Ra đi là để trở về

18:58 | 08/10/2021

101 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ở tuổi mười sáu, Minh Khôi lớn vụt lên thành một trang thanh niên tuấn tú. Nước da ăn nắng đỏ đắn của cậu khiến bất cứ ai cũng phải ghen tị là kết quả của cả năm trời tập luyện bền bỉ trên đường chạy giữa thiên nhiên phóng khoáng của vùng ngoại ô.

Cậu cao tới một mét tám mươi, với cẳng chân, dóng tay thuôn dài và thẳng hứa hẹn tiếp tục phát triển, khi đứng lên cậu cao hơn hẳn các thầy cô và bạn học trong trường Hoa Xuyến Chi. Đặc biệt, gương mặt đẹp thanh tú và đôi mắt thông minh luôn lấp lánh ánh cười của cậu khiến ai cũng vui lây và muốn ở gần cậu.

Ra đi là để trở về

Thậm chí, người ta đã quên mất rằng Khôi là một trẻ tự kỷ. Kể cả ở trường, ai nấy đều coi Khôi như một người xuất chúng. Quả vậy, không chỉ từng đoạt danh hiệu kỷ lục gia về ba môn phối hợp: đi xe đạp một bánh, đội chai nước, tung bóng, Khôi còn trở thành cảm hứng để Nhà hát kịch Hà Nội dựng vở “Mơ ước của em”. Nội dung vở kịch dựa trên cuộc đời kỳ lạ của Khôi, khi cái gọi là số phận dường như ghim chặt em lại trong thân phận một đứa trẻ tự kỷ, bị thương hại đồng thời bị người đời chối bỏ, thì việc gặp được thầy Tuệ Tâm là một may mắn diệu kỳ, khiến mơ ước của em thành sự thật, khi em đã vươn lên trở thành một kỷ lục gia tài năng, khiến bao người ngưỡng mộ.

Câu chuyện điển hình từ một đứa trẻ đáng thương, trở thành người phi thường của Khôi đã thành nguồn động lực cho biết bao người vươn lên chinh phục hoàn cảnh để phát triển xuất sắc và đổi đời. Và thật xúc động, khi vở kịch được công diễn, thì Khôi lại được mời vào vai chính mình để đóng một cảnh quan trọng trong vở kịch, cảnh em tham gia thi biểu diễn tài năng xiếc và giành chiến thắng vinh quang, vượt qua cả các diễn viên xiếc chuyên nghiệp.

Từ đó, Khôi trở thành đội trưởng của đội biểu diễn tài năng của trường Hoa Xuyến Chi. Trong các buổi diễn thuyết hoặc giảng dạy kỹ năng mềm của thầy Tuệ Tâm và các giảng viên khác trong trường, Khôi và đội tài năng nhí sẽ tham gia màn khởi động và màn thư giãn. Các em rất thích được lên sân khấu biểu diễn, được đông đảo khán giả hoan nghênh. Có những khán giả cũng lên sân khấu, thử đi xe đạp một bánh như các em, nhưng không cách nào thăng bằng được, và vì thế càng khâm phục những em nhỏ tự kỷ đã kiên trì luyện tập được ba kỹ năng phối hợp vô cùng khó khăn như thế, khâm phục sự kiên tâm của các thầy cô và huấn luyện viên trực tiếp dạy và luyện tập hàng ngày cho các em.

Ở trường Hoa Xuyến Chi, Khôi cũng là lớp trưởng một lớp học trò lớn và kiêm luôn vai trò huấn luyện viên chính cho một em nhỏ mới nhập học. Ba tháng vừa qua, Khôi cũng đã chính thức được nhận lương cho công sức huấn luyện các em nhỏ mới vào học. Em rất vui và cảm thấy mình đã trở thành người lớn, sống hữu ích. Khôi cũng đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ trong phạm vi một trăm, và em đang được thầy Trung dạy phép tính nhân, chia. Thấy con mình tiến bộ quá nhanh, bố mẹ Khôi đã một số lần ngỏ ý với thầy Tuệ Tâm để cho Khôi ra ngoài, đi học các trường bình thường, nhưng thầy Tuệ Tâm một mực cho rằng, làm như thế là hủy hoại năng lực của Khôi, bởi khuôn khổ gò bó của trường học thông thường được thiết kế không phù hợp với tạng của “người khổng lồ” như Khôi.

