Rystad Energy: Kế hoạch Năng lượng Chiến lược của Nhật Bản là quá tham vọng

17:34 | 13/08/2021

|
(PetroTimes) - Bản sửa đổi gần đây của Nhật Bản đối với Kế hoạch Năng lượng Chiến lược (SEP) đã giảm tỷ trọng mục tiêu của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong hỗn hợp sản xuất điện của nước này vào năm 2030 xuống mức 20% so với 27% trước đây, như một biện pháp để cắt giảm lượng khí thải.
Rystad Energy: Kế hoạch Năng lượng Chiến lược của Nhật Bản là quá tham vọng

Một phân tích của hãng tư vấn Rystad Energy kết luận rằng, các mục tiêu của Nhật Bản là quá tham vọng để đáp ứng và những thay đổi mà kế hoạch mới sẽ mang lại chủ yếu sẽ nằm trong cơ cấu giao dịch hàng hóa.

Trước khi Nhật Bản đề ra SEP, Rystad Energy đã coi mục tiêu 27% là quá tham vọng, vì hãng tư vấn năng lượng có trụ sở tại Oslo kỳ vọng sự phụ thuộc vào LNG của nước này sẽ cao hơn trong năm 2030.

Phân tích của Rystad Energy cho thấy, mục tiêu 20% mới nhất có thể làm giảm phần nào tỷ trọng LNG trong hỗn hợp năng lượng. Tuy nhiên, công ty này không tin rằng tỷ lệ có thể giảm xuống thấp hơn 27%.

Rystad Energy tính toán rằng, nếu các mục tiêu trong SEP được thực hiện, nhu cầu LNG của Nhật Bản vào năm 2030 sẽ bị cắt giảm 18 triệu tấn so với ước tính trước đây là 66 triệu tấn. Tuy nhiên, hãng tư vấn nhận thấy kế hoạch của quốc gia Đông Á chỉ có khả năng loại bỏ 4,6 triệu tấn vào năm 2030, nâng tổng nhu cầu LNG lên 61,4 triệu tấn, với toàn bộ sự cắt giảm đến từ ngành điện.

Rystad Energy kết luận rằng Nhật Bản sẽ không đạt được tỷ lệ mục tiêu LNG mới, bởi kế hoạch này đã đánh giá quá cao sự đóng góp tiềm năng của năng lượng tái tạo và hạt nhân trong sản xuất điện năng.

Kế hoạch mới không thay đổi mục tiêu sản xuất điện hạt nhân, vốn được giữ nguyên ở mức 20-22% sản lượng điện. Tuy nhiên, tỷ trọng than hiện được đặt mục tiêu giảm xuống 19% vào năm 2030, từ 26% hiện nay.

Theo số liệu từ Lloyd's List Intelligence, Nhật Bản là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2021, chiếm 20,49% tổng lượng LNG nhập khẩu trên toàn cầu. Để so sánh, lượng nhập khẩu của 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cộng với Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 20,94%.

Lloyd's List Intelligence cho hay, thị trường phát triển nhanh nhất đối với LNG là Trung Quốc - dự kiến ​​sẽ sớm vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới - chiếm 18,22% lượng nhập khẩu LNG trong nửa đầu năm nay.

Bình An