Quảng bá du lịch bằng giá trị văn hóa truyền thống

05:55 | 25/11/2017

2,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, các sự kiện văn hóa tại thủ đô Hà Nội ghi dấu ấn, bản sắc Việt Nam với bạn bè quốc tế đều khai thác các giá trị truyền thống, tưởng đã “lỗi thời xưa cũ”, mang đậm hồn cốt của Việt Nam.

Ngày 3-11 vừa qua, Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” đã chính thức được khởi động. Đây là dự án dựa trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) và Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015.

Trước khi Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được triển khai, Hà Nội đã xây dựng khá nhiều không gian văn hóa với dấu ấn riêng biệt và khai thác các yếu tố truyền thống, mang đậm những nét riêng của người Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc tới sự kiện văn hóa “Thu Vọng Nguyệt” được tổ chức vào dịp Trung thu năm 2017. Với 3 đêm Thu tinh hoa (29-9), Thu hội ngộ (30-9) và Thu tuổi thơ (1-10), ước tính đã có hàng vạn người ở các độ tuổi tham gia sự kiện, hòa vào không khí trung thu vừa truyền thống vừa hiện đại, cùng vui chơi, ngắm trăng và phá cỗ.

Tại đây, các em nhỏ được làm quen với những trò chơi dân gian như nu na nu nống, ô ăn quan, bịt mắt đánh trống… và học làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm bánh trung thu cổ truyền, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị… Bên cạnh đó, hàng loạt tiết mục biểu diễn nghệ thuật với chèo, ca trù, kết hợp âm nhạc hiện đại ở đêm khai mạc; quan họ hòa phối với nhạc điện tử ở đêm thứ hai; những khúc hát tuổi thơ trong trẻo ở đêm thứ ba… được đánh giá tích cực cả về tính giải trí và nghệ thuật.

quang ba du lich bang gia tri van hoa truyen thong
Trò chơi dân gian “Bịt mắt đánh trống” trong Thu Vọng Nguyệt

Đầu tháng 11-2017, trên sân khấu Asia’s Got Talent, nhóm nhảy 218 đã tạo hình áo dài, nón lá, bộ quần áo bà ba, người lái đò một cách đầy mới mẻ qua điệu nhảy hiphop rộn rã với ánh đèn led độc đáo trên giai điệu “Trống cơm” được hòa âm phối khí trẻ trung, hiện đại.

Công sức bao nhiêu tháng trời miệt mài tập luyện của nhóm nhảy 218 gây ấn tượng bùng nổ đến mức tiết mục mang về hàng chục triệu lượt xem trong cuộc thi tầm cỡ khu vực được chiếu trên kênh quốc tế AXN và được đánh giá là “vô cùng Việt Nam, vô cùng đặc biệt”.

Bên cạnh đó, nhân dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng đã lên kế hoạch giới thiệu không gian “Khoa cử xưa” như một cuộc triển lãm của các nhà thiết kế trang phục và đạo cụ trong phim ảnh của các bộ phim như “Lều Chõng”, “Trò đời”… như lều, chõng, hay sách, nghiên bút…

Đã qua thời chúng ta phải học theo các quốc gia phương Tây, nỗ lực xây dựng những công trình chọc trời, hiện đại để thu hút sự chú ý của khách du lịch. Thông qua những chương trình như “Thu Vọng Nguyệt”, những nét đẹp văn hóa như Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”... chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, có thể quảng bá du lịch và thu hút khách quốc tế bằng chính những đặc điểm riêng có của Việt Nam.

Có thể nói, việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại, ồn ã đã khó, nhưng làm cách nào để truyền bá, “tiếp thị” những giá trị văn hóa ấy tới với bạn bè quốc tế lại là thách thức không nhỏ cho những người làm văn hóa, du lịch. Tận dụng văn hóa truyền thống để quảng bá du lịch không phải điều mới mẻ, bởi trước Việt Nam, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những thành công nhất định và tạo dấu ấn đậm nét trong lòng của khách du lịch, góp phần gìn giữ văn hóa và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Đối với Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian để thu hút du lịch không quá khó, bởi chúng ta có một kho tàng văn hóa truyền thông đa dạng và ấn tượng. Tuy nhiên, các nhà quản lý ngành văn hóa, du lịch cũng cần có sự trau chuốt, cẩn trọng trong việc tổ chức, quảng bá để vừa tránh lãng phí, vừa biến những giá trị truyền thống của dân tộc thành những tác phẩm mới mang dấu ấn thời đại, giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Vẻ đẹp của Hà Nội xưa cũ và nét thanh lịch, hiện đại của thủ đô ngàn năm văn hiến đã và đang được tái hiện qua những bức tranh bích họa trên các ô vòm trên phố Phùng Hưng và hứa hẹn sẽ trở thành không gian văn hóa ấn tượng của thủ đô.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.