Sẵn sàng cung cấp tín dụng hỗ trợ ngư dân

07:00 | 11/06/2014

805 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện đại hóa, nâng cấp, hoán cải đội tàu, xây dựng căn cứ nghề cá là một trong những trọng tâm của Nghị quyết “Chiến lược biển Việt Nam” của Trung ương Đảng (khóa X). Mục tiêu chung đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển…

Năng lượng Mới số 329

Loại bỏ rào cản

Khó khăn lớn nhất và từng là vấn đề tưởng chừng không thể tháo gỡ với dân đi biển, đó chính là vốn. Tiền đóng tàu, tiền lãi ngân hàng, tiền phục vụ công tác hậu cần trước mỗi chuyến đi, tiền cải tạo cơ sở hạ tầng nghề cá… đều nặng gánh. Vì yếu tài chính mà số lượng tàu đánh bắt gần bờ vẫn áp đảo trong tổng số tàu cá đang hoạt động, lên tới 75% trên tổng số 117.000 tàu, trong khi ngư trường gần bờ báo hiệu nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm, nhiều vùng biển bị suy kiệt do việc khai thác tận diệt, không kịp tái sinh. Và kết quả là chất lượng sản phẩm, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch chẳng thể cải thiện và người ngư dân khai thác trên biển cứ… nghèo bất chấp môi trường lao động mỗi lúc nguy hiểm và khó khăn hơn.

Trong kế hoạch tái cấu trúc ngành đánh bắt hải sản trước yêu cầu mới, Bộ NN&PTNT xác định, chỉ bằng nâng cao hiệu quả, từng bước hiện đại đội tàu khai thác theo hướng gia tăng các tàu công suất lớn khai thác ở vùng biển xa, đồng thời phải tổ chức lại sản xuất trong khai thác trên biển, mới mong nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề cập thẳng vào vấn đề trong hội nghị về đánh bắt xa bờ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 4 vừa qua: “Để hiện thực hóa chủ trương này, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ngay như đóng mới, cải hoán một con tàu đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, đòi hỏi phải có số tiền rất lớn so với “tài sản” hiện có của ngư dân. Trong khi đó khai thác ở vùng biển xa luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường như bão gió, bị nước ngoài bắt, cướp… Nhiều ngư dân khi được hỏi đã thành thật nói rằng không “dám” vay ngân hàng để đầu tư con tàu đánh bắt xa bờ, mặc dù đó vẫn là điều mơ ước. Về phía ngân hàng cũng không dám “mạnh dạn” cho dân vay số tiền lớn để họ tự mình làm chủ một con tàu vươn khơi xa. Những rủi ro tín dụng của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 hậu quả vẫn còn đến ngày nay như là nguyên nhân chính các ngân hàng luôn thận trọng với… ngư dân”.

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để tái cấu trúc đánh bắt xa bờ, việc cung cấp tín dụng là quan trọng nhất. Tư duy cũ kỹ “dân biển lấy đâu tiền trả ngân hàng” cần được loại bỏ lập tức và nếu được tổ chức theo chuỗi sản xuất, khai thác bài bản thì không có lý do gì ngư dân không thành công và đánh bắt xa bờ cất cánh cùng các ngành kinh tế khác.

Suy nghĩ đó giờ đã được cởi trói bằng quyết tâm của Chính phủ và ngành ngân hàng. Tại hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, ngành ngân hàng bước đầu có thể dành 10.000 tỉ đồng để cho vay đóng mới, cải hoán tàu cũ để đánh bắt xa bờ, với thời hạn (10 năm, ân hạn 1 năm) và lãi suất ưu đãi. Bản thân người đứng đầu ngành ngân hàng, bên lề hành lang Quốc hội mới đây tiếp tục khẳng định, nếu ngư dân vay của ngân hàng thương mại với lãi suất 5%, NHNN sẽ hỗ trợ 2%, để kéo mức lãi suất thực xuống 3%/năm. “Cá nhân tôi, với tư cách là Thống đốc NHNN, sẽ thuyết phục để các tỉnh, thành phố phấn đấu dành thêm nguồn ngân sách nhất định hỗ trợ tiếp cho ngư dân. Như vậy, để có tàu mới, sẽ có những ngư dân không mất đồng lãi nào để vay tiền đóng tàu ra khơi”.

Thêm nữa, Thủ tướng cũng khẳng định, ngư dân sẽ thế chấp khoản vay bằng chính con tàu của mình, đồng thời các doanh nghiệp bảo hiểm phải để ngư dân được mua bảo hiểm. 70% số tiền đóng phí bảo hiểm được trích ra từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Tái cấu trúc thật bài bản

“Chúng ta sở hữu một bờ biển dài với vùng đặc quyền kinh tế, ngư trường rộng lớn. Nếu ngư dân đều chuẩn bị được đội tàu cùng công suất, cùng công nghệ từ đó hình thành các tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ với nhau thì ngân hàng có phải lo lắng quá không? Các chủ tàu buộc phải có liên kết kinh tế, hậu cần, thực sự có quyền lợi và phải chia sẻ trách nhiệm khi tham gia khai thác trên biển xa là tuyệt vời và họ cũng sẽ được hưởng các chính sách này. Các tàu ra khơi được cơ sở hậu cần nghề cá cung cấp xăng dầu, thực phẩm, đá cây… Khi có sản phẩm thì họ phải bán lại cho các cơ sở này để bảo quản và đưa vào bờ chế biến tiêu thụ. Như vậy, về vốn lưu động ngân hàng chỉ cần cho vay một đầu mối là cơ sở hậu cần của nhóm liên kết. Khi họ thu mua và tiêu thụ được cá của các tàu thì họ được định hướng ưu tiên trả nợ ngân hàng”, ông Trần Du Lịch nhận xét.

Với cách ấy, ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được dòng tiền. Thậm chí, ngân hàng sẵn sàng cho vay để ngư dân đóng những con tàu “mẹ”, là cơ sở hậu cần cho cả tổ đội 2-3 tàu. Tiền đã thông, điểm mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các mô hình liên kết thực sự trên biển, để đương đầu với những khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng các căn cứ nghề cá rất quan trọng và việc này nhất định phải do Nhà nước đảm trách.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, để đóng mới một con tàu cỡ lớn, đủ tiêu chuẩn quốc tế, ngư dân mất không dưới 1 năm và hàng chục tỉ đồng. Động lực càng lớn, khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, ngành ngân hàng có chính sách tín dụng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong quá trình khai thác nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm khai thác khép kín: Đóng tàu - khai thác - hậu cần thủy sản - tiêu thụ sản phẩm. Nếu các mô hình liên kết khép kín này được thực hiện, ngân hàng có thể cung cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi thêm về thời hạn, lãi suất và có thể miễn tài sản thế chấp.

Về việc triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc NHNN, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Viết Mạnh cho biết: “Ngành ngân hàng đang phối hợp với Bộ NN&PTNT nghiên cứu một cơ chế chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng thuyền lớn ra khơi, vừa đảm bảo kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng phải hướng vào có liên kết trong sản xuất. Ngành ngân hàng đang chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho bà con ngư dân tiếp cận vốn tín dụng”.

BIDV trở thành ngân hàng TMCP tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN khi cùng UBND tỉnh Bình Định thực hiện ký kết hợp tác đóng mới, phát triển đội tàu công suất lớn giai đoạn 2014-2017 với gói tín dụng trị giá 150 tỉ đồng.

Lê Tùng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps