Sắp tuyển sinh riêng, vẫn lưu luyến “3 chung”

18:57 | 11/08/2014

866 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với hạn nộp chốt vào tháng 9 tới, nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) dường như miễn cưỡng lập đề án đổi mới tuyển sinh của trường mình vì vẫn lưu luyến với thi “3 chung”.

“Chốt” tháng 9 nộp đề án tuyển sinh riêng

Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) có tới 3 ngưỡng tối thiểu (điểm sàn), cụ thể, khối A, A1, C và D là 13, 14 và 17 điểm; khối B lần lượt là 14, 15, 18 điểm. Với 3 mức điểm sàn này, những trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt sẽ dựa vào ngưỡng tối thiểu cao để căn cứ điểm xét tuyển, trường hạng trung hoặc mới thành lập thì dựa vào ngưỡng tối thiểu thấp hơn.

Việc quy định nhiều ngưỡng tối thiểu sẽ giúp xã hội nhìn nhận được chất lượng giáo dục của các trường ĐH, CĐ trên cả nước, phân tầng các trường ĐH; đồng thời giúp các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nhân lực của xã hội.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc xác định ngưỡng tối thiểu sẽ không kéo dài, bởi Bộ sẽ không tiếp tục tuyển sinh theo phương thức “3 chung” như hiện nay mà các trường phải tổ chức tuyển sinh riêng, tùy theo nhu cầu đào tạo của từng cơ sở. Bộ GD-ĐT cũng gia hạn cho các trường ĐH, CĐ trong tháng 9 này phải trình lên Bộ phương án tuyển sinh riêng theo như quy định.

Thí sinh tham dự kỳ thi "3 chung" của Bộ GD-ĐT

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các trường ĐH, CĐ chọn lựa thí sinh vào trường khi thực hiện tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo 3 phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia để xin ý kiến xã hội. Kết quả của kỳ thi này sẽ là căn cứ quan trọng để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường. Sau đó, các trường có thể thực hiện thêm các hình thức: phỏng vấn, kiểm tra IQ, làm bài luận… Một số trường tốp trên, có tính chất đặc thù như khoa học, nghệ thuật có thể tổ chức thi riêng theo đề riêng của trường nhưng phải đảm bảo chất lượng về đề thi.

Ông Nguyễn Đức Hinh (Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội) thông tin, trường cũng đang lên phương án đổi mới tuyển sinh: “Trước mắt chúng tôi sẽ sang trường ĐH Bách khoa Hà Nội học hỏi phương thức sơ tuyển, để năm tới một số khoa sẽ áp dụng nhằm hạn chế những thí sinh thi cho vui, thi lấy tiếng. Chỉ tiêu của trường chỉ có 1.000, chúng tôi không sung sướng gì khi hàng chục nghìn thí sinh đăng ký dự thi, vì càng đông càng lỗ”.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, việc các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng song song với lộ trình thực hiện một kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT gây chồng chéo và lãng phí cho các trường. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Kỳ thi quốc gia sắp tới, nếu diễn ra, một mặt dùng để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, mặt khác nhằm cung cấp dữ liệu về kết quả thi của thí sinh để các trường ĐH, CĐ có căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể xây dựng phương án tuyển sinh riêng dựa trên kết quả này, hoặc bổ sung các hình thức kiểm tra khác như phỏng vấn, viết luận hay thi thêm môn nào đó. Như vậy, hai việc trên không có gì mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, năm 2014 đã có 62 trường có đề án tuyển sinh riêng đã triển khai thực hiện, có trường nhận được số lượng hồ sơ cao, cho thấy tuyển sinh riêng đã bắt đầu “hút” thí sinh”. 

Vẫn luyến tiếc với “3 chung”

Trước yêu cầu lập đề án tuyển sinh riêng của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ sẽ xây dựng phương án phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình; song nếu được lựa chọn, các trường vẫn mong muốn tuyển sinh theo phương thức “3 chung” như hiện nay.  

GS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương khẳng định: “Nếu năm sau, Bộ chưa tổ chức một kỳ thi quốc gia, nhà trường sẽ thực hiện phương án tuyển sinh riêng trên tinh thần giống như ĐH Bách khoa Hà Nội. Đó là tiếp tục áp dụng phương thức thi “3 chung” của Bộ và có sơ tuyển đầu vào dựa trên kết quả học tập THPT. Đối với các chương trình chất lượng cao, trường tổ chức thêm vòng phỏng vấn riêng và kết thúc học kỳ đầu tiên sẽ thi kiểm tra chất lượng học ngoại ngữ”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Trả lời câu hỏi về đề án tuyển sinh riêng trong năm tới, thầy Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương thông tin: “Khi nào Bộ bắt buộc, trường sẽ chính thức lập đề án. Hiện, Trường mới chỉ thảo luận sơ bộ và đưa ra 2 phương án: Phương án thứ nhất là tổ chức thi, có thể tự ra đề thi hoặc thuê người ra đề. Phương án hai, dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhưng hiện nay kết quả này chưa đáng tin cậy nên cũng rất khó để lựa chọn”.

Cùng quan điểm, Học viện Hành chính vẫn muốn tham gia kỳ thi "3 chung" bởi chất lượng đầu vào và nguồn tuyển ổn định. Ông Bùi Huy Tùng - Trưởng ban Đào tạo của Học viện đề nghị Bộ GD-ĐT có phương án mở cho các trường vẫn muốn tuyển sinh theo "3 chung". 

Một lý do khiến các trường chuộng "3 chung" là không phải đau đầu để xử lý nguyện vọng của thí sinh. Bởi khi các trường tự tổ chức tuyển sinh, thí sinh sẽ nộp hồ sơ ở rất nhiều trường, dẫn tới lượng thí sinh “ảo” rất cao. Thí sinh trúng tuyển, trường gọi nhập học không đến (vì đỗ vào nhiều trường), các trường sẽ khó khăn trong việc khống chế số lượng gọi đến. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu lập đề án tuyển sinh riêng thực sự khiến các trường đau đầu để lựa chọn phương án tối ưu. 

Bên cạnh đó, một trong các lý do mà các trường vẫn muốn “bám” vào “3 chung” trong hơn 10 năm qua nằm ở khâu làm đề, vốn quá phức tạp và có nhiều rủi ro. Nếu như Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục có sẵn ngân hàng đề thi cho các trường mua để tổ chức thi, chắc chắn, việc tổ chức thi riêng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhận định, việc nặng nề nhất với các trường khi thực hiện tuyển sinh riêng là khâu ra đề. Tuy nhiên, mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là đánh giá, phân loại để các trường chọn được thí sinh phù hợp với tiêu chí đào tạo của từng trường. Mỗi trường đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau. Vì vậy, khâu ra đề phải do các trường tự quyết để đánh giá đúng năng lực thí sinh.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Nếu các trường cứ giao việc tuyển sinh, làm đề thi cho Bộ thì các trường sẽ mất quyền tự chủ, không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học và xu hướng của thế giới. Các trường phải thực hiện đúng chức năng của mình. Bộ chỉ kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.