Phương Tây bất nhất về Syria

18:30 | 10/09/2015

4,765 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi châu Âu có vẻ muốn đối thoại với chính quyền Damas để diệt IS thì Mỹ lại muốn cải tổ lực lượng đối lập ở Syria để vừa lật đổ Al-Assad vừa đánh quân khủng bố Hồi giáo.
phuong tay bat nhat ve syria
Tổng thống Obama nói rằng Mỹ sẽ không gửi thêm quân tới Syria nhưng sẽ tăng hỗ trợ cho phe đối lập tại đây.

Liên tiếp trong những ngày qua, các nước Pháp, Anh rồi đến Úc lần lượt tuyên bố sẵn sàng mở rộng không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Iraq sang Syria. Quyết định tưởng như là logic đó lại rất khó khăn. Trên bàn cờ chiến sự hỗn loạn ở Syria, bên cạnh tổ chức IS còn có chính quyền của Tổng thống Bachar al-Assad, vẫn được một số nước phương Tây coi như là những cái gai cần phải nhổ.

Sự chuyển hướng chiến lược cần thiết trong cuộc chiến chống IS đang kéo theo một sự thay đổi lập trường của một số nước châu Âu đối với Tổng thống Bachar al-Assad. Nhiều khả năng thương lượng hay thậm chí cộng tác với chính quyền Damas đã được gợi lên gần đây.

Dù không công khai tuyên bố nhưng nhiều lãnh đạo ở châu Âu trong phạm vi nội bộ đã tính tới việc đã lúc phải nói chuyện với chính quyền Damas về cuộc chiến tiêu diệt IS.

Từ trước tới giờ Pháp vẫn tránh không muốn tấn công IS tại Syria, vì lo ngại chính quyền Damas càng được củng cố sức mạnh, trong khi Paris vẫn giữ lập trường loại bỏ Tổng thống al- Assad là điều kiện tiên quyết cho giải quyết khủng hoảng ở Syria.

Thông báo của Tổng thống Pháp François Hollande ngày 7/9 về việc Pháp sẵn sàng mở chiến dịch không kích tổ chức IS tại Syria phải chăng đánh dấu một bước ngoặt về thái độ của Paris với chính quyền Al-Assad? Chưa có gì để khẳng định điều đó, nhưng rõ ràng nếu nhìn rộng sang các nước châu Âu, người ta đã ghi nhận thấy có thay đổi cách nhìn về vai trò của Damas trong cuộc chiến chống kẻ thù chung, lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Áo, trong chuyến công du Teheran hôm 8/9 đã nhận định rằng Tổng thống Syria Bachar al-Assad và các đồng minh, tức Nga và Iran, phải phối hợp vào cuộc chiến chống IS. Lập trường này ngay lập tức đã được Madrid tán đồng qua tuyên bố của Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng đang ở thăm Teheran rằng: “Cần phải đàm phán với Al-Assad về ngừng bắn”.

Vẫn tỏ quyết tâm phải thay đổi chính quyền Damas, nhưng có vẻ như lập trường của Paris với Bachar al Assad đang được điều chỉnh. Tổng thống Hollande hôm 7/9, chẳng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi chính quyền ở Syria bằng giải pháp chính trị có sự bàn thảo của các tác nhân liên quan, trong đó không thể thiếu Nga và Iran.

Sau 4 năm đất nước Syria chìm vào xung đột đẫm máu, đẩy hàng triệu người dân bỏ nhà cửa chạy tị nạn khắp nơi, rơi vào những thảm cảnh tang thương. Quốc tế vẫn bất lực không triệt hạ được quân IS, cũng như không tìm được một giải pháp chính trị nào cho Syria.

Khủng hoảng Syria vẫn là một bài toán không lời giải, bởi vì các bên liên quan đều theo đuổi những lợi ích riêng cho dù đến lúc này ai cũng nhìn thấy kẻ thù chung là IS.

Trong khi các đồng minh đang muốn đối thoại với chính quyền Damas để diệt IS thì Mỹ thông báo chuẩn bị cải tổ lực lượng chống Tổng thống Al-Assad ở Syria.

Tờ New York Times hôm qua dẫn lời 4 giới chức cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng và Chính quyền Obama nói rằng họ đang lập kế hoạch để sửa đổi chương trình huấn luyện cho phe nổi dậy Syria có lập trường ôn hoà để chống lại IS tại Syria và xa hơn nữa là để đối đầu với quân của Tổng thống Al-Assad.

Theo New York Times, những đề nghị thay đổi được đưa ra sau một cuộc tấn công ngày 31/7/2015 nhắm vào 54 thành viên của lực lượng nổi dậy Syria tốt nghiệp các khóa huấn luyện của Mặt trận al-Nusra (NSF), một chi nhánh của Al-Qaida tại Syria. Theo những đánh giá mật, phe nổi dậy Syria không được chuẩn bị kỹ càng cho vụ tấn công, quân số quá ít, thiếu sự hỗ trợ của địa phương và được thực hiện vào dịp lễ Eid khi nhiều thành phần được tuyển mộ nghỉ phép để thăm thân nhân.

Trong số những giải pháp để cải thiện chương trình trị giá 500 triệu USD có việc mở rộng lực lượng, chuyển việc triển khai lực lượng này để đảm bảo có sự ủng hộ của địa phương và tăng tiến tình báo. Chương trình huấn luyện và trang bị được Lực lượng Đặc biệt Mỹ điều hành tại Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Chương trình này tách biệt với một chương trình bí mật do CIA thực hiện.

Vì có một tiến trình kiểm tra rất kỹ lưỡng nên chỉ có vài chục người được nhận trong số hàng nghìn người đệ đơn. Sau một năm, những người ủng hộ công nhận là chương trình không cung ứng được con số 5.000 chiến binh được huấn luyện như đã dự trù trước đây.

Cựu Đại sứ James Jeffrey, hiện là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Trung Đông ở Washington, nói chương trình không đủ mạnh để đối phó với hàng nghìn chiến binh IS tại Syria

“Quân đội đang kiềm chế IS, và đang làm khá tốt việc này. Tuy nhiên, nỗ lực quân sự này sẽ không hủy diệt được IS. Chúng ta đã vũ trang cho người Syria trong một chiến dịch của CIA trong nhiều năm với sứ mạng là chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hiện nay sứ mạng mới và ưu tiên hàng đầu là chống lại IS, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực hiện bất cứ nỗ lực nào cho việc này. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có được 50 người. Đây là một chương trình tiêu tốn nửa tỉ USD. Chương trình này dự trù đào tạo 5.000 chiến binh”- Jeffrey nói với NYT.

New York Times cho rằng, một phần của chương trình được thực hiện tốt: khả năng yểm trợ tức thời bằng không quân cho phe nổi dậy. Báo này nói khi căn cứ của phe nổi dậy tại vùng tây bắc Syria bị các chiến binh Mặt trận al-Nusra tấn công, những máy bay không người lái Predator đã nhanh chóng đến yểm trợ và hạ sát mấy mươi kẻ tấn công.

Trong khi Mỹ huấn luyện cho quân nổi dậy tại Syria thì Nga tăng cường viện trợ cho chính phủ Al-Assad. Ngày 5/9, Mỹ đã yêu cầu Hy Lạp cấm các chuyến bay tiếp vận của Nga sử dụng không phận Hy Lạp. Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết yêu cầu này đang được xem xét.

Truyền thống Nga nói rằng hoạt động của Mokva nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tăng cường yễm trợ cho Chính quyền Al-Assad chiến đấu chống lại IS. Ngày 3/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói Mỹ biết được tin tức về nhân viên quân sự và máy bay của Nga được triển khai tại Syria. Ngày 5/9, trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ những quan ngại về những tin tức cho biết Nga đang tăng cường lực lượng quân sự tại Syria.

Báo New York Times cho biết Nga đã phái một toán quân sự tiền tiêu đến Syria. Báo này nói thêm là động thái này bao gồm hoạt động mới đây gởi những đơn vị nhà tiền chế cho hàng trăm người tại một sân bay Syria và chuyển giao một trạm kiểm soát không lưu di động tại đây.

Trước đó ngày 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moskva đang cung cấp việc huấn luyện nghiêm chỉnh và yễm trợ tiếp liệu cho quân đội Syria. Tuy nhiên ông Putin nói hiện còn “quá sớm” để thảo luận về việc Nga dính líu trực tiếp vào các cuộc chiến chống lại IS tại Syria.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo New York Times, AFP, RIA Novosti)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc