Phát triển năng lượng tái tạo: Yêu cầu từ thực tiễn

10:43 | 05/10/2017

2,219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang cạn dần, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo để thay thế, đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, cần điều chỉnh cơ chế giá mua điện nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
phat trien nang luong tai tao yeu cau tu thuc tien
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2020 đạt 265 tỷ kWh, năm 2030 là 570 tỷ kWh (cao gần gấp 3 lần so với khoảng 170 tỷ kWh hiện nay). Trong khi đó, cơ cấu nguồn cung điện của nước ta vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện, than, khí. Nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới, nhưng hiện các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí cũng đang suy giảm, cạn kiệt. Để cân bằng, các chuyên gia năng lượng cho rằng, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải nhanh chóng tìm ra nguồn điện bổ sung sản lượng thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh. Để thực hiện, cần tính toán đến giải pháp tổng thể như: Đẩy mạnh khai thác các nguồn còn tiềm năng, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện…

Ông Tăng Thế Hùng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên. Cụ thể, đến năm 2020, năng lượng điện mặt trời sẽ tăng lên khoảng 800MW. Đến năm 2030, tỷ lệ điện gió sẽ tăng lên 6.000MW, điện mặt trời là 12.000MW và điện sinh khối tăng lên hơn 2.000MW.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Nguyễn Tài Anh cho rằng, về tổng thể, nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam không thể so sánh với các nước châu Âu. Điện mặt trời chủ yếu tập trung nhiều ở khu vực Bình Thuận đến các tỉnh vùng Tây Nguyên; điện gió tập trung ở các tỉnh ven biển. Theo định hướng đến năm 2020, năng lượng tái tạo ở nước ta phải chiếm khoảng 20% cơ cấu nguồn điện. Do đó, cần phải thiết kế lại hệ thống phân phối truyền tải, thị trường cũng như nguồn điện.

Vẫn còn vướng mắc

Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - mặc dù có tiềm năng phát triển nguồn điện mặt trời nhưng đến nay, thành phố mới chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn có kết hợp với thu hồi năng lượng để phát điện.

Tại Bình Thuận, đã có 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt chủ trương, nhưng mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động. Các dự án còn lại đang được triển khai, nhưng tiến độ rất chậm trễ.

phat trien nang luong tai tao yeu cau tu thuc tien
Cơ chế ưu đãi cho các dự án điện mặt trời còn hạn chế

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bình Định - địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn. 2 dự án phong điện là Nhà máy Phong điện Phương Mai I, III dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 và 2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần gia hạn cho nhà đầu tư nhưng các dự án này vẫn “án binh bất động”.

Đánh giá về thực trạng này, GS - TSKH. Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng, trở ngại lớn nhất khiến các dự án năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do giá mua điện gió của Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thành đầu tư. Bên cạnh đó, do đây là những dự án mới, nên trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thách thức; chi phí đầu tư sản xuất khá lớn.

Nói rõ hơn về những tồn tại này, ông Tăng Thế Hùng cho biết, suất đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn cao. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời hiện mới chỉ áp dụng đến ngày 30/6/2019, sắp tới Bộ Công Thương xây dựng cơ chế mới, nên chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư.

Chia sẻ về khó khăn khi tham gia đầu tư phát điện sinh khối tại Việt Nam, ông Trương Đồng Tâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng - nhìn nhận, Chính phủ vẫn thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các nhà đầu tư điện sinh khối khiến cho lĩnh vực này chưa phát triển đúng với tiềm năng.

Tạo “đòn bẩy” phát triển

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng, Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo; xác định giá trị đầu tư hợp lý cho các dự án; đồng thời có chủ trương xây dựng 1 - 2 khu công nghệ cao đối với việc sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để giảm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài.

Ông Trần Viết Ngãi cũng đưa ra đề xuất: Các địa phương có dự án năng lượng tái tạo cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất sạch. Tiếp đến, giá điện cần điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, chẳng hạn như giá điện gió, điện sinh khối cần tăng lên trên 9 cent/kWh. Ngoài ra, nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần được miễn, giảm thuế để tăng tính khuyến khích; tổ chức nghiên cứu tiềm năng tổng thể, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn phát triển về năng lượng như ngành điện, dầu khí, than khoáng sản.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đình Long nhấn mạnh, vẫn cần rất nhiều giải pháp đột phá trong thời gian tới để phát triển năng lượng tái tạo. Điển hình như: Khung chính sách về giá cho năng lượng tái tạo cần hấp dẫn hơn; hợp đồng mua bán điện giữa nhà sản xuất với các công ty mua bán điện phải là hợp đồng dài hạn, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo (ưu đãi sử dụng vốn, thuế…).

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

Với đặc điểm địa hình và khí hậu như Việt Nam, cần tập trung phát triển 3 dạng năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối, bởi đây là những nguồn năng lượng tiềm năng, “cứu cánh” nguồn cung cho tương lai.

Báo Công Thương

  • el-2024