Phim Việt lép vế trong rạp chiếu

07:56 | 31/12/2017

606 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, thị trường phát hành phim đang có sự cạnh tranh thiếu công bằng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới điện ảnh Việt Nam.

Có sự “độc quyền” trong phát hành phim điện ảnh?

Ngày 13-11, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã phát đi thông cáo, nội dung chủ yếu là “tố” hệ thống rạp CGV (Hàn Quốc) có biểu hiện chèn ép doanh nghiệp Việt, vi phạm Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh và cam kết WTO. Thông cáo này nêu rõ, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỷ lệ phân chia doanh thu cao, trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, họ lại yêu cầu tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành.

phim viet lep ve trong rap chieu
Khán giả mua vé xem phim

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu CGV bị “tố” đã chèn ép các doanh nghiệp phát hành khác. Năm 2016, 8 nhà sản xuất, phát hành phim trong nước: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA đã khiếu nại với Hiệp hội Điện ảnh về việc ăn chia thiếu công bằng, bất hợp lý tại các cụm rạp của mình. Các đơn vị này cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn... và bày tỏ lo ngại về việc cạnh tranh thiếu công bằng tại thị trường trong nước.

Vấn đề này âm ỉ tới mức, ngày 15-11 vừa qua, tại phiên Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương đã đưa việc doanh nghiệp CGV có biểu hiện chèn ép doanh nghiệp Việt ra nghị trường.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, nếu doanh thu phòng vé cả nước năm 2008 là 100 tỉ đồng thì đến năm 2015 đã chạm mốc 2.800 tỉ đồng. Tính đến đầu tháng 12-2017, cả nước có 630 phòng chiếu phim, trong đó 65% số phòng chiếu của doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, công nghiệp điện ảnh được cấu thành bởi 3 công đoạn từ sản xuất, phát hành tới rạp chiếu. Những năm gần đây số lượng phim của Việt Nam sản xuất cũng tăng đáng kể, chiếm thị phần khoảng 30%, còn lại đều là phim ngoại. Hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài là CGV chiếm 43%, Lotte chiếm 20%. Đặc biệt, CGV nắm tới 80% quyền sở hữu dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài chỉ nắm giữ không quá 51%. Điều này đã vi phạm chính Luật Điện ảnh và chỉ ra, Luật Cạnh tranh vẫn còn nhiều kẽ hở, ảnh hưởng tiêu cực tới các đơn vị phát hành, phổ biến phim trong nước.

Phim Việt thua trên sân nhà

Tại tọa đàm “Điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay” do Văn phòng Quốc hội phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuối tháng 10-2017, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương đã nhấn mạnh về sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và bình đẳng tại thị trường Việt Nam. Ông cho hay, các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư chiếm 58% số lượng phim phát hành trên thị trường Việt Nam, trong đó CGV đã chiếm 43%, đứng đầu về đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ cũng như sở hữu đa phần các phim bom tấn. Bên cạnh đó, số lượng các cụm rạp do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chiếm 61% trên tổng số các cụm rạp chiếu phim đang còn hoạt động, trong đó CGV có tới 50 cụm rạp. Ưu thế này đã tạo cho CGV thế độc quyền trong việc phát hành, phổ biến các bộ phim.

Ngoài ra, nhiều đơn vị phát hành cũng kiến nghị việc CGV áp dụng cùng lúc 3 chương trình điều chỉnh giá vé từ 1-9 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp chiếu phim trong nước. Điển hình như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, doanh thu của đơn vị này đã sụt giảm 1/3 do chính sách giảm giá vé của CGV. Việc làm này tuy không phạm luật, nhưng buộc các cụm rạp khác cũng phải hạ giá vé và chật vật để duy trì, gây tâm lý bất an về một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp có thị phần lớn của nước ngoài với các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn của Việt Nam.

phim viet lep ve trong rap chieu
CGV là đơn vị phát hành bị “tố” chèn ép và cạnh tranh thiếu lành mạnh

Chính vì vậy, các nhà quản lý văn hóa cũng bày tỏ lo ngại với tương lai “chết yểu” của các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ, Việt Nam sẽ mất toàn bộ thị trường giải trí điện ảnh, còn khán giả Việt Nam sẽ hưởng thụ nền văn hóa do nước ngoài quyết định.

Lo ngại này của các đơn vị phát hành hoàn toàn có cơ sở khi hệ thống phát hành phim và chiếu phim tại địa phương chỉ hoạt động ở mức “cầm chừng”; trong khi đó, hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn lại được ví như “gà đẻ trứng vàng”. Và thực tế, đơn vị nào nắm giữ nhiều cụm rạp hơn, phát hành nhiều bộ phim bom tấn hơn sẽ “toàn thắng”; trong tình hình hiện nay, lo ngại phim Việt và rạp chiếu phim Việt “thua trắng” trên sân nhà là điều hoàn toàn có lý.

Có thể nói, vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với trung bình 40-50 phim được ra rạp/năm; tuy nhiên, con số này quá nhỏ so với số lượng phim ngoại nhập và nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó, dù được ra rạp nhiều hơn, song mặt bằng chung phim Việt Nam vẫn chưa có được sự đầu tư và kịch bản chất lượng nên chưa thực sự thu hút được khán giả.

Chính vì thế, trong khi chưa giải quyết triệt để được vấn đề cạnh tranh lành mạnh và phát triển công bằng, điện ảnh Việt cần tự thay đổi bản thân và chủ động hơn nữa. Không chỉ nỗ lực để có được những bộ phim chất lượng, mà chính những đơn vị phát hành, phổ biến phim trong nước cũng cần cải thiện hơn nữa hạ tầng thiết bị, cách thức phục vụ để cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài. Chỉ có cách đó mới kéo khán giả đến với rạp Việt, phim Việt và dần lấy lại được vị thế “chủ nhà” xứng đáng.

Thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng năm 2017. Doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết quý III/2017 là 881,6 tỉ đồng.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.