Nhưng hôm nay, sau nhiều ngày trò chuyện với thầy Tuệ Tâm và giám đốc học viện Hoa Xuyến Chi qua điện thoại, anh Chiến cùng vợ quyết định đến trường xin đón Minh Khôi về nhà.

Khôi đang trong đà tiến bộ rất nhanh ở trường Hoa Xuyến Chi. Vậy mà anh lại đón cháu về nhà, anh không lo rằng cháu sẽ quay trở về thói cũ, nếp cũ và thụt lùi? – Giám đốc Vũ Đức hỏi Chiến - Thưa anh, vợ chồng chúng tôi rất biết ơn anh, đặc biệt là thầy Tuệ Tâm đã giúp cháu đổi đời. Hiện nay cháu đã phát triển được năng lực riêng, chúng tôi tin tưởng là cháu sẽ vững vàng tiến bộ. Xin chia sẻ với anh, là trong hai năm qua, vợ tôi cũng đã đi học những khóa đào tạo về dạy trẻ tự kỷ cả trong và ngoài nước. Cô ấy quyết tâm đứng ra thành lập một trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ, và trung tâm này sẽ có hạt nhân là cháu Khôi. Cháu sẽ cùng mẹ dạy cho các em nhỏ tự kỷ có hoàn cảnh như cháu. Vợ chồng chúng tôi đã quyết định rời nhà vào Huế để sinh sống và thành lập trung tâm ở đó. Chúng tôi cũng xin phép Thầy Tuệ Tâm cho Khôi được sử dụng phương pháp của thầy Tuệ Tâm trong huấn luyện trẻ tự kỷ.

Trầm ngâm một lát, thầy Tuệ Tâm trả lời: Kế hoạch của anh chị dành cho Khôi rất hứa hẹn. Chúng tôi không mong gì hơn việc Khôi, hay bất cứ trò nào của trường Hoa Xuyến Chi có đủ năng lực để rời trường và thành lập một cơ sở giáo dục tương tự dành cho các trẻ tự kỷ. Khôi và trung tâm ấy sẽ là cánh tay nối dài của Hoa Xuyến Chi tới Huế. Hãy đưa Khôi đi và khi có bất cứ khó khăn nào, anh chị có thể liên lạc với chúng tôi hoặc đưa Khôi trở lại đây.

Vũ Đức khá ngạc nhiên khi thầy Tuệ Tâm lại có thể đồng ý để Khôi ra đi. Dẫu rằng Khôi là trường hợp học trò tự kỷ đầu tiên đến với thầy Tuệ Tâm, và cũng là đứa trẻ gợi lên trong thầy Tuệ Tâm một ý tưởng, để thầy lập nên trường Hoa Xuyến Chi, và sáng tạo ra phương pháp thiền động giúp cân bằng trẻ tự kỷ. Khôi đã trở thành biểu tượng cho thành công của thầy trong một lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Và cũng không thể phủ nhận một điều, rằng Khôi đang là nhân tố có sức hút mạnh mẽ của trường Hoa Xuyến Chi.

Khôi ra đi, là để trở về - Thầy Tuệ Tâm nói, vỗ vai Vũ Đức khi thấy anh thẫn thờ nhìn theo bóng Khôi cao vổng lên, đi giữa bố và mẹ, xa dần. Chúng ta sẽ dần tạo nên một hệ sinh thái của người tự kỷ.

'Tinh hoa Việt Nam' là chương trình thực cảnh đặc sắc về văn hóa Việt Nam'Tinh hoa Việt Nam' là chương trình thực cảnh đặc sắc về văn hóa Việt Nam
Bài phát biểu nổi tiếng về sách vẫn còn nguyên giá trị sau gần 100 nămBài phát biểu nổi tiếng về sách vẫn còn nguyên giá trị sau gần 100 năm
Bảo tồn và phát triển Văn hóa Huế - Con người HuếBảo tồn và phát triển Văn hóa Huế - Con người Huế

Kiều Bích Hậu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan