Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

13:32 | 23/12/2017

2,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam có ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và bảo vệ biển.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Những năm qua, các ngành kinh tế biển đã từng bước phát triển, trong đó một số ngành chủ chốt: khai thác, chế biến dầu khí, đóng tàu, vận tải và du lịch biển, khai thác thủy sản và tài nguyên biển… Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam hiện chiếm khoảng 50% GDP cả nước, đồng thời tạo ra việc làm ổn định cho hàng triệu người.

Dầu khí khai thác tăng từng năm, sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu liên tục gia tăng với tốc độ bình quân khoảng 15%/năm với khoảng trên 10 triệu tấn dầu, hàng tỉ mét khối khí.

phat trien kinh te bien gan voi bao dam quoc phong an ninh
Kinh tế biển cần được đầu tư phát triển

Đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ, nuôi trồng thủy sản với sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm với hàng triệu tấn hải sản và hàng triệu phương tiện đánh bắt các loại… Nuôi trồng hải sản tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng (sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt trên 3,5 triệu tấn; năm 2016 đạt trên 3,6 triệu tấn; 11 tháng năm 2017 đạt trên 3,4 triệu tấn), góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân ven biển.

Du lịch biển hằng năm thu hút trên 70% lượng khách du lịch quốc tế (tốc độ tăng trưởng bình quân trên 12%/năm), 50% lượng khách du lịch nội địa...

Vận tải biển, bình quân tăng gần 10%/năm về số lượng tàu và trên 10%/năm về trọng tải. Hệ thống cảng biển bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 17%/năm.

Những kết quả trên cho thấy, kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có biển nói riêng và cho cả nước nói chung.

Phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” (tháng 9-2017), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển...

Gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, thế trận quốc phòng trên biển, đảo đã được tăng cường.

Hệ thống phương án tác chiến bảo vệ các khu vực biển, đảo, quần đảo được xây dựng và điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mới của tình hình. Các lực lượng chuyên trách được kiện toàn, từng bước thực hiện quản lý Nhà nước trên các vùng biển, thông qua việc xây dựng lực lượng và phương tiện như: hệ thống trinh sát, quan sát, cảnh giới từ xa, thông tin liên lạc hàng hải; thành lập đội tàu tuần tra Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quan…

Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh biển cho toàn dân được đẩy mạnh, đặc biệt coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang và giữa lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ven biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc được coi trọng và chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, sự gắn bó giữa ngư dân, diêm dân, các tầng lớp dân cư vùng biển với các lực lượng vũ trang, trực tiếp là bộ đội biên phòng được tăng cường, nhằm giúp nhau sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tạo dựng thế trận lòng dân, vừa là cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển và hải đảo.

Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và hiệu quả của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

“Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định: Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống người dân vùng biển và ven biển…

Minh Duyên