PVFCCo: Hai mũi giáp công "xây và chống"

13:58 | 11/12/2015

605 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Mới đây Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tổ chức hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tại TP Vũng Tàu. Tại hội nghị PVFCCo đã chia sẻ những kinh nghiệm thông qua giải pháp “xây và chống”.

“Xây từ chính mình” tức là liên tục có các hoạt động củng cố thương hiệu. Như với chất lượng bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ: Kiên trì định vị sản phẩm chất lượng cao, ổn định cùng giá trị gia tăng cho người sử dụng. Về bao bì, nhãn mác: Mặc dù có nhiều dòng sản phẩm Phân bón Phú Mỹ, nhưng thiết bao bì thống nhất, nhận diện, nhãn mác, thông tin rõ ràng, đầy đủ. Đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ của pháp luật, nhãn hiệu, logo, slogan, kiểu dáng công nghiệp… Đặc biệt là công tác tuyên truyền tới các đại lý và bà con nông dân về các dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng, nơi bán hàng chính hãng; các hệ lụy, thiệt hại không đáng có khi kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm nhái, giả.

pvfcco hai mui giap cong xay va chong
Phân giả nhãn hiệu phân bón Đầu Trâu bị lực lượng chức năng tỉnh Bình Định thu giữ

“Chống từ bên ngoài” là theo sát thị trường, sử dụng công cụ pháp lý để đấu tranh với các cá nhân, đơn vị có các hành vi làm hàng giả, hàng nhái hoặc xâm phạm sở hữu trí tuệ. PVFCCo kiến nghị, quan trọng nhất là việc, Chính phủ và các bộ, ngành cần điều chỉnh những bất cập để tháo gỡ khó khăn cho lực lượng thực thi phòng chống phân bón giả, kém chất lượng và cơ quan quản lý thị trường (QLTT) nói riêng. Cụ thể là việc sớm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Nghị Định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ theo hướng: Bổ sung thẩm quyền cho lực lượng QLTT, cho UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành. Sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, coi sản xuất kinh doanh phân bón là ngành nghề có điều kiện.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đặc biệt nhất là chú ý các điểm bán hàng ở vùng sâu, vùng xa nơi có ít thông tin về phân bón, đồng thời có biện pháp mạnh hơn đối với những người cố tình vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh phân bón.

Theo Phó cục trưởng Cục QLBộ Công Thương Đỗ Thanh Lam, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên, theo ông Lam đánh giá, trong vài năm trở lại đây, vấn đề sản xuất phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón vẫn có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Ước tính mỗi năm, tình trạng phân bón giả gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền là 2 tỉ USD.

Tùy vào đặc điểm từng địa phương mà tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn biến khác nhau. Đại diện Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng cho biết, các đối tượng kinh doanh đã đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng vào tiêu thụ dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi có tính chuyên nghiệp. Các đối tượng gian thương trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng chất lượng gây thiệt hại trực tiếp cho nông dân và thiệt hại rất lớn cho nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tại địa bàn TP HCM, theo Chi cục QLTT, tình hình phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng đã gây bất ổn cho thị trường phân bón Việt Nam và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước, người nông dân. Đặc biệt là gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe nhân dân và môi sinh, môi trường.

Chi cục QLTT TP HCM đã triển khai kiểm tra các điểm kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với mặt hàng này. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra 41 đơn vị và phát hiện tổng số vụ vi phạm là 23. Các hành vi vi phạm gồm có: Hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng ngoại không có nhãn phụ, không có dấu hợp quy, không công bố hợp quy, nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc, sửa chữa thời hạn sử dụng, nhãn hàng hóa ghi không đúng với hàng thực tế, không đúng sự thật…

Cục QLTT đánh giá, dẫu công tác thanh kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón được tăng cường nhưng tình trạng vẫn có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Nguyên nhân là do công tác kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng QLTT mà quy định quyền xử phạt cho thanh tra chuyên ngành. Tại điều 38, 39 Nghị Định 163/2013/NĐ-CP cũng không quy định thẩm quyền tịch thu các loại phân bón này cho Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm không thể xử lý theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 10 Quyết định 36/2010/QĐ-TTg ngày 15-4-2010 của Chính phủ ban hành quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định: “Khi phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không bảo đảm các quy định về chất lượng, cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra liên quan để xem xét việc kiểm tra trong sản xuất”.

Nhưng từ quy định này làm phát sinh một tình trạng, khi chuyển các vụ việc phân bón không đảm bảo chất lượng đến cơ quan chức năng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính (cụ thể là Thanh tra Sở Công Thương) thì cơ quan này lại xử phạt hoặc đề nghị xử phạt không đúng như đề nghị của QLTT.

Và trong hoạt động kiểm tra, xử lý phân bón, khó khăn vướng mắc lớn nhất chính là công tác xử lý vi phạm hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng. Tại Điều 38 Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón thuộc phạm vi quản lý xảy ra tại địa phương”. Trong khi đó, đa số phân bón lưu thông trên thị trường của địa phương này là của các đơn vị sản xuất có trụ sở, nhà máy sản xuất ở ngoài địa phương. Vì thế, hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các cấp của địa phương này mà phải thông báo cho địa phương có đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng đó.

Lê Trúc

Năng lượng Mới 481

DMCA.com Protection Status