Phú Yên hướng tới phát triển điện sinh khối trong ngành mía đường

14:15 | 17/04/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Là địa phương có hai nhà máy đường đang phát triển điện sinh khối từ bã mía, Phú Yên muốn đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này hơn trong tương lai.

Vừa qua, tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức tổ chức Hội thảo phân tích mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và định hướng trong việc phát triển năng lượng sinh khối với mục tiêu tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam.

Các chuyên gia năng lượng và đại diện các nhà máy đường cũng thảo luận, trao đổi về chính sách pháp lý, quy định hiện hành liên quan đến việc tạo lợi nhuận cho các nhà máy đường phát triển năng lượng sinh khối trong thời gian tới.

khoi-thong-dau-tu-dien-sinh-khoi-viet-nam-1
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (sản xuất mía đường) tại tỉnh Phú Yên/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối lớn nhờ các nguồn tài nguyên sinh khối sẵn có từ các phế phẩm sau thu hoạch, sau chế biến các sản phẩm nông lâm và chất thải động vật. Tuy nhiên, nguồn năng lượng được tạo ra từ nhiên liệu sinh khối ở Việt Nam hiện nay vẫn còn quá khiêm tốn.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, việc phát triển điện sinh khối sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ khí hậu, giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh, chất lượng nguồn cung điện và giảm phế thải.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên mong muốn được phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, dự án để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn điện sinh khối từ bã mía. Tỉnh sẵn sàng phối hợp cùng với các đơn vị để góp thêm tiếng nói trong các diễn đàn khác và mong muốn làm sao để người dân sống tốt hơn với nghề trồng mía.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, hiện có các nhà máy chế biến đường như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam có công suất 11.000 tấn mía/ngày; vùng nguyên liệu trên 16.000ha; Công ty mía đường Tuy Hoà công suất 3.200 tấn mía/ngày; vùng nguyên liệu trên 6.000ha. Các sản phẩm bã mía của các Nhà máy này là nguồn sinh khối tiềm năng để phát triển các dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.

Đối với các dự án năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hiện nay, Phú Yên có 6 dự án điện mặt trời đã phát điện thương mại với tổng công suất 463,3MW (tương đương 505,22MWp); 01 dự án điện sinh khối với tổng công suất 60MW, nhà đầu tư đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 30MW vận hành phát điện thương mại năm 2017; 01 Nhà máy điện gió công suất 49,6MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, đang triển khai các thủ tục giai đoạn đầu tư và 01 Nhà máy điện gió công suất 200MW đã được bổ sung quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư.

G.Minh

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

vietinbank
ajinomoto