Phát triển lưới điện nhìn từ đường dây 500kV

09:44 | 02/01/2015

1,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng 5/1994, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phát triển ngành điện Việt Nam, đường dây siêu cao áp 500kV đầu tiên ở Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra một bước ngoặt quan trọng, hợp nhất lưới truyền tải điện Bắc - Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu điện phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện; đầu tư, ứng dụng khoa học, làm chủ thiết bị công nghệ tiên tiến, chuẩn bị các điều kiện để bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Năng lượng Mới số 387

Việc xây dựng và đưa các đường dây 500kV vào sử dụng đã góp phần điều hòa công suất, khắc phục tình trạng quá tải, cung cấp điện ổn định, kịp thời cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, công trình đường dây 500kV còn là đường dây đầu tiên áp dụng dây chống sét cáp quang và nhờ đó, không chỉ truyền tải nguồn điện để phát triển đời sống xã hội mà còn trả thành một xa lộ truyền tải thông tin hữu ích để tham gia phát triển công nghệ thông tin.

Hiện tại, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước như VNPT, Viettel, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngành điện đã và đang khai thác, sử dụng rất hiệu quả sợi cáp quang trên đường dây truyền tải điện để thiết lập nền tảng truyền dẫn thông tin xuyên quốc gia, phục vụ an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đoạn qua huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh

Bên cạnh ý nghĩa to lớn góp phần phát triển kinh tế, chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng trên cả nước, đường dây 500kV Bắc - Nam còn là cơ hội để cán bộ, công nhân viên ngành điện tiếp cận với thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến của các nước công nghiệp phát triển. Điển hình là khi thi công đường dây mạch 1 cần phải có chuyên gia nước ngoài, thì đến đường dây 500kV mạch 2 và các đường dây 500kV khác trên toàn quốc, đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, công nhân vận hành trạm và đường dây đã chủ động phát huy nội lực tự chủ của chính kỹ sư, công nhân Việt Nam.

Các công đoạn từ tư vấn, giám sát, thí nghiệm thiết bị, đến công tác quản lý, vận hành đường dây đều do CBCNV ngành điện Việt Nam thực hiện mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Bằng tinh thần học hỏi, dám nghĩ, dám làm, tính chủ động, sáng tạo, đội ngũ CBCNV ngành điện đã nắm bắt, làm chủ thiết bị công nghệ, đảm nhận được nhiều công việc đòi hỏi chất xám và kỹ thuật cao như tự sửa chữa đại tu, bảo dưỡng máy biến áp 500kV tại hiện trường, vệ sinh sứ hotline (vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện); xử lý các mối nối tiếp xúc bằng công nghệ hàn cadweld; sử dụng công nghệ kiểm tra phóng điện bề mặt chuỗi sứ bằng thiết bị ghi hình vầng quang corona camera; tự sửa chữa sự cố máy biến áp, cũng như chủ động chế tạo các thiết bị, công nghệ và vật tư chất lượng cao để phục vụ thay thế, sửa chữa công trình... đảm bảo cho lưới điện vận hành thông suốt, ổn định, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do sự cố mất điện gây ra.

Nhìn lại 20 năm sau khi công trình đường dây 500kV được đưa vào vận hành an toàn, ổn định, chúng ta có thể thấy rằng, giá trị mang lại của đường dây này là vô cùng lớn. Đó chính là tiền đề hình thành mô hình tổ chức bộ máy lực lượng của các công ty truyền tải điện khá ổn định và phát huy hiệu quả; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành và tính chuyên môn, kỷ luật cao trong quản lý vận hành lưới điện. Đặc biệt là đào tạo được đội ngũ CBCNV yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với đơn vị, có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công sở.

Từ thực tiễn trong công tác, đội ngũ CBCNV của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã trưởng thành nhanh chóng, không ngừng phát huy nội lực, chủ động học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác đầu tư xây dựng quản lý, vận hành, sửa chữa, thay thế đường dây và trạm biến áp 500kV (kể cả việc quản lý thiết bị công nghệ tự động hóa tại các trạm biến áp 220-500kV) mà không cần đến chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm được ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt đối với công tác đầu tư xây dựng, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị trong ngành đã có nhiều bài học quý báu để thực hiện hiệu quả các công trình lưới điện truyền tải, số lượng đường dây và trạm biến áp tăng cao gấp nhiều lần trong 5 năm gần đây là một minh chứng cụ thể.

Thi công đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Qua thực tiễn vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam, có thể thấy việc phát huy được sức mạnh của các cấp chính quyền và nhân dân nơi có đường dây đi qua trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Trong đó, đáng chú ý là các truyền tải điện khu vực đã sáng tạo và chủ động đề xuất các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong hành lang tuyến; phối hợp với địa phương (huyện, xã, thôn, làng...) tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi văn nghệ, tìm hiểu pháp luật về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện... tại các địa phương có đường dây đi qua, giúp cho việc quản lý đường dây và trạm thuận lợi, hạn chế được các vụ xâm hại công trình trọng điểm quốc gia. Từ đó tại các công trình mới, việc tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như chủ động các biện pháp nhằm giải phóng hành lang an toàn đã thực hiện một cách thấu đáo.

Không chỉ đối với ngành điện, đường dây 500kV Bắc - Nam là tiền đề thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo. Trước đây toàn bộ cột thép, dây dẫn, dây chống sét, cùng nhiều linh kiện khác đều phải nhập từ nước ngoài thì đến nay, cơ khí chế tạo trong nước đã sản xuất được và sẵn sàng phục vụ cho mọi nhu cầu khi đầu tư xây dựng các công trình điện. Đặc biệt, ngành điện đã chế tạo thành công máy biến áp 500kV được lắp đặt tại trạm biến áp 500kV Nho Quan và đang tiến hành thi công các máy biến áp 500kV theo đơn đặt hàng khác.

Đến nay, qua hơn 20 năm, chúng ta có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ việc xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam là hết sức to lớn, từ đó đã có rất nhiều những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành cũng như đầu tư xây dựng các công trình điện theo đúng quy hoạch tổng sơ đồ lưới điện mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi nước ta hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.

Sau công trình đường dây 500kV siêu cao áp Bắc - Nam được đưa vào vận hành năm 1994, tổng chiều dài chỉ có 1.487km đường dây, 5 trạm biến áp 500kV với dung lượng 2.250MVA. Đến nay, sau hơn 20 năm, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã có trên 5.53km đường dây 500kV, hơn 20 trạm biến áp 500kV với tổng dung lượng 19.350MVA, tổng dung lượng tụ bù dọc 4.285MVAr, tổng dung lượng kháng bù ngang 3.752MVAr. Đến năm 2015 và những năm tiếp theo, tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển thêm nhiều đường dây và trạm biến áp 220-500kV để đón nhận kịp thời các nguồn điện lớn sẽ vào vận hành.


Trần Quốc Lẫm
(Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia)
 

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps