PVN chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

06:40 | 27/05/2018

1,633 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Qua tìm hiểu và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xác định không phải là doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ nền tảng CMCN 4.0, mà tiếp cận với CMCN 4.0 theo hướng trước hết là tồn tại, theo kịp và sau đó là tiếp nối con đường CMCN 4.0.

Ông Hoàng Thế Dũng - Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ PVN: PVN chủ động tham gia vào CMCN 4.0

pvn chu dong tiep can cach mang cong nghiep 40

Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 đã nêu rõ: Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến.

Ngay khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã nhanh chóng phổ biến đến các đơn vị để nghiên cứu, tìm hiểu và tìm giải pháp đưa CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Trong năm 2017, Tập đoàn và các đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động mà nhiệm vụ trọng tâm là tìm hiểu, nâng cao nhận thức về CMCN 4.0 như: Thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng liên quan đến nội dung CMCN 4.0; Cử nhiều lượt cán bộ tham gia các hội thảo lớn chuyên đề về CMCN 4.0 do các bộ, ngành tổ chức; Tổ chức “Hội thảo CMCN 4.0 và ứng dụng trong khâu sau” chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh các đơn vị có nhà máy chế biến Dầu khí” với sự tham gia của tất cả các đơn vị khâu sau; PVN và các đơn vị đã chủ động phối hợp với một số hãng công nghệ lớn tổ chức các hội thảo chuyên đề về CMCN 4.0, chủ đề chuyên sâu về kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí; Chủ động đưa chuyên đề về CMCN 4.0 vào các chương trình nghị sự của các kỳ họp tiểu ban và Hội đồng KHCN định kỳ trong năm 2017 với nhiều báo cáo để các chuyên gia có ý kiến đóng góp và thảo luận.

Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, PVN và các đơn vị bước đầu đã tăng cường được nhận thức chung về CMCN 4.0, sơ bộ nhận diện được về CMCN 4.0 đối với các lĩnh vực công nghiệp và sản xuất kinh doanh của PVN; đồng thời đã đánh giá những tác động, thách thức và cơ hội của CMCN 4.0 mang lại đối với sự phát triển của PVN.

Định hướng chung trong chủ động tiếp cận với CMCN 4.0 của PVN và các đơn vị là lồng ghép, cập nhật kịp thời các công nghệ CMCN 4.0 vào nội dung các chương trình, kế hoạch đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới.

Cụ thể, CMCN 4.0 có thể tác động trực tiếp đến các đề án, dự án đầu tư phát triển sản xuất và đổi mới, sáng tạo công nghệ của PVN và các đơn vị hiện nay; tác động đến yếu tố về con người - nguồn nhân lực dầu khí và tác động mạnh, trực tiếp vào công nghệ thông tin (CNTT) và tự động hóa ứng dụng trong các hệ thống sản xuất kinh doanh của PVN.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đặt ra những thách thức về vấn đề lao động; an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; về khả năng làm chủ các robot thông minh đưa vào áp dụng; vấn đề đổi mới quan hệ sản xuất phải theo kịp sự thay đổi của phương thức sản xuất khi áp dụng CMCN 4.0. Cùng với thách thức là những cơ hội có thể cải hoán, đổi mới về phương thức sản xuất hiện tại (tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất nhà máy, tiết giảm chi phí); cơ hội để có thể lựa chọn các giải pháp công nghệ (nhà máy thông minh, hệ thống khai thác dầu khí thông minh); áp dụng, đổi mới về mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; hỗ trợ quản lý và ra quyết định bằng xử lý số liệu; cơ hội cải thiện sự an toàn lao động của CBCNV trong môi trường sản xuất khắc nghiệt ngoài biển, môi trường độc hại tại các nhà máy lọc dầu, công trình dầu khí.

pvn chu dong tiep can cach mang cong nghiep 40
Số hóa sẽ là xu hướng phát triển của ngành Dầu khí

Thông qua quá trình tìm hiểu và tiếp cận CMCN 4.0, PVN xác định không phải là doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ nền tảng CMCN 4.0, mà tiếp cận CMCN 4.0 theo hướng trước hết là tồn tại trong cuộc CMCN 4.0, sau đó là theo kịp và tiếp nối con đường CMCN 4.0.

Để áp dụng công nghệ CMCN 4.0 vào thực tiễn PVN hiện nay, thì biện pháp tốt nhất là PVN và các đơn vị phải thực hiện rà soát để lên một kế hoạch thích ứng với nội dung CMCN 4.0, trong đó gồm có: Những nguyên tắc chỉ dẫn trong lập và thực hiện kế hoạch thích ứng; Phương pháp luận trong lập kế hoạch thích ứng là phải gắn liền việc đánh giá, phân tích mối quan hệ giữa những công nghệ nền tảng CMCN 4.0 với hiện trạng và nhu cầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh, chiến lược đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ nhằm mục tiêu tổng quát là tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của các cấp trong triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Cụ thể là thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương (Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10-11-2017), nhiệm vụ trước mắt của PVN và các đơn vị là hoàn thiện nội dung đề cương “Đề án định hướng, chính sách và nhiệm vụ trọng tâm của PVN chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0” để báo cáo, bảo vệ phê duyệt ở các cấp.

Định hướng chung trong chủ động tiếp cận với CMCN 4.0 của PVN và các đơn vị là lồng ghép, cập nhật kịp thời các công nghệ CMCN 4.0 vào nội dung các chương trình, kế hoạch đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới đã, đang và sẽ triển khai; lựa chọn một hoặc một số dự án trọng tâm mới đầu tư, phát triển áp dụng CMCN 4.0, nhằm tận dụng các cơ hội CMCN 4.0 mang lại, đồng thời để theo kịp xu thế phát triển, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu về áp dụng công nghệ; áp dụng CMCN 4.0 vào trong nội dung các chiến lược phát triển của các lĩnh vực có liên quan PVN đã ban hành: Chiến lược nghiên cứu và phát triển KHCN, chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Ông Phạm Thanh Sơn, Phó trưởng ban CNTT Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL): Ứng dụng CMCN 4.0 trong dịch vụ chăm sóc khách hàng

pvn chu dong tiep can cach mang cong nghiep 40

PVOIL xác định cần nắm bắt cơ hội, đón đầu, ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ từ CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh, quản lý để mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các doanh nghiệp trong và nước ngoài. Trước tiên, PVOIL tập trung ứng dụng CNTT, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

Công tác chăm sóc khách hàng hiện nay của các doanh nghiệp xăng dầu lớn trên thị trường đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp xăng dầu nào xây dựng được hệ thống khách hàng thành viên (KHTV) thực sự, thông qua việc hỗ trợ KH được trả nợ sau, mua xăng dầu tại nhiều cửa hàng xăng dầu (CHXD) trên toàn tuyến quốc lộ và hưởng các lợi ích từ chương trình chăm sóc KHTV.

Trên cơ sở đó, PVOIL nhận thấy thế mạnh của mình là hiện có khoảng 1.670 KH trên toàn hệ thống đang thực hiện theo hình thức hợp đồng ký với đơn vị kinh doanh mua hàng trực tiếp qua trụ bơm tại các CHXD, với sản lượng bình quân 11.240m3/tháng, chiếm tỷ trọng khoảng 22% tổng sản lượng xuất bán kênh CHXD. Trong đó, nhóm KH là các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải khoảng 875 KH, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 7.020m3/tháng, chiếm tỷ trọng 62% của các KH ký hợp đồng mua hàng qua trụ bơm CHXD. Đây là nhóm KH có uy tín công nợ và sản lượng tiêu thụ ổn định, có nhu cầu kiểm soát mua xăng dầu và phát sinh công nợ của từng đầu xe trên toàn tuyến quốc lộ.

pvn chu dong tiep can cach mang cong nghiep 40
Chương trình PVOIL Easy giúp khách hàng quản lý giao dịch mua bán xăng dầu

Để có chính sách quản lý, phát triển nhóm đối tượng KH này, ban lãnh đạo PVOIL xác định, cần đưa CMCN 4.0 với các thiết bị cầm tay có khả năng kết nối với giữa người bán hàng và khách hàng để xây dựng mạng lưới bán lẻ xăng dầu, qua đó mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của thương hiệu PVOIL.

PVOIL tập trung ứng dụng CNTT, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quản lý, sản xuất kinh doanh.

Nắm bắt được xu thế ứng dụng mã QR trong bối cảnh bùng nổ Internet và thiết bị di động thông minh như hiện nay, PVOIL đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ này vào việc xây dựng và phát triển hệ thống quản lý KHTV của mình - đặt tên là chương trình PVOIL Easy. Đây là một giải pháp quản lý giao dịch mua bán xăng dầu dành cho các KHTV PVOIL. Theo đó, PVOIL đã ứng dụng giải pháp thẻ điện tử (digital card), đọc QR code trên thiết bị di động của tài xế và nhân viên bán hàng để thực hiện giao dịch mua bán xăng dầu tại các CHXD của PVOIL. Để tham gia chương trình “PVOIL Easy”, KHTV chỉ cần ký hợp đồng với một đơn vị kinh doanh của PVOIL, sau đó có thể mua xăng dầu tại CHXD của đơn vị kinh doanh đó hoặc mua xăng dầu tại bất kỳ CHXD nào trong toàn hệ thống PVOIL trên cả nước nhưng chỉ thanh toán vào cuối kỳ cho đơn vị kinh doanh đã ký hợp đồng.

Giải pháp này giúp cho KHTV của PVOIL được cung cấp công cụ quản lý thông minh, hiện đại cài trên thiết bị di động, kiểm soát giao dịch mọi lúc, mọi nơi; có thể mua xăng dầu tại bất kỳ CHXD nào thuộc PVOIL trong phạm vi toàn quốc; có thể quản lý thời gian, địa điểm, lượng hàng, phương tiện mua hàng, hạn mức giao dịch… của từng nhân viên/tài xế. Nhân viên/tài xế của khách hàng không phải mất thời gian và công sức trong việc quản lý hóa đơn đổ xăng và kiểm soát, đối chiếu giao dịch với kế toán cuối kỳ; khách hàng được cấp hạn mức tín dụng, thanh toán 1 lần vào cuối kỳ.

Với các kết quả đã đạt được từ chương trình PVOIL Easy, tiếp theo PVOIL sẽ tiếp tục mở rộng tích hợp giải pháp hóa đơn điện tử, cung cấp trực tuyến trên phần mềm cho khách hàng; Hoàn thiện các chức năng thu thập số liệu kinh doanh theo đối tượng khách hàng, theo thời điểm… Qua đó, phân tích và đưa ra chiến lược kinh doanh và chương trình chăm sóc khách hàng phù hợp với mỗi nhóm đối tượng khách hàng cụ thể; Mở rộng chương trình với các đối tượng khách hàng không thuộc nhóm doanh nghiệp vận tải, với định hướng đáp ứng khả năng mở rộng tích hợp thanh toán điện tử (ví điện tử), không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

PV GAS: Không ngừng nâng cao nền tảng KHCN

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đang có cơ sở hạ tầng ngành khí được đầu tư đồng bộ với hạ tầng công nghệ được tự động hóa cao và trang bị thêm hạ tầng CNTT tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho quản trị doanh nghiệp. Có thể đánh giá hạ tầng công nghệ của PV GAS đang ở mức độ 3.0 và từng bước đầu tư để phát triển đáp ứng trình độ của CMCN 4.0.

Đứng trước xu thế phát triển tất yếu và ngày càng nhanh của nền KHCN thế giới đặc biệt là của CMCN 4.0, PV GAS định hướng tiếp tục nâng cao nền tảng KHCN, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trên cơ sở hạ tầng công nghệ sẵn có, PV GAS sẽ tiếp tục cải tiến không ngừng, ngày càng tối ưu hóa hạ tầng công nghiệp khí; Ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng các công trình khí mới hoặc cải hoán, nâng cấp các công trình khí hiện hữu để tăng tính linh hoạt trong vận hành nhằm tăng năng suất và chất lượng của công trình khí; Từng bước triển khai Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Không ngừng cải tiến nâng cấp các phần mềm, các ứng dụng CNTT giúp ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý; Triển khai Internet of Things (kết nối vạn vật) giúp chia sẻ thông tin, tài nguyên mềm phục vụ quản lý và SXKD; Nghiên cứu ứng dụng Robot trong các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa và dịch vụ đặc biệt khác có yếu tố nguy hiểm độc hại mà con người gặp khó khăn tiếp cận hoặc hiệu quả thấp; Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN trong các lĩnh vực vật liệu mới ứng dụng trong công nghiệp khí; Triển khai ứng dụng các công nghệ mới, sản phẩm mới định hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo.

VPI: Phát triển nguồn nhân lực số phải đi trước một bước

Số hóa là kỷ nguyên mới đối với công nghiệp dầu khí thế giới. Ngành Dầu khí Việt Nam muốn thực hiện thành công chuyển đổi số theo xu hướng của thế giới thì công tác nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số phải đi trước một bước, phải tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, thu hút, phát triển nguồn nhân tài công nghệ cao, có tư duy và kỹ năng số.

Tại Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) hiện đã hình thành một nhóm nghiên cứu, với Ban CNTT làm nòng cốt, chuyên theo dõi và cập nhật các cơ hội phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý và SXKD. Trong công tác quản lý, hiện Viện đang triển khai theo 3 hướng: Xây dựng trung tâm dữ liệu thăm dò khai thác; Xây dựng hệ thống quản lý tri thức; và đưa các công cụ quản lý, chia sẻ lên nền tảng đám mây của Microsoft.

Trong nghiên cứu phục vụ SXKD, Viện cũng đang triển khai theo 3 hướng: Phát triển, ứng dụng các thuật toán hiện đại vào phân tích dữ liệu giảm thiểu rủi ro thăm dò; Phát triển, ứng dụng các thuật toán hiện đại vào phân tích dữ liệu, tối ưu khai thác; và tối ưu hiệu quả hoạt động các nhà máy lọc dầu. VPI mong muốn được Tập đoàn hỗ trợ tích cực trong công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số và ủng hộ các hướng nghiên cứu, triển khai của Viện, để Viện có thể đi trước và có khả năng tư vấn cho các đơn vị trong Tập đoàn triển khai lộ trình chuyển đổi số của mình.

Mai Phương - Phạm Tuân

DMCA.com Protection Status