Sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh: Đẩy khó cho doanh nghiệp?

15:09 | 25/06/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, các Bộ, ngành đang tìm mọi cách để cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng theo Thông tư 40/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, một khối lượng công việc khổng lồ của cơ quan thuế là kê khai, thu thuế lại được giao “trọn gói” sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh: Đẩy khó cho doanh nghiệp?
Ảnh minh họa.https://dulich.petrotimes.vn/

Dễ cho cơ quan quản lý nhưng khó cho doanh nghiệp

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Thông tư 40 là các sàn giao dịch TMĐT, chủ sở hữu sàn sẽ có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo lộ trình của cơ quan thuế.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định, nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế. “Người bán hàng tại các sàn giao dịch TMĐT chính là người trực tiếp có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ là cá nhân có thu nhập chịu thuế, từ đó có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế vào ngân sách nhà nước” - ông Nguyễn Tiến Hòa nói.

Về mặt thực tiễn, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế là của đối tượng có thu nhập chịu thuế và các chủ thể này tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung kê khai. Trách nhiệm quản lý nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng trên là của cơ quan thuế. Do đó, quy định buộc sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn làm mất tính cạnh tranh của sàn TMĐT với các nền tảng khác có chức năng bán hàng nhưng chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, TMĐT đang được coi là “cứu cánh” cho bán lẻ như hiện nay.

Là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy định này, đại diện một sàn TMĐT nêu lên những bất cập của quy định này như: trường hợp kê khai thuế không đúng, trách nhiệm thuộc về ai; trường cố tình nợ thuế, “né” thuế phải xử lý thế nào? “Sàn TMĐT cũng thực hiện nghĩa vụ thuế của riêng mình theo đúng quy định của pháp luật nên không thể nộp thay người kinh doanh” - đại diện sàn TMĐT nói.

Cho rằng việc yêu cầu sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh là một trong những giải pháp hiệu quả để chống thất thu thuế, song ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng, quy định này cần được xem xét kỹ lưỡng, không nên chuyển “trọn gói” nhiệm vụ từ cơ quan thuế sang doanh nghiệp, để doanh nghiệp “gánh” thêm thủ tục hành chính.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay: Với quy định này, các sàn TMĐT lo nhất là mất khách hàng, bởi lẽ để thực hiện được việc kê khai, khấu trừ thuế thì nhiều khả năng, các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch. Khi đó, người bán sẽ lựa chọn lên sàn TMĐT bán hàng để vừa phải “đầu tư” cho việc lên sàn, vừa bị trừ thuế với việc chuyển sang các mạng xã hội chưa thuộc diện điều chỉnh của Thông tư 40 hay “bê hàng” về chợ truyền thống.

Không thể “chuyển” nghĩa vụ từ cơ quan thuế sang sàn TMĐT

Mặc dù không có thống kê chi tiết xem trung bình mỗi năm, cơ quan thuế mất bao nhiêu thời gian cho hoạt động kê khai, thu thuế từ người kinh doanh, nhưng rõ ràng, khối lượng công việc này rất lớn và phức tạp. Đối với sàn TMĐT, số lượng người kinh doanh, lượng giao dịch trên sàn lên đến hàng trăm triệu lượt mỗi tháng thì được giao “đảm đương” công việc này, trách nhiệm của sàn TMĐT sẽ vô cùng nặng nề.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế là thuộc về đối tượng có thu nhập và các đối tượng này tự chịu trách nhiệm cá nhân đối với các nội dung kê khai. Trách nhiệm quản lý nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng trên là của cơ quan thuế. Tuy nhiên, với quy định hiện hành trong Thông tư số 40, từ ngày 1/8 tới đây, nghĩa vụ này lại được “chuyển” hoàn toàn sang các đơn vị quản lý sàn TMĐT.

Không tán đồng cách làm này, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết: “Thay vì mỗi một cá nhân kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ của mình thì sắp tới, nghĩa vụ của của hàng triệu nhà bán hàng lại chuyển giao sang đơn vị quản lý sàn, tạo một gánh nặng to lớn cho doanh nghiệp khi phải thực hiện nghĩa vụ thay cho các đối tượng này. Điều đó có nghĩa là, ngoài việc phải tìm cách tồn tại, duy trì và phát triển doanh nghiệp, các đơn vị sàn còn phải bổ sung thêm nguồn lực (hệ thống, nhân sự, tài chính...) để thực hiện thêm nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn của mình”.

Hiện nay, thời gian yêu cầu kê khai, nộp thuế từ các cơ quan thuế là khác nhau. Do đó, các yêu cầu dàn trải trong năm gây khó khăn trong việc tập trung nguồn lực để đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời. Để phục vụ các yêu cầu của cơ quan thuế, sàn TMĐT phải bố trí nhân lực, vật lực để thực hiện kê khai, nộp thuế, rất tốn kém và mất thời gian.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Nghị định 63/2010/NĐ-CP, quy định mới này đang tạo ra một thủ tục hành chính mới cho các bên trung gian thương mại. Việc đưa ra các yêu cầu tại dự thảo Thông tư như một thủ tục hành chính mới là không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 4, Điều 14).

Do đó, VECOM kiến nghị, Bộ Tài chính xem xét bỏ quy định này, nhằm giảm thời gian cho doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính thuế, đảm bảo nguồn lực phục vụ hoạt động và mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT phát triển.

Xem xét lại lộ trình và thử nghiệm trước

Tại buổi làm việc với đại diện VECOM và các doanh nghiệp TMĐT ngày 15/6, lãnh đạo Tổng cục Thuế ghi nhận, tiếp thu và giao Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các bộ phận liên quan rà soát lộ trình triển khai dự kiến, lên kế hoạch hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại một số sàn TMĐT cũng như lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, nếu cần thiết có thể điều chỉnh cho phù hợp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vân Hằng

vietinbank
ajinomoto