Sắp có "nội chiến" trong OPEC?

18:35 | 13/06/2015

1,521 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như năm 2015 là một năm đầy thách thức với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thì năm 2016 được dự báo là năm có thể xảy ra xung đột giữa các thành viên trong tổ chức này, do sự cạnh tranh và bất mãn trong nội bộ, cùng những tác động của một thế giới đầy biến động.

Năng lượng Mới số 430

Kể từ đầu năm nay, đã có thông tin rằng, ba nước khai thác dầu mỏ lớn nhất trong OPEC là Arập Xêút, Iraq và Iran sẽ tăng sản lượng xuất khẩu dầu thô của họ lên mức kỷ lục vào cuối năm nay. Thực tế là Arập Xêút, Iraq đã làm điều này, còn với Iran sẽ xảy ra, chỉ cần chờ đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm 6 cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc (nhóm P5+1) - bước đệm cho việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào nước này. Nguyên nhân thì có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng kết quả thì giống nhau: Hoặc là OPEC phải thay đổi, hoặc là Iraq và Iran sẽ có được điều họ muốn theo cách của họ.

Tranh cãi ỏm tỏi trong OPEC

Tranh biếm họa về cuộc đối đầu giữa Iran và Arập Xêút (nguồn Internet)

Theo Bộ Dầu mỏ Iraq, tháng 5 vừa qua, nước này đã xuất khẩu trung bình 3,15 triệu thùng dầu/ngày và đã sẵn sàng chuẩn bị giao tiếp 3,25 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6-2015. Cứ đà này, việc Baghdad đạt được mức xuất khẩu kỷ lục từ trước đến nay trong những tháng tới là chuyện không phải nghi ngờ. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu Iraq cạnh tranh “ngôi vương” của Arập Xêút trong danh sách các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, có khả năng chi phối thị trường dầu mỏ toàn cầu trong thập niên tới.

Iraq hiện đang được OPEC cho hưởng quy chế miễn áp hạn ngạch do “thông cảm” với hoàn cảnh kinh tế bị tàn phá nặng nề sau gần 2 thập kỷ chiến tranh và gánh chịu lệnh cấm vận của phương Tây. Điều này gần như chắc chắn sẽ thay đổi một khi Iraq khai thác đạt mức sản lượng 5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là nội bộ OPEC không khó chịu, bởi Baghdad đang là một trong những động lực làm tăng nguồn cung dầu trong khi giá dầu thế giới đang thấp vì thừa mứa. Nhiều nước OPEC muốn đẩy giá dầu lên cao một chút cũng khó vì sự tích cực này của Iraq.

Trong khi đó, Baghdad đang bị thâm hụt ngân sách và buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ hơn nữa để tăng nguồn thu. Iraq cho rằng, những nước còn lại trong OPEC nên tự cắt giảm nguồn cung nếu muốn thấy giá dầu nhúc nhích leo lên. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự xung đột chính sách trong tương lai gần và thách thức quyền lực thống trị của Arập Xêút trong OPEC.

Về phần mình, Arập Xêút cũng đã đạt đến mức xuất khẩu kỷ lục, lên tới 7,9 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3-2015. Sở dĩ Riyadh cũng phải “phấn đấu” tăng xuất khẩu như Iraq là để kiếm thêm ngoại tệ nhằm cứu vãn nền kinh tế bị suy thoái. Bởi thực tế, mặc dù là kẻ đã khơi mào, dẫn dắt cuộc chơi dìm giá dầu nhằm tranh giành thị phần với dầu đá phiến của Mỹ, nhưng chính Arập Xêút cũng thiệt hại nặng nề và chịu áp lực lớn khi giá dầu giảm liên tục gần cả năm qua.

Một mặt, Arập Xêút vẫn không chịu để OPEC cắt giảm mức trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày đã áp dụng mấy năm qua. Mặt khác, Riyadh lại tự tăng sản lượng khai thác dầu của mình để làm lợi cho bản thân, bất chấp khó khăn của những “người anh em” khác chủ yếu duy trì ngân sách bằng nguồn thu dầu mỏ trong OPEC, đơn cử là Iran, Venezuela. Người hoài nghi sẽ chỉ ra một thực tế rằng, Arập Xêút đang cố tình làm suy yếu thị trường để gây thiệt hại cho kinh tế của Iran - quốc gia mà nước này đối địch và coi là kẻ thù lớn nhất, lớn hơn cả Israel.

Đối với Iran, những thiệt hại mà xuất khẩu dầu mỏ của nước này phải chịu đựng trong 4 năm qua do lệnh cấm vận của Mỹ và EU là cực kỳ to lớn: mất đi nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, cơ chế giao dịch ngày càng phức tạp và ấp bênh, dẫn đến việc Tehran bị mất thị phần ở nước ngoài và suy thoái kinh tế ở trong nước. Tehran đã kêu gọi hạ trần sản lượng trong kỳ họp OPEC tháng 12 năm ngoái nhưng không được đáp ứng. Bây giờ, khi các thỏa thuận hạt nhân gần như hoàn tất, Iran hy vọng sẽ được Mỹ và phương Tây gỡ bỏ trừng phạt, tạo điều kiện cho nước này nối lại các hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Khả năng Iran trở lại mức xuất khẩu trung bình 3 triệu thùng dầu/ngày, thậm chí cao hơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đương nhiên, điều này sẽ lại là một vấn đề gây nên những va chạm chính trị và kinh tế giữa Tehran và OPEC.

Cuộc họp gần đây nhất của OPEC tại Vienna (Áo) vào đầu tháng 6-2015 cho thấy không có sự thay đổi trong chính sách hay hạn ngạch, mặc dù Arập Xêút cũng đang bị áp lực và hy vọng giá dầu thấp sẽ đẩy nhu cầu tăng lên. Do đó, năm 2015 được dự báo sẽ là năm đầy thách thức với OPEC. Tuy nhiên, năm 2016 mới là một năm xung đột tiềm tàng, với việc Iraq, Iran tăng sản lượng; Arập Xêút đạt mức xuất khẩu kỷ lục; giá dầu vẫn còn dưới 80USD/thùng (tức thấp hơn so với mức giá kỳ vọng của OPEC là 90USD/thùng); nguồn cung vẫn dư thừa do nhu cầu thấp và tình trạng “mạnh ai” người nấy khai thác… Khai thác dầu từ đá phiến sẽ tăng và trở nên kinh tế hơn, nền kinh tế của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô và tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục chậm lại, việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời sẽ có nhiều tiến bộ… Tất cả sẽ tạo ra áp lực lớn trên thị trường dầu mỏ trong năm 2016 và trung hạn.

Đối với Iraq, nước này sẽ không quá quan tâm những vấn đề trên và họ sẽ tiếp tục bơm thêm dầu. Baghdad sẽ đứng bên cạnh và quan sát các quốc gia khác cả trong và ngoài OPEC tranh cãi “ỏm tỏi”. Trong khi Iran sẽ thách thức và buộc Arập Xêút phải nhượng lại một số kiểm soát với OPEC, khi “vị vua” này đang có dấu hiệu đi quá đà trong việc làm suy yếu thị trường. Đó cũng là điều rất nên xảy ra bởi OPEC đã quá phụ thuộc vào Arập Xêút, trong khi quyền lợi và mức độ thiệt hại của 12 thành viên không tương xứng.

Có thể nói, cường độ cạnh tranh nội bộ ngày càng tăng bên cạnh các cuộc xung đột chính trị, quân sự ở Trung Đông đang thực sự tạo ra mối đe dọa với sự gắn kết của OPEC - tổ chức đã có 55 năm tồn tại và chi phối 40% nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thế giới.

Liên minh châu Âu và Mỹ rất muốn thấy cảnh “tan đàn sẻ nghé” của OPEC, bởi từ trước tới nay, phương Tây luôn cảm thấy không hài lòng trước việc các thành viên OPEC tự ý quyết định nguồn cung, làm lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên, các thành viên OPEC, bao gồm Arập Xêút và Iran, lại cần ngăn chặn điều này, do vậy giữa họ sớm muộn phải tìm ra sự thỏa hiệp. Đó là điều đã từng xảy ra từ năm 2003 - 2004, khi tổ chức này phải nhún nhường, nới lỏng hạn ngạch để giữ chân thành viên sáng lập Iraq ở lại và không “sa” vào “vòng tay” Anh - Mỹ. Thật không may là có vẻ không có rất ít chỗ cho sự thỏa hiệp nào đó ở trong cuộc xung đột sắp tới ở tổ chức này. Có thể là Arập Xêút sẽ phải chịu mất đi một số ảnh hưởng để giữ cho OPEC không bị tan rã, bởi sự hỗn loạn là không có lợi cho bất cứ ai.

Linh Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc