Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tương lai cho 9 triệu dân

11:19 | 18/08/2011

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mong muốn xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành thành phố xanh phát triển bền vững về môi trường, thành phố văn hiến cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, thành phố văn minhhiện đại gắn với phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem mô hình quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Những người tham gia xây dựng đồ án và cư dân của thủ đô Hà Nội đang kỳ vọng về nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Vấn đề đặt ra là tương lai phát triển của Hà Nội sẽ như thế nào khi khu vực trung tâm hiện đang có mật độ dân số rất cao với khoảng 2,5 triệu người và dự kiến là 9,4 triệu người vào năm 2030?

Thủ đô Hà Nội trên quy hoạch

Sau gần ba năm triển khai thiết kế, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 29/7 tại Hà Nội.

Hiện thực hóa tương lai của thủ đô 1.000 năm tuổi, Hà Nội sẽ tiếp tục là thủ đô có quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa-khoa học-công nghệ và giáo dục quan trọng của cả nước, đồng thời là trung tâm kinh tế-dịch vụ-thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, theo Nghị quyết 15/NQ/QH12 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, đã sáp nhập thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây cũ, bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc).

Ý tưởng xây dựng đồ án được hình thành trên cơ sở hiện trạng và định hướng phát triển sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế và mang lại tính khả thi cao.

Không gian vùng thủ đô Hà Nội được thiết kế theo mô hình chùm đô thị, với Hà Nội là đô thị hạt nhân (hay còn gọi là đô thị trung tâm) đa chức năng, năm đô thị vệ tinh bao quanh có chức năng riêng biệt hỗ trợ đô thị hạt nhân phát triển.

Ngoài ra, còn có các đô thị đối trọng là thành phố thủ phủ của các tỉnh xung quanh Hà Nội.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc đảm nhiệm chức năng khoa học-công nghệ và đào tạo.

Đô thị Sơn Tây có chức năng văn hóa, lịch sử du lịch nghỉ dưỡng, trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây và làng cổ Đường Lâm.

Đô thị Xuân Mai có chức năng dịch vụ-công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa…

Đô thị Sóc Sơn tập trung phát triển dịch vụ, khai thác tiềm năng cảng hàng không, hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc.

Theo quy hoạch, đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, khu nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 và khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng đến Nam sông Cà Lồ.

Điểm đặc biệt của đồ án là hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ; vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm.

Khu vực xanh này chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên của thủ đô Hà Nội.

Hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch là trục không gian cảnh quan trung tâm, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa để tổ chức các sự kiện giải trí lớn.

Ngoài ra, sẽ xây dựng bảy tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh, tám cầu và hầm ngầm qua sông Hồng.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Vũ Thị Vinh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định cảnh quan hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo nên vẻ đẹp hiện đại và không gian tốt cho Hà Nội.

Đây cũng là mong muốn lớn của người dân thủ đô vì trên thế giới, một thành phố quy mô lớn về diện tích, dân số và mật độ đô thị như Hà Nội mà có một dòng sông như thế là không nhiều. Đây là điều rất giá trị và cần tận dụng lợi thế.

Những vấn đề đặt ra từ thực tế

Nội dung được quan tâm nhất của đồ án quy hoạch thủ đô là trung tâm hành chính quốc gia sẽ tiếp tục được đặt tại Ba Đình, thay vì trước đó dự kiến đưa lên Ba Vì, đã gây nhiều tranh cãi và bất bình trong dư luận.

Đặt ra bài toán về nhà ở cho người dân thủ đô Hà Nội khi đến năm 2030, nguyên Bộ trưởng Quân cho biết, diện tích bình quân nhà ở tại khu vực đô thị tối thiểu sẽ phải đạt 30m2/người và nông thôn là 25m2/người.

Nhà nước sẽ có chính sách tạo điều kiện cho người dân tự cải thiện nhà ở và đời sống.

Mỗi năm, Hà Nội phát triển thêm từ 5 đến 6 triệu m2 nhà ở nên với tốc độ gia tăng dân số khoảng 2,5 đến 3%/năm thì năng lực phát triển quỹ nhà ở sẽ không là vấn đề quan ngại.

Các đô thị sẽ tập trung phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê và dần thay đổi tâm lý chuộng nhà liền thổ. Điều đó phù hợp với các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo môi trường và không làm ảnh hưởng tới diện mạo đô thị.

Việc kiến thiết hai bên bờ sông Hồng cũng cần phải nghiên cứu lại với ý tưởng của các nhà tư vấn, là quan điểm của Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, bởi đây là nơi tập trung nhiều khu dân cư với vài chục vạn người sinh sống tự phát và lộn xộn.

Cải tạo khu vực này cũng nên xem xét thực trạng đó, tính toán xem họ sẽ đi đâu, làm sao và có tình nguyện hay không? Nếu thiếu thực tế này, ý tưởng xây dựng khu nghỉ ngơi, công viên, trồng cây cối… sẽ thiếu tính khả thi và mãi chỉ nằm trên giấy.

Câu chuyện xây dựng hầm ngầm qua sông Hồng cũng được nhiều người quan tâm và đòi hỏi lý lẽ thuyết phục. Để làm gì khi thực lực kinh tế có hạn và còn nhiều hạng mục, nhiều công trình thiết yếu hơn cần được đầu tư.

Ngay giới chuyên môn như Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó giáo sư – Tiến sỹ Vũ Thị Vinh… đều có chung quan điểm, Hà Nội chẳng có nhu cầu hầm ngầm, ngoài việc làm đẹp bởi thông thuyền tuy có nhưng chỉ ở quy mô nhỏ.

Sau khi phê duyệt, đồ án sẽ được thực hiện như thế nào cũng là câu hỏi đặt ra với các cơ quan chức năng và lãnh đạo chính quyền thành phố Hà Nội.

Theo nguyên Bộ trưởng Quân, đồ án chỉ dừng lại ở góc độ định hướng không gian, mô hình phát triển và các chỉ tiêu căn bản để quản lý như tỉ lệ hành lang xanh, mật độ xây dựng… chứ chưa thấy rõ mức độ cụ thể về quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho từng vùng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định rằng, thành phố đang khẩn trương triển khai các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết và quy hoạch chung các huyện thị, thiết kế không gian đô thị để làm cơ sở đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn trong thời gian tới.

Phấn đấu làm sao theo hướng xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh-văn hiến-văn minh và hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo TTXVN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc