Sắp có chiến tranh thương mại trên thế giới?

06:45 | 22/03/2018

2,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần này, các biện pháp nâng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực. Liệu chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump có gây ra một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu?  

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-3-2018 đã ký hai sắc lệnh, áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Các hàng rào thuế quan mới này sẽ có hiệu lực sau 2 tuần, tức trong tuần từ ngày 19-3. Phát biểu sau buổi ký, ông Trump tuyên bố: “Các ngành công nghiệp của chúng ta trong rất nhiều năm qua đã là nạn nhân của những biện pháp cạnh tranh thương mại không lành mạnh, khiến cho các nhà máy phải đóng cửa, hàng triệu công nhân bị mất việc, có những địa phương hoàn toàn trở nên tiêu điều. Đây không chỉ là thảm họa kinh tế, mà còn là thảm họa về an ninh. Chúng ta muốn sản xuất ra những con tàu, máy bay, thiết bị quân sự với thép và nhôm của đất nước chúng ta”.

Ông Trump tuyên bố trước báo giới: “Nếu quý vị không muốn đóng thuế nhập khẩu thì đưa nhà máy sang Mỹ”. Nhập khẩu bảo đảm 1/3 nhu cầu tiêu thụ thép của cả nước Mỹ. Với thị trường nhôm, Mỹ nhập đến 90% để bảo đảm cho guồng máy sản xuất, nhưng vẫn còn 60% các quặng mỏ chưa được khai thác.

sap co chien tranh thuong mai tren the gioi
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu nhôm và thép ngày 8-3

Bốn nguồn cung cấp thép quan trọng nhất của Mỹ là Canada (16%), Brazil (13%), Hàn Quốc (10%) và Mexico (9%). Trung Quốc xếp hạng 11, chỉ bảo đảm khoảng 2% thép cho Mỹ. Tuy nhiên, chính sách mới này của ông Trump lại miễn trừ cho hai nước láng giềng là Canada và Mexico. Như vậy chỉ còn Brazil, Hàn Quốc và các nước châu Âu là phải chịu chính sách thuế mới của Mỹ. Trong suốt tuần qua, châu Âu lên tiếng yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế quan như Canada và Mexico vì “chúng ta là bạn lâu năm của nhau”.

Lãnh đạo Liên minh châu Âu Donald Tusk ngày 14-3 thúc giục Tổng thống Trump chớ phá hoại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có từ lâu nay bằng cách thu lợi kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan. “Thay vì nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại mà ông dường như muốn phát động, chúng ta nên nhắm vào sự hợp tác to lớn hơn. Hãy tạo thương mại buôn bán, chớ tạo chiến tranh, thưa Ngài Tổng thống”, ông Tusk nói với các phóng viên tại Helsinki, Phần Lan. Lãnh đạo châu Âu cho rằng, ông Trump nên tái khởi động các cuộc thương thuyết tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU vốn được khởi sự dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng chưa hoàn tất.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ miễn trừ cho châu Âu xem ra không khả quan cho lắm. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói, bà trông cậy vào những cuộc thương thuyết để giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng “không thể tiên đoán chúng ta thành công hay không”. Bà Merkel nói rằng, EU cần có lập trường thống nhất trong các cuộc đàm phán với Mỹ và nếu cần, phải có ý chí cho những biện pháp đáp ứng lại. Bà nhấn mạnh là châu Âu luôn muốn có các quan hệ thương mại công bằng và Đức tin rằng “bảo hộ mậu dịch không phải là giải pháp đúng đắn”.

Ủy viên Thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom, kêu gọi Mỹ nên miễn trừ các mức thuế vừa đưa ra đối với EU vì, bà nhấn mạnh, EU là một đồng minh thân cận của Mỹ. Cecilia Malmstrom đã trình bày chiến lược của EU để trả đũa Mỹ: Châu Âu sẽ đáp trả theo 3 giai đoạn. Đầu tiên là khởi động các thủ tục kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới. Thứ hai là ban hành một loạt thuế đánh vào các sản phẩm bằng thép và nhôm để tránh cho thị trường châu Âu bị tràn ngập các mặt hàng sẽ không còn nhập được vào Mỹ. Thứ ba là các biện pháp trả đũa. Ủy ban châu Âu đang chờ ý kiến của 28 nước thành viên để đề ra các biện pháp cụ thể, nhưng người ta chờ đợi là châu Âu sẽ đánh thuế lên một số mặt hàng nhập từ Mỹ như nước cam, bơ đậu phộng... Đó là những biện pháp nhằm bù đắp những thiệt hại tài chính của châu Âu.

Mặc dù chỉ chiếm 2% lượng thép nhập khẩu của Mỹ nhưng Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu, được coi là một lĩnh vực chiến lược của kinh tế Mỹ, cụ thể là nhắm vào hai mặt hàng đậu tương và cao lương. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 14 tỉ USD đậu tương Mỹ. Bắc Kinh cũng đe dọa bóng gió là hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ tại Trung Quốc, như Apple hay Walmart cũng sẽ bị vạ lây, nếu nổ ra chiến tranh thương mại.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Tổng thống Donald Trump thực sự muốn gì? Theo chuyên gia kinh tế người Pháp Lionel Fontagné, đúng là Mỹ có ý đồ bảo vệ nền công nghiệp trong hai lĩnh vực thép và nhôm, nhưng bên cạnh đó còn có yếu tố chính trị. Nếu đơn thuần nhìn vào hai lĩnh vực là nhôm và thép, tăng thuế nhập khẩu làm giảm khối lượng nhôm và thép bán sang thị trường Mỹ. Điều đó có nghĩa là để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của thị trường, các nhà máy của Mỹ phải tăng mức sản xuất. Việc này không dễ làm bởi hai lý do. Thứ nhất là ngành công nghiệp nhôm và thép đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư, ngốn rất nhiều vốn nhưng lại sử dụng ít nhân công. Điều đó có nghĩa là việc Mỹ áp dụng các biện pháp bảo hộ, nâng hàng rào thuế quan để dành ưu tiên cho "hàng nội" sẽ không tạo thêm nhiều công việc làm cho người lao động Mỹ. Lý do thứ hai là khu vực sản xuất cần rất nhiều nhôm và thép. Ngưng nhập hàng từ nước ngoài, không có nghĩa là cỗ máy sản xuất nhôm hay thép của Mỹ được khởi động ngay lập tức.

Theo chuyên gia Fontagné, biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump sẽ phản tác dụng về mặt kinh tế. Đợt gần đây nhất mà Mỹ tăng thuế đánh vào thép dưới chính quyền của Tổng thống George W.Bush, từ tháng 3-2002 cho đến tháng 12-2003, thì đã có tới 200.000 người lao động ở Mỹ bị mất việc. Thuần về kinh tế mà nói, thì đây là biện pháp bất lợi cho nước Mỹ. Nhưng với việc đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm, Tổng thống Trump muốn bảo đảm số phiếu của giới công nhân người da trắng ở Rust Belt, nơi ngành công nghiệp nhôm thép đang suy sụp, chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Cuộc chiến thép - nhôm có gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu?

Chiến lược đánh thuế nặng vào nhôm và thép để bảo vệ sản xuất nội địa, chính là điều mà ứng cử viên Donald Trump coi là một nguyên tắc bất di bất dịch, trong thời gian vận động tranh cử tổng thống. Trong giai đoạn hiện tại, khó dự đoán mức độ leo thang căng thẳng. Nếu vấn đề chỉ dừng ở lĩnh vực thép - nhôm, tác động sẽ rất giới hạn, tuy nhiên, dù chỉ có như vậy, điều này cũng tạo nên một không khí bất ổn trên toàn cầu. Theo chuyên gia Lionel Fontagné, với sự dâng cao của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tất cả các bên đều sẽ thua, bởi bảo hộ dâng cao thúc đẩy lạm phát, các dây chuyền cung ứng quốc tế bị cắt đứt, đà cải cách công nghiệp bị bóp nghẹt…

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc