Công nghiệp khai khoáng Việt Nam

Sẽ chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm?

09:45 | 03/01/2020

564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam có nguồn khoáng sản phong phú, đa chủng loại. Nhưng điều đáng lo ngại là 3 năm liên tiếp (2016-2018), công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, giá trị giảm dần đều. Để chấm dứt tình trạng đó, công nghiệp khai khoáng chỉ có một hướng đi duy nhất: Đầu tư hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến.    

Tiềm năng vẫn còn lớn

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng, gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than), nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromit, titan, mangan), nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì, kẽm, antimon, molypden), nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý), nhóm khoáng sản hóa chất công nghiệp (apatit, cao lanh, cát thủy tinh), nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát). Bên cạnh một số nhóm khoáng sản được nghiên cứu và đánh giá khá đầy đủ, còn nhiều loại khoáng sản chưa có nghiên cứu khả thi, chưa có kế hoạch khai thác.

se cham dut chuoi tang truong am
Gia tăng trữ lượng dầu khí có nhiều khởi sắc

Đến nay, các nhà khoa học mỏ - địa chất Việt Nam đã điều tra cơ bản, thăm dò và phát hiện mới trên 5.000 điểm khoáng và mỏ, đánh giá được một số loại khoáng sản có giá trị công nghiệp và trữ lượng dự báo lớn.

Trong các loại khoáng sản đó, trừ dầu khí, than, sắt, titan, apatit… đã được thăm dò cơ bản và đánh giá trữ lượng khá đầy đủ, các loại khoáng sản kim loại màu, khoáng sản quý... mới chỉ dừng ở mức độ điều tra cơ bản, được khai thác tập trung. Đặc biệt, nhóm kim loại quý vẫn chưa có kế hoạch khai thác lâu dài, nghiêm túc đánh giá về trữ lượng, tìm đối tác tin cậy, tình trạng khai thác trộm còn diễn ra phổ biến.

Trong khi đó, đặc trưng của ngành khai khoáng là suất đầu tư lớn, có mức độ rủi ro cao, nên trước khi đầu tư khai thác, các doanh nghiệp đều phải tiến hành thăm dò tỉ mỉ, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản kỹ càng nhằm hạn chế rủi ro. Bởi vậy, công nghiệp khai khoáng Việt Nam vẫn còn khoảng trống rất lớn để phát triển cũng như hạn chế những thảm họa môi trường có thể xảy đến do tình trạng khai thác trộm, thô sơ.

Do tính chất và mục đích sử dụng của từng nhóm khoáng sản, đối với một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn, Chính phủ đã giao cho một số doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò nòng cốt. Cụ thể, khai thác và chế biến dầu khí giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); khai thác, chế biến than và các khoáng sản khác giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); khai thác và chế biến khoáng sản hóa chất (apatit) chủ yếu giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); khai thác, chế biến quặng sắt chủ yếu do Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL); khai thác, chế biến vật liệu xây dựng chủ yếu giao cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải thực hiện (ngành khoáng sản vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý).

Ngoài ra, có rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, chế biến các điểm mỏ khoáng sản quy mô nhỏ ở các địa phương. Tổng số các doanh nghiệp khai khoáng (kể cả vật liệu xây dựng) đến nay khoảng 1.100 doanh nghiệp. Sản lượng khai thác một số loại khoáng sản chủ yếu như sau: Dầu thô 16 triệu tấn/năm, than thương phẩm 40 triệu tấn/năm, tinh quặng ilmenite 0,6 triệu tấn/năm, quặng sắt 3,0 triệu tấn/năm…

Đặc biệt, trong 5 năm qua, lượng khoáng sản khai thác sụt giảm dần đều 5-10%/năm, do thiếu kế hoạch đầu tư, sự siết chặt về tiêu chuẩn môi trường và công nghệ khai thác.

Chấm dứt sự sụt giảm

Tại Hội nghị “Định hướng hoạt động khoa học công nghệ phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than - khoáng sản đến năm 2025” do Bộ Công Thương tổ chức, Chính phủ đã đưa ra định hướng lớn triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn 2021-2025.

se cham dut chuoi tang truong am
Khai thác than phải đảm bảo môi trường trong lành
Năm 2016, giá trị công nghiệp khai khoáng giảm tới 4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 7,1%, mức giảm sâu nhất tính từ năm 2011 trở lại đó; năm 2018 giảm 3,11%, là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng âm.

TKV, Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản tại TKV giai đoạn 2010-2015 và định hướng nghiên cứu phát triển công nghệ thực hiện nhiệm vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực than - khoáng sản giai đoạn 2021-2025.

Các doanh nghiệp sản xuất đã có các tham luận về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp và nêu các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn sản xuất đòi hỏi phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác và chế biến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao các tập đoàn, tổng công ty lớn Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như: PVN, TKV, VICEM, Vinachem đã nghiêm túc, tích cực đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: Việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chính phủ, đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản. Các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp, làm cơ sở khoa học để đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ghi nhận các đề xuất, kiến nghị trong nghiên cứu, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng; đồng thời chỉ đạo các tập đoàn, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trong thời gian tới tăng cường đổi mới, hiện đại hóa công nghệ cho các mỏ khai thác, cơ sở chế biến, có khả năng áp dụng vào thực tế, gắn với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia, phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025.

Có thể thấy, bên cạnh những yếu tố bất khả kháng như sự sụt giảm tự nhiên của các mỏ dầu khí lớn, khai thác than phải xuống sâu hơn dưới lòng đất, chưa đủ cơ sở khoa học khai thác kim loại quý… ngành công nghiệp khai khoáng không có cách nào khác là phải tích cực đầu tư vào khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả khai thác.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có quy hoạch toàn diện, đưa ra các phương hướng cụ thể cho ngành công nghiệp khai khoáng, từng nhóm tài nguyên của đất nước.

Chỉ có như vậy mới bảo đảm một diện mạo xanh, sạch và hiệu quả của ngành công nghiệp khai khoáng, chấm dứt chuỗi thời gian liên tiếp “giảm phong độ” về sản lượng cũng như giá trị kinh tế.

Tùng Dương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps