xuất càng teo tóp và sẽ không có tăng trưởng", ông Yves Perrier nói.

Để đối phó với những vấn đề cấp bách hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra những chính sách rõ ràng để củng cố và duy trì phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến trình tăng trưởng đều, cân bằng và toàn diện.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc