Xung quanh việc sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng:

Quan trọng vẫn là ý thức chấp hành của người dân

16:18 | 16/08/2012

922 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nghị định 52/2012/NĐ của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã có hiệu lực gần một tuần, theo quy định, người sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động (ĐTDĐ) và các thiết bị điện tử, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở cây xăng… sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng. Nhưng một số người vẫn vô tư sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng, còn chế tài xử phạt không có và cấp cơ sở chưa nhận được văn bản hướng dẫn về việc xử phạt, cũng như không biết thẩm quyền được giao đến đâu… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn nghiệp vụ PCCC - Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, có phải trước khi có Nghị định 52/2012/NĐ (NĐ 52) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, thì đã có quy định cấm sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Đúng như vậy, để bảo đảm an toàn về công tác phòng cháy tại các công trình xăng dầu, trong đó có các cây xăng… thì đã có quy định cấm không được sử dụng ĐTDĐ, máy nhắn tin, camera, máy ảnh và các thiết bị điện tử khác cùng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt tại đây. Chỉ có điều, trước đây chưa có quy định xử phạt hành vi vi phạm. Nay, tại Điều 11 của NĐ 52 của Chính phủ quy định cụ thể: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi mang diêm, bật lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm. Khoản 3 cũng ghi rõ: Phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng nguồn lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm…”.

Hai ngày sau khi Nghị định 52 có hiệu lực

PV: Vậy trước đây, những trường hợp sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng chỉ bị nhắc nhở là chính thưa Thượng tá?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Trước đây khi có quy định cấm không được sử dụng ĐTDĐ, máy nhắn tin, camera, máy ảnh và các thiết bị điện tử khác cùng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt tại các công trình xăng dầu, trong đó có các cây xăng, lực lượng Cảnh sát PCCC đã quán triệt về công tác PCCC đến chủ các cây xăng, chủ cây xăng yêu cầu nhân viên của mình nhắc khách hàng không được sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng. Nhưng sau một thời gian, nhân viên cây xăng cũng quên luôn việc nhắc khách hàng, do đó khách hàng vô tư sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng, ngay cả nhân viên bán xăng cũng “alô” luôn tại cây xăng, điều này rất nguy hiểm. Nay đã có nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này, mọi hành vi vi phạm đều bị xử phạt.

PV: Nhiều người dân hiện vẫn không hiểu hết về mức độ nguy hiểm của việc nghe ĐTDĐ tại cây xăng. Vậy Thượng tá có thể nói rõ hơn điều này?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Khi ĐTDĐ hoạt động trong vùng có khí gas, khí xăng dễ phát cháy, giống như bật lửa trong môi trường có khí gas, có hơi xăng, nguy hiểm thật khôn lường. Ở các cây xăng, hơi xăng vẫn bị rò rỉ... Khi xăng bị rò rỉ, mọi người lại sử dụng ĐTDĐ thì chẳng khác nào bật tia lửa điện châm, đốt xăng, gây cháy, phát nổ tức thì. Nhất là hiện tại có một số cây xăng cũng đang kinh doanh gas.

PV: NĐ 52 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (trong đó có quy định mức xử phạt về hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng) có hiệu lực từ ngày 5-8, như vậy đến nay đã gần 1 tuần trôi qua, nhưng còn có người dân vẫn vô tư gọi ĐTDĐ tại cây xăng, họ nói không biết có nghị định này. Đặc biệt, có cả nhân viên cây xăng vẫn sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng. Có thể lý giải việc này thế nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Như đã nói ở trên, trước đây đã có quy định về cấm sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng. Và trước khi NĐ 52 có hiệu lực, các cơ quan thông tin đại chúng đều tuyên truyền rất nhiều về vấn đề này, nên người dân không thể không biết. Khi NĐ 52 có hiệu lực, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các phòng nghiệp vụ triển khai thực hiện quy định xử phạt hành vi nghe ĐTDĐ ở khu vực cấm, nhất là các cây xăng. Đồng thời, sở đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện quy định của NĐ 52. Quan điểm của sở là, trước mắt tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định. Vì vậy, người dân cần phải tự giác chấp hành pháp luật. Nếu sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng mà gây cháy nổ, thì chính họ là người bị nguy hiểm đến tính mạng nhất, sau đó đến những người xung quanh. Ngoài ra, họ còn gây thiệt hại về tài sản của mình và của cây xăng.

Việc người dân vẫn vô tư gọi ĐTDĐ tại cây xăng, trách nhiệm còn thuộc về người phụ trách (hoặc ông chủ) của các cây xăng, bởi họ không làm tròn trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, yêu cầu nhân viên nhắc người dân không được sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng. Nếu ai phát hiện nhân viên của cây xăng vẫn sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng thì báo ngay cho Cơ quan Công an sở tại để xử lý kịp thời. Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng trên địa bàn thành phố.

Biển báo tại cây xăng

PV: Vậy các anh có thể túc trực tại các cây xăng 24 giờ trong ngày để kiểm tra, xử phạt người vi phạm được không?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Ở các quận, huyện của thành phố đều có lực lượng Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ tại địa bàn và có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm về PCCC tại cây xăng trên địa bàn mình quản lý. Nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC không chỉ có mỗi nhiệm vụ kiểm tra tại các cây xăng, mà còn nhiều nhiệm vụ khác.

Theo quy định, thì chính quyền cấp cở sở cũng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về công tác PCCC tại cây xăng thuộc địa bàn của mình. Nhưng biện pháp chủ yếu vẫn tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành quy định không sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng. Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng PCCC ở các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của NĐ 52 đến các phường, xã. Đề nghị các báo, đài cùng chúng tôi tuyên truyền nhiều hơn nữa về quy định này cho người dân hiểu rõ hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng NĐ 52 quy định rõ ràng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm, nhưng lại chưa có chế tài buộc người vi phạm phải thực hiện - Đây có phải là điều bất cập, gây khó khăn cho người thi hành nhiệm vụ không?

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn: Chưa có chế tài xử phạt quả thực là khó đối với người thi hành nhiệm vụ. Nhưng người dân nên tự giác chấp hành quy định cấm gọi ĐTDĐ tại các cây xăng. Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm chỉ là biện pháp thứ yếu và chỉ thực hiện đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Mỗi người dân phải hiểu rằng, việc sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng không chỉ bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng, nếu xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, thì người đó còn vi phạm Luật PCCC và cả Luật Hình sự nữa...

PV: Xin cảm ơn Thượng tá.

Vẫn còn nhiều người thiếu ý thức

“Hiện tại, khi phát hiện một số người dân đến mua xăng vẫn nghe ĐTDĐ, chúng tôi yêu cầu họ tắt máy để bảo an toàn. Có người vội vàng tắt ngay ĐTDĐ, nhưng có người tỏ ra khó chịu vì bị chúng tôi nhắc nhở, họ chỉ đứng cách xa cột bơm xăng một chút rồi lại tiếp tục sử dụng điện thoại. Thật là người  thiếu ý thức”.

 Anh Nguyễn Văn Nam
(Nhân viên cây xăng đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình)

Các cây xăng nên treo biển thông báo

“Quận của tôi là nơi có nhiều cây xăng nhất trong địa bàn nội thành TP Hà Nội, để phòng chống cháy nổ tại các cây xăng do mọi người sử dụng ĐTDĐ, trong khi ý thức chấp hành của nhiều người dân còn kém, đề nghị các cây xăng ngoài việc nhắc người dân, nên treo những tấm biển thông báo ở nơi thuận tiện nhất để người đến mua xăng biết, tự giác không sử dụng ĐTDĐ. Điều này sẽ tạo thói quen mới cho mọi người. Nếu người nào không chấp hành, nhân viên cây xăng yêu cầu họ tắt ĐTDĐ thì mới bán xăng”.

Anh Trần Hoàng Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Để bảo đảm tính mạng, tài sản cho mọi người

“Trên địa bàn chúng tôi quản lý có cây xăng nằm trên đường Yên Phụ, quận Ba Đình. Đây là cây xăng nằm sát nhiều khu phố chật hẹp, đông dân, hàng ngày lưu lượng người và phương tiện ra vào đây mua xăng rất lớn. Nếu người dân đến cây xăng mà không tự giác chấp hành quy định cấm sử dụng ĐTDĐ tại đây thì nguy cơ cháy nổ rất cao.

Hiện phường chúng tôi sẵn sàng phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về quy định PCCC tại cây xăng này, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho mọi người”.

Trung tá Hoàng Ngọc Quyết
(Trưởng Công an phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình)


Vĩnh Yên (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 146, ra thứ Ba ngày 14/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc