Phơi bày nạn buôn người ở Đông Nam Á

06:55 | 20/05/2015

1,646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng di dân tại Đông Nam Á hiện nay bắt nguồn từ việc cảnh sát Thái Lan phá vỡ một đường dây buôn người xuyên khu vực.

Phơi bày nạn buôn người ở Đông Nam Á

Patchuban Angchotipan (áo phông trắng), trùm mạng lưới buôn người ở Thái Lan vừa bị bắt

Thái Lan hôm 18/5 bắt được nghi phạm đầu sỏ của một mạng lưới buôn người và là thành công mới nhất trong đợt truy quét những tổ chức buôn người ở quốc gia này. Cảnh sát Thái Lan cho hay nghi phạm Patchuban Angchotipan từng là một quan chức tỉnh Satun ở miền nam Thái Lan.

Biệt danh của nghi phạm trùm mạng lưới buôn người mới bị bắt là Kor Tong, và y bị cảnh sát Thái Lan cáo buộc nhiều tội danh gồm buôn người, đưa dân nhập cư lậu vào đất Thái, cũng như giam giữ người khác gây thương tích và bắt người để đòi tiền chuộc mạng.

Vào đầu tháng này, một số trại của bọn buôn người bị phát hiện sau khi có hơn 30 thi thể được cho là của dân nhập cư đào thấy trong khu vực gần với biên giới Malaysia.

Chính quyền Bangkok bị quốc tế gây áp lực phải chứng tỏ có hành động tích cực sau khi Mỹ hạ bậc Thái Lan và Malaysia vì tình trạng buôn người.

Nếu chính quyền Thái Lan không vì áp lực ra tay trấn áp nạn nhập cư bất hợp pháp có lẽ công luận quốc tế sẽ vẫn mơ hồ về nạn buôn người ở Đông Nam Á.

Theo tổ chức nhân quyền Freeland, hỗ trợ cảnh sát Thái điều tra nạn buôn người, mỗi chiếc tàu chở 400 thuyền nhân mang về cho đường dây xã hội đen 800.000 USD.

Một khi đến được miền nam Thái Lan, những di dân xuống tàu từ miền tây Myanmar hoặc từ bờ biển Bangladesh, bị đưa vào rừng tạm trú, trong khi chờ đợi gia đình trả thêm từ 2.000 đến 3.000 USD để được tự do. Nếu không, họ bị bán cho các nhà máy hay nông trại ở Malaysia và Thái Lan.

Theo nhật báo The Daily Star của Bangladesh, hàng nghìn di dân ước mơ tìm được công ăn việc làm đã bị đường dây buôn người giam giữ nhiều tháng có khi hàng năm trong những lán trại thô sơ, bị đánh đập, bị bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc mạng. Tệ nạn này thật sự không phải là chuyện mới mẻ. Năm 2013, nhật báo Anh The Guardian đã tiết lộ ngành công nghiệp đánh cá của Thái lan, với doanh số 7 tỷ USD hàng năm, sử dụng nhân công phần đông là di dân bất hợp pháp và đối xử như nô lệ.

Daily Star ước lượng, dựa theo lời khai của các nạn nhân và các tổ chức nhân quyền, ít nhất 250.000 người Bangladesh và Rohingya Myanmar đã rơi vào đường dây nô lệ mới từ năm 2007 đến nay.

Dưới sức ép của phương Tây, tháng 1/2015, chính quyền Thái đã truy tố hơn 10 quan chức chính quyền tỉnh.

Đầu tháng 5 này, Thái Lan tiến hành một chiến dịch truy quét các lán trại của đường dây buôn người ở miền nam và phát hiện nhiều hố chôn tập thể. Chính sách mới của Bangkok đã làm xáo trộn mạng lưới tổ chức vượt biển vượt biên, các tay buôn người phải bỏ tàu, bỏ khách hàng trên biển và trong rừng.

Tư pháp Thái Lan đã phát 60 lệnh truy nã trong đó có một dân biểu quốc hội. Hơn 50 cảnh sát viên và sĩ quan cảnh sát bị thuyên chuyển.

Theo Hiệp hội phi chính phủ Fortify, chỉ trong ba năm gần đây, doanh số buôn người đã lên đến 250 triệu USD, do vậy có rất nhiều quan chức được bôi trơn và nhiều kẻ trung gian bỏ túi những món hoa hồng béo bở.

Theo AFP, do tác động dây chuyền, tại tỉnh Cox Bazzar ở Bangladesh, nơi có 300.000 người Rohingya Myanmar tị nạn, ba kẻ tình nghi thuộc đường dây vượt biển bị bắn chết trong một cuộc đọ súng với cảnh sát trong đó có một tay trùm tên Dholu Hossein cùng 16 tòng phạm, đa số là ngư dân, chủ tàu đánh cá, bị bắt.

Tuần qua, ngư dân Indonesia đã giúp cho 800 thuyền nhân đổ bộ lên Aceh (Indonesia). Trong khi đó vẫn còn từ 8.000 đến 15.000 người đang lênh đênh ngoài khơi ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc