Ra nước ngoài quay, liệu có hay hơn?

07:33 | 02/10/2013

664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài nhà chuyên môn cho rằng, việc ngày càng có nhiều phim Việt xuất ngoại ghi hình là xu hướng tất yếu bởi sự cạnh tranh khốc liệt về độ thu hút giữa các phim và sự cạn kiệt dần của bối cảnh trong nước. Không chắc việc chọn bối cảnh ngoại quốc có trở thành một mốt tốn kém của phim Việt sắp tới hay không nhưng xung quanh “hiện tượng” này có nhiều điều rất đáng bàn trong bối cảnh ở ta chưa có trường quay.

Một phim Việt vừa xuất ngoại ghi hình đang thu hút sự chú ý nhiều nhất của công chúng Việt chính là phim “Âm mưu giày gót nhọn” - phim đầu tay tại Việt Nam của đạo diễn Hàm Trần. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của Anne (Kathy Uyên), một chuyên viên thiết kế thời trang tại Mỹ. Nhà sản xuất phim tiết lộ, do không hài lòng với những bối cảnh trong nước và để phù hợp với kịch bản phim nên đoàn làm phim đã tổ chức đoàn kéo sang kinh đô thời trang của nước Mỹ để thực hiện những cảnh quay. Bối cảnh được chọn trong phim là những địa điểm nổi tiếng của New York như: Khu Manhattan, Quảng trường Thời đại, công viên trung tâm (Central Park), con đường thời trang (Garment District), bức tường Graffiti và bến phà bên sông East River nổi tiếng ở Brooklyn. Toàn bộ cảnh quay ở New York được đoàn làm phim gói gọn trong vòng 4 ngày.

"Âm mưu giày gót nhọn" cũng đang thu hút tò mò vì "mốt" xuất ngoại ghi hình

Theo diễn viên chính Kathy Uyên bộc lộ thì phần lớn những cảnh quay ở Mỹ chỉ là những cảnh mà cô độc diễn với nhiều tâm trạng khác nhau. Từ đó có thể thấy, việc sang Mỹ hoàn toàn không phải là một đoàn phim hùng hậu mà người ta thường thấy các phim trường trong nước. Nó có thể rất hạn chế về mặt nhân lực, có thể chỉ là một anh đạo diễn, một người quay phim, thêm một người ánh sáng và Kathy Uyên! Chuyện không chỉ gói ghém về thời gian mà còn rất hạn chế về thành phần xuất ngoại làm phim, thật ra đó cũng là điều dễ hiểu bởi vấn đề kinh phí.

Phim “Âm mưu giày gót nhọn” dự định chiếu rạp vào tháng 10 nên chưa thể nói gì về hiệu quả xuất ngoại ghi hình như thế nào nhưng với những “chiêu” PR là phim được quay ở những thắng cảnh của New York vừa qua cũng đã đủ kích thích tính tò mò của không ít khán giả.

Trước “Âm mưu giày gót nhọn”, năm 2012 có hai phim truyền hình ghi hình ở nước ngoài tạo tiếng vang lớn, đó là phim “Hai phía chân trời” và “Bí mật Tam Giác Vàng”. Phim “Hai phía chân trời” (đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa) là phim truyền hình dài 33 tập nói về cuộc sống của bà con Việt kiều tại châu Âu, phim được quay chính tại các nước như Cộng hòa Séc, Ukraine… Đặc biệt nhất, bộ phim “Bí mật Tam Giác Vàng” (đạo diễn Nguyễn Dương, kịch bản nhà văn Nguyễn Như Phong), có thể nói đây là bộ phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất khai thác đề tài cuộc chiến chống ma túy diễn ra tại ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar. Hai dự án phim này được đánh giá là hai dự án phim khai thác các câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất của phim Việt từ trước đến nay.

Nhiều nhà sản xuất đã, đang và sẽ chọn bối cảnh nước ngoài làm bối cảnh chính trong các dự án phim của mình. Trước tiên, chưa bàn đến chuyện phim hay, dở thì công bằng mà nói đây là một xu hướng không hề xấu của điện ảnh Việt. Bởi trước sự phát triển ngày càng mạnh của phim ảnh và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà làm phim, cũng như sự hạn chế, cạn dần bối cảnh mới trong nước… thì những nhà sản xuất nào có lợi thế lớn về kinh phí để đầu tư cho ê-kíp sang nước ngoài là chuyện bình thường, thậm chí là đáng hoan nghênh. Bởi suy cho cùng thì việc này sẽ tạo ra một bộ phim có thể mang đến cho người xem sự thích thú với những không gian mới, bối cảnh mới và cũng là dịp các nhà làm phim trong nước được học hỏi kinh nghiệm làm phim nước ngoài.

Nếu trong nội dung có liên quan đến bối cảnh như hai bộ phim truyền hình nổi tiếng vừa qua là “Hai phía chân trời” và “Bí mật Tam Giác Vàng” chẳng hạn thì việc quay các trường đoạn ở nước ngoài là bình thường. Nhưng cũng phải khẳng định ngay rằng, một phim hay hay dở không nhất thiết phụ thuộc vào việc phim đó được quay ở đâu, trong nước hay nước ngoài, bởi yếu tố cốt lõi nhất vẫn là nội dung kịch bản có hấp dẫn hay không. Thực tế có những phim xem chuyện ghi hình ở nước ngoài chỉ là sự “làm màu”, là chuyện giải quyết khâu oai chứ nội dung phim hoàn toàn không cần thiết làm điều đó. Đương nhiên, không ai ủng hộ cách tư duy làm phim thiếu chuyên nghiệp như thế, cũng như chưa có phim Việt nào làm theo quan điểm này mà thành công cả!

Phim "Bí mật Tam Giác Vàng" là một phim khai thác câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất

Trao đổi với người viết bài về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Tranh, người từng thực hiện phim “39 độ yêu” khá thành công ở Singapore cho biết: “Phim được quay ở đâu cũng vậy, hay hay không là chuyện không hoàn toàn do bối cảnh trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, một phim có kịch bản hay, hấp dẫn, có nội dung câu chuyện xảy ra ở nước ngoài và phim đó lại được lấy bối cảnh nước ngoài thì đó là điều rất tuyệt vời!”.

Rất tốn kém - đó chính là vấn đề đầu tiên mà các nhà làm phim phải đối diện khi nghĩ đến chuyện đưa đoàn phim ra nước ngoài quay. Đó cũng chính là lý do mà nhiều nhà sản xuất phim trước đây rất muốn xuất ngoại ghi hình cho phù hợp nhưng không thực hiện được hoặc đó là một việc làm “bất đắc dĩ” nhất! Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Tranh cũng cho biết thêm rằng, quay phim ở nước ngoài rất khó khăn: khó khăn về thiết bị kỹ thuật, con người, cả những thiết kế mỹ thuật nhưng vấn đề kinh phí vẫn là mấu chốt nhất. Đạo diễn nói, hiện tại những phim có đầu tư lớn như “Mỹ nhân kế” chẳng hạn thì cũng trên dưới 1 triệu USD nhưng với kinh phí ấy thì cũng khó ra nước ngoài thực hiện được.

Ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Hãng phim Lasta cũng tiết lộ rằng, chiếm phần lớn kinh phí trong khoảng 20 tỉ đầu tư cho phim “Bí mật Tam Giác Vàng” là chi phí di chuyển, ăn ở cho đoàn làm phim 60 người ở nước ngoài trong khoảng thời gian 4 tháng. Và việc di chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, Lào, Myanmar cũng là một khó khăn đặc biệt đối với ê-kíp làm phim. Chính đạo diễn Nguyễn Dương cũng đã ví von, khó khăn này như là một “khúc xương” khó nhằn.

“Hiện tượng” phim Việt kéo nhau ra nước ngoài quay cảnh, dù không cần thiết khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải chăng bối cảnh trong nước đang thiếu? Một cách thẳng thắn, đạo diễn Nguyễn Tranh cho rằng: “Nước ta không rộng lớn, quanh đi quẩn lại cũng không có bao nhiêu cảnh đẹp để lên hình. Hầu như nhà làm phim nào cũng đi từ Nam ra Bắc tìm bối cảnh, nơi nào đẹp cũng đã quay hết rồi. Nhưng không phải vì thế mà phim Việt phải kéo ra nước ngoài ghi hình. Mà nó đòi hỏi đạo diễn phải có sự tìm tòi góc nhìn mới trên những bối cảnh cũ. Anh phải thay đổi góc máy tinh tế hơn để tránh trùng lặp”.

Như vậy, giải pháp ra nước ngoài ghi hình cho phim có cần thiết hay không còn tùy thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là nội dung phim, thứ hai là vấn đề kinh phí. Nếu một phim hội đủ hai yếu tố này thì việc ra nước ngoài quay là điều hợp lý, góp phần tạo nên một phim hấp dẫn, nhất là phần bối cảnh. Nhưng tư duy “làm màu” cho phim bằng bối cảnh nước ngoài là điều hoàn toàn không nên cổ súy! Bởi mới đây, “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn đã từng thành công vang dội, dù ông đã từ chối tuyệt đối chuyện nhà sản xuất yêu cầu phải xuất ngoại quay hình!

Trúc Vân