Quyết không lên bờ khi chưa thấy xác nạn nhân

22:57 | 24/10/2013

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Ngay khi nhận được yêu cầu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội về việc truy tìm xác chị Lê Thị Thanh Huyền, chúng tôi đã huy động lực lượng, phương tiện vào cuộc tìm kiếm. Xác người thì nhỏ bé, dòng sông thì mênh mông, khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn làm, anh em trong tổ tìm kiếm đều quyết tâm tìm bằng được mới thôi. Mỗi ngày trôi qua, khi tung tích xác nạn nhân vẫn chưa thấy, bản thân tôi cảm thấy bứt dứt như chưa làm được việc đó”.

>> Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường không có chuyên môn thẩm mỹ

>> Thực nghiệm hiện trường vụ phi tang xác bệnh nhân ở thẩm mỹ viện Cát Tường

>> Bác sĩ - Giám đốc của thẩm mỹ viện là nghi can chính

>> Vụ phi tang xác bệnh nhân ở thẩm mỹ viện: Khởi tố vụ án với ba tội danh

Đó là những lời chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Cương - Phó trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68, Công an Hà Nội) vào sáng ngày 24/10, tại khu vực bến phà Trần Phú, khi đang chỉ huy lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (ở số 36 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Có mặt tại khu vực bến phà Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội), tôi mới cảm nhận được sự khó khăn, vất vả đến chừng nào trong công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Sông Hồng mênh mông, để tìm một xác người chẳng khác nào việc “mò kim đáy biển”. Nhưng không phải vì thế mà lực lượng tìm kiếm trở nên nản chí. Với quyết tâm “không tìm được thì không lên bờ”, chiếc ca nô tìm kiếm của Phòng PC68 do Trung tá Nguyễn Văn Hải – Đội phó Đội tuần tra số 3 (PC68) điều khiển gầm rú trên mặt nước để quan sát dòng chảy, bất kỳ chỗ nào có tia hy vọng là chiếc ca nô lướt đến.

Chiếc ca nô do Trung tá Nguyễn Văn Hải điều khiển đã rà soát khắp dòng chảy dài hàng trăm cây số.

 Có mặt ở bến phà Trần Phú để chỉ huy trực tiếp lực lượng tìm kiếm, Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho biết: “Tối ngày 20/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội có thông báo về việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường  - Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ném xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng để phi tang và yêu cầu Phòng PC68 hỗ trợ tìm kiếm. Ngay khi nhận tin báo, Phòng PC68 đã huy động lực lượng và phương tiện của Đội tuần tra cảnh sát số 3 vào cuộc. Đến chiều ngày 22/10, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa phát hiện được bất kỳ một dấu vết nào về tung tích nạn nhân”.

“Để thuận lợi cho công tác tìm kiếm, tôi đã trực tiếp gọi điện hỏi đồng chí Giáp (Đại tá Dương Văn Giáp – Trường phòng CSĐT tội phạm về TTXH – PV) về nơi nạn nhân bị vứt xuống sông Hồng thì được biết, tại thời điểm ném, hung thủ không buộc đá, trói tay hay quấn chăn lên người nạn nhân. Nạn nhân mặc quần áo để đến trung tâm thẩm mỹ như thế nào thì bị ném xuống sông trong tình trạng như thế đó. Từ những thông tin này, lực lượng tìm kiếm đã lên kế hoạch và khoanh vùng nạn nhân có thể trôi dạt đến” – Thượng tá Nguyễn Văn Cương nói.

Theo lời vị chỉ huy công tác tìm kiếm, từ tối ngày 20/10 đến nay (tức 24/10), lực lượng tìm kiếm thuộc Đội tuần tra cảnh sát số 3 đã thay nhau đi dọc hạ lưu sông Hồng (từ cầu Thanh Trì xuống Hà Nam) để tìm kiếm. Quãng đường dài gần 100 cây số này đã được lực lượng tìm kiếm đi qua, đi lại gần chục vòng nhưng vẫn chưa có tín hiệu nào về nạn nhân. Bên cạnh đó, để thuận lợi cho công việc tìm kiếm, Phòng PC68 đã thông báo cho các chủ phương tiện và những người sống bằng nghề chài lưới trên sông nếu phát hiện thì thông báo cho cơ quan công an.

Một chiếc thuyền đánh cá của dân vạn chài đang tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

“Việc tìm kiếm thi thể nạn nhân không chỉ là công việc, trách nhiệm thực thi công vụ của chúng tôi mà nó cũng thể hiện cái tâm, cái đức, cái tình giữa người với người. Mỗi ngày trôi qua, xác nạn nhân vẫn chưa tìm thấy, chính bản thân tôi cũng thấy sốt ruột và tự nhủ với bản thân mình rằng, chưa làm xong việc nên chưa được nghỉ” – Thượng tá Nguyễn Văn Cương nói.

“Với kinh nghiệm nhiều năm trong quá trình tìm kiếm thi thể ở dưới nước, tôi có thể phán đoán rằng, sau khi nạn nhân bị ném xuống nước và đến lúc này cát đã vùi xác nạn nhân khoảng 1m. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân phải căn cứ vào mực nước sông. Trường hợp thi thể nạn nhân bị ném vào luồng chảy thì có thể bị trôi xa. Công an Hà Nội đã liên lạc với lực lượng của tỉnh bạn để tìm kiếm. Nếu bị cuộn vào đâu đó thì sẽ có phương án xác định nơi có vòng xoáy, vật cản để triển khai tìm kiếm. Quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm nạn nhân là thi thể phải nổi” - Thượng tá Cương khẳng định.

Với quyết tâm không đầu hàng thủy quái, cầm trên tay chiếc bánh mỳ đang ăn dở, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn – Đội phó Đội tuần tra số 3 vẫn ngước mắt nhìn ra giữa dòng chảy mong thấy một cái gì đó lập lờ trôi giữa dòng, thế nhưng mọi tia hy vọng vẫn chưa hé mở. “Công tác tìm kiếm là nhiệm vụ hàng đầu, mấy đêm nay tôi đều lái ca nô chạy dọc sông Hồng để tìm kiếm nhưng đều không thấy. Hễ ở đâu có thông tin là chúng tôi đến kiểm tra ngay... Lương tâm anh em chúng tôi cũng như người nhà nạn nhân vậy. Khó khăn đến mấy, anh em chúng tôi cũng phải tìm thấy thi thể nạn nhân, lúc đó lương tâm mới thoải mái được” – Trung tá Chuẩn nói.

"Hiện các tổ tìm kiếm vẫn được duy trì 24/24h đến khi nào thấy thì thôi. Ngoài việc rà soát dọc tuyến từ cầu Thanh Trì về Hà Nam, lực lượng chức năng còn tập trung vào những trọng tâm, có dòng nước xoáy nghi ngờ xác có thể dạt vào" - Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định. 

Sau buổi sáng nỗ lực tìm kiếm, Thượng tá Nguyễn Văn Cương (áo trắng ngồi ngoài) cùng tổ tìm kiếm mượn tạm nhà dân để ăn trưa bằng bánh mỳ.

Không chỉ riêng các chiến sỹ thuộc Phòng PC68 vào cuộc tìm kiếm mà người dân vạn chài sống dọc hai bờ sông (thuộc địa phận quận Hoàng Mai và Thanh Trì) cũng vào cuộc trợ giúp cơ quan chức năng trong công tác tìm kiếm. Có mặt trong tổ tìm kiếm, bác Nguyễn Dũng (53 tuổi, dân vạn chài gần bến đò Trần Phú) chia sẻ: “Đây cũng là việc làm cần thiết, nó thể hiện tình người nên đêm nào tôi cũng chèo thuyền đi giăng lưới để tìm kiếm”.

Tuy nhiên, bác Dũng cũng đưa ra giả thiết về việc xác nạn nhân chưa nổi lên mặt nước. Chứng minh về điều này, người đàn ông vạn chài cho rằng, nếu thời tiết mùa hè thì khoảng 3 ngày là xác nạn nhân đã nổi lên mặt nước, nhưng do mùa này thời tiết đã se se lạnh nên phải 1 tuần mới nổi lên được. Có nhiều vụ tự tử vào mùa đông, xác chìm sâu dưới nước phải đến 30 ngày mới nổi. Và cũng có xác thì 21 ngày hoặc 9 ngày sẽ nổi.

Anh Nguyễn Viết Vần nói về công tác tìm kiếm.

Còn một dân chài khác tên Nguyễn Viết Vân (51 tuổi) chia sẻ: Tôi là người sinh ra và lớn lên ở sông nước, cuộc sống của tôi gắn liền với con sông Hồng. Từ nhỏ đến giờ, tôi cũng chẳng thể nào nhớ nổi bản thân đã vớt được bao nhiêu xác chết trôi sông. Theo kinh nghiệm sông nước của tôi thì xác chị Huyền chưa nổi lên mặt nước. Nếu một người nhảy cầu tự tử, trong quá trình nhảy xuống họ hoảng hốt nên không khí trong lồng ngực nhiều, những người này không bị chìm sâu mà lập lờ và rất nhanh nổi. Còn chị Huyền đã tử vong rồi mới bị ném xuống, trong lồng ngực không có không khí, cộng với độ cao từ trên cầu xuống, chắc chắn cái xác sẽ chìm xuống tận đáy sông. Sông mùa này rất lạnh, cái xác chìm xuống chẳng khác nào ngâm trong tủ lạnh nên chưa thể phân hủy để trương to ra mà nổi lên được.

Mặc dù giả thiết được đưa ra rất nhiều nhưng lực lượng tìm kiếm vẫn ngày đêm lênh đênh trên mặt nước, đi dọc sông hồng để tìm kiếm. Với hy vọng, một lúc nào đó sẽ nhận được tin báo của các phương tiện lưu thông trên sông về tung tích của chị Huyền.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc