Quan hệ Trung – Triều thời “hậu … nhiệt hạch”?

07:00 | 08/01/2016

4,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người ta có thể trở mặt với bạn bè, đồng chí nhưng không thể từ bỏ “anh em” của mình, cho dù có bị họ gây phiền hà, làm mất mặt. Đó là trường hợp của quan hệ Trung – Triều.
quan he trung trieu thoi hau nhiet hach
Thông tin Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch được đông đảo dư luận quan tâm và theo dõi qua truyền thông trong mấy ngày gần đây

Thái độ và phản ứng của Trung Quốc là điều được dư luận và giới quan sát quan tâm nhất sau sự kiện Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H), bởi nói gì thì nói, Bắc Kinh vẫn là đồng minh duy nhất và lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Ngay sau vụ thử bom của Triều Tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phân trần với truyền thông rằng Bắc Kinh không hề biết trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, đồng thời khẳng định Trung Quốc phản đối mạnh hành động của Bình Nhưỡng.

Tiếp đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng một loạt bài xã luận có nội dung mang tính răn đe đối với Triều Tiên.

Hãng Tân Hoa Xã nói rằng vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên là đi ngược lại mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân và bất kỳ hành động nào gây mất ổn định ở khu vực Đông Bắc Á là điều “không ai mong muốn và thiếu sáng suốt”.

Còn Thời báo Hoàn Cầu viết: “Tất cả những gì mà thứ vũ khí hạt nhân đó cho thấy là một tinh thần đã lỗi thời mà không phù hợp với thế giới toàn cầu hóa”.

Tờ báo còn đưa ra lời khuyên với “người anh em” bên kia sông Áp Lục rằng: “Nếu Bình Nhưỡng quyết tâm phát triển nền kinh tế của mình, thì họ nên hòa nhập với thế giới bên ngoài, bao gồm phương Tây. Vũ khí hạt nhân không phải là giải pháp cho những khó khăn trong nước... Vụ thử hạt nhân mới này may chăng chỉ có thể gây cảm hứng cho Triều Tiên trong một thời gian ngắn. Nhưng vụ thử sẽ dẫn tới sức ép lớn hơn từ Liên Hiệp Quốc và thêm lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Môi trường quốc tế đối với Triều Tiên sẽ xấu đi, và các lực lượng bên trong cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên sẽ bị hạn chế”.

Thoạt nhìn, nhiều người đã cho rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ xấu đi trong thời gian tới sau khi bị Bình Nhưỡng “qua mặt” thử nghiệm bom nhiệt hạch, nhất là khi đọc báo nhà nước Trung Quốc và nghe từ miệng các đại diện ngoại giao của Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế lại có một quan điểm và kiến giải khác về việc này.

Tiến sỹ Lee Chang-ju, Đại học Fudan, dẫn câu chuyện của năm 2009, khi Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Ôn Gia Bảo đã đến thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm 4 tháng sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên. Trong chuyến thăm này, ông Ôn đã quyết định sẽ hợp tác với Triều Tiên trong nhiều chương trình kinh tế và phát triển dọc theo biên giới Trung – Triều. Ngay trước chuyến thăm trên của ông Ôn, kế hoạch phát triển vùng Đông Bắc của Trung Quốc đã được nâng cấp như một dự án quốc gia.

“Trung Quốc không thể từ bỏ Triều Tiên”, ông Lee nhận định.

Quả thật, sự phát triển hiện tại của quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, đặc biệt thể hiện qua thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ giải sầu” mới đây, đang là một thách thức với Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do khiến Bắc Kinh càng phải đẩy mạnh quan hệ với Bình Nhưỡng – “cái gai” trong mắt Mỹ và “vật cản” đối với sự ổn định, phát triển của Hàn Quốc, Nhật Bản – những đối thủ khu vực của Trung Quốc.

Chẳng qua, giữa hai nước đồng minh này đang có những khúc mắc do xung đột về nhu cầu. Trung Quốc đang muốn phấn đấu trở thành một siêu cường thế giới, một nhà lãnh đạo toàn cầu, trong khi Triều Tiên lại muốn được đường đường chính chính sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân để “tự vệ” trước Mỹ và các đối thủ khác.

Xung đột này được cho là có liên quan đến việc ban nhạc nữ Moranbong nổi tiếng của Triều Tiên - vốn được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân cử sang biểu diễn tại Trung Quốc lại đột ngột hủy bỏ lịch biểu diễn và rời Bắc Kinh về nước hôm 12/12 năm ngoái, bất chấp 10.000 vé mời đã được phát ra.

Cần phải nhắc lại rằng, trước khi vụ việc trên xảy ra, ngày 10/12/2015, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong - un bất ngờ tuyên bố: Triều Tiên đã trở thành quốc gia sở hữu bom nguyên tử và bom nhiệt hạch do mình tự nghiên cứu chế tạo, sẵn sàng sử dụng chúng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và tôn nghiêm dân tộc. 

Sau đó, ngày 11/12 bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trong cuộc họp báo: “Hiện nay tình hình bán đảo Triều Tiên rất phức tạp và nhạy cảm, thậm chí rất mong manh. Trung Quốc hy vọng nước đương sự hãy làm những điều giúp làm dịu tình hình. Phía Trung Quốc nhất quán chủ trương thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì giữ gìn hòa bình ổn định, thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết vấn đề. Trung Quốc mong các bên liên quan có nỗ lực mang tính xây dựng để giữ gìn hòa bình ổn định ở bán đảo và sớm khởi động lại cuộc hội đàm 6 bên” (Tuy nhiên, sau đó trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lược bỏ câu “Trung Quốc hy vọng nước đương sự hãy làm những điều giúp làm dịu tình hình”).

Xâu chuỗi các sự kiện này, cùng với tuyên bố hôm qua (6/1) của Bình Nhưỡng về việc ông Kim Jong-un đã ra lệnh tiến hành thử bom nhiệt hạch vào ngày 15/12/2015, có thể thấy giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã có mâu thuẫn xung quanh quyết định thử hạt nhân của Triều Tiên.

“Trung Quốc có thể đã nghĩ rằng họ đã “xoa dịu” khả năng thử hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng tin rằng Bắc Kinh đã chấp nhận vụ thử hạt nhân. Điều đó gây ra tranh cãi về nội dung, chương trình hoạt động của ban nhạc Moranbong, mà kết quả là họ đã đột ngột bỏ về nước”, ông Cho Han-bum – một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện thống nhất quốc gia của Hàn Quốc nhận định.

Tuy nhiên, mối bất hòa này không thể khiến quan hệ Trung – Triều gián đoạn đột ngột được. Cái Trung Quốc cần là sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên sẽ không xảy ra và quân đội Mỹ sẽ không thể dựa vào phần phía bắc của bán đảo này để uy hiếp Trung Quốc giả như công cuộc thống nhất 2 miền Triều Tiên thành công.

Bắc Kinh không bao giờ muốn hai miền Nam - Bắc Triều Tiên thống nhất cũng như xưa kia đã từng không muốn Việt Nam thống nhất. Nói một đằng, làm một nẻo và luôn tìm cách để quốc gia khác suy yếu, đó là bản chất bất di bất dịch của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ phải mất một thời gian nữa để đánh giá giá trị chiến lược của Bình Nhưỡng, trước khi họ có thay đổi chính sách nào.

Rõ ràng, người ta có thể trở mặt với bạn bè, đồng chí nhưng không thể từ bỏ “anh em” của mình, cho dù có bị họ gây phiền hà, làm mất mặt, nhất là khi “người anh em” của họ lại có một vị trí chiến lược quan trọng, sở hữu những món đồ lợi hại thi thoảng lôi ra “chơi”. Còn “người anh em” thì cũng biết giá trị của mình tới đâu, công cụ chiến lược để tự vệ của mình là gì, để lấy đó làm con bài mặc cả với đối phương. Đó là trường hợp quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên.

quan he trung trieu thoi hau nhiet hach

[VIDEO] Triều Tiên thử bom nhiệt hạch như thế nào?

Quả bom nhiệt hạch, được chôn ở độ sâu khoảng 800 m, phát nổ tạo ra cơn địa chấn mạnh tương đương trận động đất 5,1 độ Richter cùng một miệng hố lớn trên mặt đất.

quan he trung trieu thoi hau nhiet hach

Triều Tiên - một 'cường quốc hạt nhân đầy đủ'

Như Petrotimes đã thông tin, nhờ có trữ lượng vô cùng lớn quặng phóng xạ trong lòng đất và được Liên Xô giúp đỡ từ đầu về mặt khoa học kỹ thuật, CHDCND Triều Tiên đã sớm thực hiện chương trình hạt nhân với nhiều tiến bộ vượt bậc. Đến nay, sau khi thử thành công vũ khí nhiệt hạch vào ngày 6/1/2016, Triều Tiên gần như đã hoàn thành giấc mộng “tranh hùng nguyên tử”.

quan he trung trieu thoi hau nhiet hach

[Chùm ảnh] Sức công phá khủng khiếp của bom nhiệt hạch

Hôm qua (6/1), CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H). Bom H cũng là một loại bom nguyên tử, nhưng có sức công phá mạnh gấp nhiều lần, song ít phổ biến hơn.

quan he trung trieu thoi hau nhiet hach

Cả Trung Quốc và Mỹ đều bị Triều Tiên lừa

Cả thế giới đều bất ngờ trước vụ Triều Tiên thử hạt nhân sáng nay, 6/1. Với Trung Quốc, đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng, thì đây là vố đau cho uy tín của mình. Còn Mỹ thì tìm cách “chữa ngượng” khi nói rằng Triều Tiên không phải thử bom H.

quan he trung trieu thoi hau nhiet hach

Phản ứng quốc tế với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Sau tuyên bố của Triều Tiên về việc thử thành công bom nhiệt hạch, Nhật Bản đã ngay lập tức lên tiếng về hành động này.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc