Phim Việt theo đuổi đẳng cấp quốc tế

10:15 | 01/09/2011

957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotitmes) Trên hành trình hội nhập, bộ môn nghệ thuật được xem như mũi nhọn để giới thiệu Việt Nam với quốc tế là điện ảnh vẫn loay hoay trong giữa những lời phân bua về tác động thị trường cũng như thị hiếu khán giả. Ở rạp chiếu phim hay trên màn ảnh nhỏ, phim nước ngoài vẫn lấn át phim nội, khiến những ai yêu nghệ thuật thứ bảy nước nhà không thể không đặt câu hỏi về khả năng có những bộ phim chinh phục bè bạn năm châu của người Việt!

Khi quyết định bình chọn “Bao giờ cho đến tháng Mười” vào danh sách những bộ phim kinh điển của châu Á, Hãng CNN đánh giá “bộ phim vẽ nên một bức tranh sống động kể lại cảm nhận của một góa phụ trẻ tuổi về những di sản trong chiến tranh Việt Nam”. Chính đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng khẳng định đó là một nhận xét cô đọng và xúc tích, chứng tỏ cuộc bình chọn của CNN hoàn toàn khách quan và nghiêm túc. Dù trong danh sách 18 phim châu Á được tôn vinh, chúng ta chỉ có một đại diện, xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand nhưng cũng đủ để nền nghệ thuật thứ bảy Việt Nam tự tin phác thảo một tương lai hòa nhập cùng sự phát triển của nền điện ảnh thế giới.

Kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết xong vào mùa thu năm 1983 và một năm sau được Xưởng phim truyện Việt Nam đưa vào sản xuất. “Bao giờ cho đến tháng Mười” đoạt Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim toàn quốc năm 1985, sau đó tiếp tục, tiếp tục được trao giải thưởng của Ban Giám khảo Liên hoan Phim quốc tế Hawaii năm 1985. “Bao giờ cho đến tháng Mười” trình bày nỗi khắc khoải của cô Duyên có chồng hy sinh trong chiến tranh biên giới. Cô muốn giấu niềm đau ấy bằng cách nhờ thầy giáo Khang giả chữ người quá cố để viết thư về nhà. Rồi xảy ra hiểu lầm, thầy giáo Khang phải bỏ đi và cuối cùng cô Duyên thoát khỏi ám ảnh của sự thật đắng cay. Tên phim lấy từ bài thơ mà thầy giáo Khang đọc khi từ giã xóm làng để tránh tiếng xấu cho cô Duyên “Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hy sinh chịu đựng khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”. Vượt lên khốn cùng của chiến tranh, “Bao giờ cho đến tháng Mười” không chỉ ca ngợi tình yêu cuộc sống mà còn thoát khỏi lối làm phim luận đề, nên sau hơn 20 năm vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật đối với khán giả.

Dù khen ngợi một bộ phim đã được khẳng định vị trí như “Bao giờ cho đến tháng Mười” không khác gì nói chuyện phò mã tốt áo. Thế nhưng, nhìn trên một chỉnh thể thì tác phẩm của Đặng Nhật Minh hội tụ được các yếu tố: góc quay tinh tế, chi tiết chân thực và diễn viên tài năng. Dù ghét dù yêu thế nào, chúng ta cũng phải thừa nhận Lê Vân thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của nhân vật Duyên, ở đó có sự cam chịu, có nỗi nhớ mong, có niềm khao khát. Sức gợi tả trên khuôn mặt, trên đôi mắt nhân vật Duyên hình như rất nhiều năm nay chỉ thoáng qua một lần với nhân vật Mạ do Việt Trinh đảm nhận trong “Xương rồng đen” mà thôi. Khủng hoảng thiếu diễn viên tài năng chính là trở ngại đầu tiên của điện ảnh nước ta khi muốn có những bộ phim đẳng cấp quốc tế. Đạo diễn Trần Vịnh từng thốt lên rằng: “Muốn quay cận cảnh một gương mặt diễn viên cũng không được, vì tìm gương mặt đẹp đã khó, mà tìm gương mặt có hồn còn khó hơn!”.

Cùng với vấn đề thưa vắng gương mặt diễn viên điện ảnh đích thực, kịch bản của chúng ta vẫn nằm ở dạng thường thường bậc trung. Thử phản biện xem, vì sao hai bộ phim được đầu tư hơn triệu đôla Mỹ là “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” chưa thu được kết quả như kỳ vọng của công chúng? Có nhiều tình huống hay nhưng kịch bản “Áo lụa Hà Đông” dài dòng và luộm thuộm, còn “Dòng máu anh hùng” đánh đấm ác liệt nhưng ngoài sự lạnh lùng của Dustin Nguyễn thì hai diễn viên chính mờ mịt xúc cảm thẩm mỹ! Do đó “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” khi đặt cạnh những bộ phim có “nghề” hơn thì mang bóng dáng của đứa trẻ nhón chân trong cuộc điểm danh nghệ thuật điện ảnh!

Khi nói về phim Việt đẳng cấp quốc tế không thể không nhắc đến dòng phim của Việt kiều. Có hai bộ phim rất đáng chú ý là “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng và “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Hai phim này góc quay ấn tượng, nhiều trường đoạn đặc tả công phu, nhưng cái kết hơi hời hợt. Ví dụ, bộ phim “Mùi đu đủ xanh”, vai Mùi lúc 10 tuổi do Lữ Mai San đóng và vai Mùi lúc 20 tuổi do Trần Nữ Yên Khê đóng có độ chênh nhau rõ rệt để thuyết phục người xem. Còn bộ phim “Mùa len trâu” khép lại hồi ức về câu chuyên vùng sông nước Cà Mau bằng lời thoại khá mông lung. Với thiện chí sánh vai với bè bạn năm châu, cũng dùng lối hồi ức thì lời thoại kết phim của “Mùa len trâu” khi so sánh với lời thoại kết phim của “Hồi ức một geisha” thì quả là một trời một vực. Đạo diễn phim Việt chưa chú trọng cái kết chăng? Cái kết phim Việt hay dùng vài ba câu ngắn gọn để mà… kết cho có kết. Bình tĩnh phân tích với nhau, thì đó là một sự sai lầm. Cái kết phim dẫu mấy câu cũng phải nói được cái đau đáu một số phận, hoặc cái thao thức một thời cuộc, hoặc cái trắc ẩn kiếp nhân sinh. Nếu ví von, thì cái kết của phim Việt chỉ là tiếng kêu rất nhỏ của cánh cửa khép hờ, còn cái kết của những bộ phim quốc tế từng làm chúng ta rúng động là âm thanh tách cách của cái khóa!

Lê Thiếu Nhơn