Phim tài liệu và giấc mơ phòng vé

06:55 | 29/03/2017

1,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ phim tài liệu gần nhất được ra rạp là “Chuyện của ngày hôm qua” nói về nhóm nhạc rock nổi tiếng Bức Tường. Mặc dù được sự hậu thuẫn rất lớn từ các rạp chiếu, cộng với đông đảo người hâm mộ nhạc sĩ Trần Lập, song “Chuyện của ngày hôm qua” - cũng như nhiều bộ phim tài liệu từng “ôm” giấc mơ chinh phục phòng vé - phải ngậm ngùi “nhường sân” cho những bộ phim bom tấn giải trí khác.

Vang bóng… phim tài liệu

Nhắc tới phim tài liệu, khán giả thường nghĩ đến một thể loại phim khô khan, nhàm chán và kém thu hút. Tuy nhiên, đã từng có thời điểm, nhiều tác phẩm phim tài liệu đi theo phong cách làm phim khác biệt và mang lại cho khán giả những cái nhìn mới về một loại hình phim vốn khuôn mẫu, nay mang hơi thở và mềm mại hơn.

Còn nhớ năm 1987, hai bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” với thời lượng 50 phút của đạo diễn Trần Văn Thủy luôn ở tình trạng “sốt” vé. Bộ phim gây sốc cho người xem bởi những vấn đề đặt ra, không chỉ nhìn vào sự thật, nói ra sự thật, mà còn định hướng tư duy và phong cách sáng tác mới cho những người làm phim tài liệu tâm huyết với nghề.

Ở thời điểm này có một số phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được chú ý như: “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” - Trần Văn Thủy; “Nơi chiến tranh đã đi qua” - Vũ Lệ Mỹ; “Trở lại Ngư Thủy” - Lê Mạnh Thích - Đỗ Khánh Toàn; “Chị Năm khùng”, “Những nẻo đường công lý” - Lại Văn Sinh và “Chốn quê” - Nguyễn Sĩ Chung…

Đặc biệt, các phim này đều giành được giải thưởng tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương trong 4 năm liền, với 3 giải Phim ngắn xuất sắc nhất và 1 giải đặc biệt của Ban Giám khảo. Còn hiện nay, nếu không có các hội thảo, liên hoan phim, có lẽ phim tài liệu khó có cơ hội được chiếu tại rạp.

phim tai lieu va giac mo phong ve
Một cảnh trong phim tài liệu “Chuyện của ngày hôm qua”

Một trong những bộ phim tài liệu “dũng cảm” ra rạp trong thời gian gần đây phải kể tới “Chuyện của ngày hôm qua”, một bộ phim tài liệu xúc động về ban nhạc Bức Tường của đạo diễn Đặng Linh. Bộ phim dài 80 phút, kể về hành trình hơn 20 năm thăng trầm, đầy biến cố để có thể sống trọn với âm nhạc của Bức Tường, từ khi họ còn là những chàng trai đôi mươi cho đến khi trở thành những người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh.

Ra rạp đúng vào dịp tưởng niệm 1 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trần Lập với mục đích gây quỹ ủng hộ các trẻ em ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), “Chuyện của ngày hôm qua” ít nhiều được kỳ vọng sẽ làm nên một cơn sốt nho nhỏ bởi những khán giả yêu rock và hâm mộ Bức Tường.

Nhưng rốt cuộc, “Chuyện của ngày hôm qua” chỉ trụ rạp được 1 tuần, với suất chiếu khá khiêm tốn. Tất nhiên, phim không bị áp lực doanh thu vì được Nhà nước đầu tư, nhưng vì có ít người xem nên dù chiếu trong hệ thống rạp “người nhà” vẫn bị ra khỏi rạp sớm.

Vào cuối năm 2014, khi bộ phim tài liệu độc lập “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) kể về hành trình của một đoàn hát đa phần là những người chuyển giới và đã được chào đón nồng nhiệt. Theo thống kê, có 10.000 vé được tiêu thụ trong vòng 11 ngày trình chiếu tại TP HCM, cao điểm có đến 30 suất chiếu/ngày tại cụm rạp CGV Art House.

Điều này đã khuyến khích các nhà làm phim độc lập khác như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mạnh dạn phát hành phim truyện “Đập cánh giữa không trung”. Cũng từ đó, năm 2015 đạo diễn Đặng Hồng Giang đã có động lực phát hành “Lửa Thiện Nhân” và tiếp tục phát hành “Đáng sống” vào năm 2016.

Ngay khi ra mắt, “Lửa Thiện Nhân” đã gây sốt ở rạp Ngọc Khánh (Hà Nội), rạp Tân Sơn Nhất (TP HCM) và sức nóng của phim đã khiến nhà phát hành Platinum Cineplex đưa vào chiếu tại 5 hệ thống rạp trên toàn quốc với hàng trăm suất chiếu phục vụ hàng chục nghìn khán giả. Tại TP HCM, theo một số nhân viên bán vé của Oriental Pictures (đơn vị sản xuất, phát hành bộ phim), trung bình mỗi ngày phim có 5-7 suất chiếu, đặc biệt thứ Bảy và Chủ nhật luôn kín rạp dù giá vé ở mức 70.000 đồng, cao hơn giá trung bình 40.000-55.000 đồng/vé của cụm rạp này.

Sau thành công lớn của “Lửa Thiện Nhân”, năm 2016, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục cho ra rạp chùm phim “Đáng sống”. Tuy nhiên khi ra rạp, bộ phim ít được đón nhận bởi suất chiếu quá khó xem. Đạo diễn lại mày mò tìm đến các rạp khác, rồi đưa phim đến các trường học, đến các tỉnh thành, nhưng không có được hiệu ứng tốt như “Lửa Thiện Nhân”.

Đó chỉ là một vài bộ phim may mắn được chú ý trong số rất nhiều phim tài liệu đang được sản xuất tại Việt Nam. Và có lẽ cũng còn rất lâu nữa chúng ta mới được chứng kiến sự hồi sinh của thời hoàng kim của phim tài liệu như “Nước về Bắc Hưng Hải” hay “Đường về quê mẹ” của NSND Bùi Đình Hạc.

Bế tắc đề tài

Nhà làm phim tài liệu Chile nổi tiếng Patricio Guzman từng nói: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”. Thế nhưng, không khó để nhận thấy, phim tài liệu Việt không có vị trí xứng đáng của thể loại. Ở các nước châu Âu, nhiều bộ phim tài liệu không chỉ đoạt giải thưởng cao, mà còn có doanh thu lớn hơn cả phim truyện nhựa như “Sự biến đổi của một nhà ga”, “Dòng sông Congo”... Còn với phim tài liệu Việt, việc được công chiếu ở rạp là cả một sự kỳ công.

Trong hội thảo về phim tài liệu gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyên truyền quá nặng vẫn đang cố hữu trong các tác phẩm phim như một sự lạc hậu so với thời đại, vì nội dung phim ôm đồm, áp đặt, nặng triết lý, lời bình át hình ảnh. Những vấn đề nóng như tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống lại chưa được đề cập đến trong phim tài liệu. Đó chính là lý do khiến dòng phim này chỉ dành cho những ngày lễ.

Thêm vào đó, kinh phí eo hẹp cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của phim tài liệu. Như NSND Bùi Đình Hạc phân tích: “Chúng ta đòi hỏi Nhà nước tiền thì lấy đâu ra. Phải có mô hình để nó có thể tự nuôi nó và phát triển. Chẳng hạn, cần có sự phối hợp giữa truyền hình và điện ảnh... Tổng cục Điện ảnh Trung Quốc được nhận 3% quảng cáo từ truyền hình. Ở Pháp, người ta lấy tất cả tiền thu xuất nhập khẩu phim ảnh, thuế truyền hình, chuyển hết đầu tư điện ảnh, họ có đến 50 chương trình truyền hình để chiếu hoặc giới thiệu phim. Truyền hình và điện ảnh muốn phát triển phải gắn kết với nhau”.

Tuy nhiên, trước những khó khăn ấy, nhiều đạo diễn trẻ vẫn đặt nhiều niềm tin vào tương lai của phim tài liệu. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, việc “Lửa Thiện Nhân” đã khiến các chủ rạp “mở cửa” cho anh vào năm 2015, giúp anh có niềm tin đưa tiếp “Đáng sống” ra rạp năm 2016. Đạo diễn cho hay: “Nói ra doanh thu sợ các nhà làm phim trẻ nhụt chí. Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm phim tài liệu, bởi tôi thấy tương lai của thể loại này tại Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay, mà thị trường quốc tế rất mênh mông, có nhiều cơ hội lắm. Như Netflix cũng vào Việt Nam rồi cơ mà, 1/3 phim hãng này chiếu là phim tài liệu”.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm khi phát hành phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cũng chỉ mong có được giấy phép phát hành, để được chiếu tại các rạp “tử tế”, tri ân những người đã giúp đỡ mình hoàn thành bộ phim. Thế nhưng, nhà sản xuất Hồng Ánh, chủ hãng phim Blue Productions chưa bao giờ nghĩ sẽ phát hành phim tài liệu, sau khi xem thấy chất lượng “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” quá tốt mới nhận phát hành.

Diễn viên, nhà sản xuất Hồng Ánh chia sẻ: “Sau khi trừ mọi chi phí, chúng tôi huề vốn, chỉ lỗ chút công sức. Để được như thế toàn bộ nhân viên đã làm việc cật lực suốt 3 tháng, trả lời từng bình luận của khán giả, sẵn sàng đi giao vé cho những ai đặt 5 vé trở lên, bản thân tôi còn làm soát vé tại các rạp. Chúng tôi còn làm teaser, trailer, các clip hậu trường, phỏng vấn cảm nghĩ những người nổi tiếng ở rạp…”. Sau kinh nghiệm này, Hồng Ánh cho biết chị hoàn toàn tin phim tài liệu có tương lai, quan trọng là chất lượng phim có đủ tốt để thuyết phục nhà phát hành hay không.

“Phim là hàng hóa, hàng có tốt thì người ta mới mua. Tôi đã được dạy như vậy, nên cá nhân tôi luôn cố gắng làm ra phim tốt” - đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ thêm. “Còn về lâu về dài tôi có nghĩ đến một địa điểm riêng để chiếu phim tài liệu. Nếu có rạp, sẽ cần nhiều phim, nên tôi rất mong có thêm nhiều đồng minh”.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.