PGS.TS Trịnh Sinh: “Nếu coi rẻ quá khứ thì tương lai sẽ không bền vững!”

08:26 | 30/11/2012

2,242 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần 50 năm, gần tròn nửa đời người gắn bó với cổ vật, nhưng với PGS.TS Trịnh Sinh, cổ vật luôn là một thế giới mới lạ, cuốn hút và đầy bất ngờ.

Tình cờ gặp ông trong một sự kiện liên quan đến di sản, ngay lập tức tôi bị ông hấp dẫn bởi những câu chuyện lý thú mà bí ẩn nằm thẳm sâu đáy đại dương, trong những con tàu đắm, hoặc đằng sau những cổ vật đã hàng ngàn hàng trăm năm tuổi.

Ông đã đến với cổ vật như thế nào? Điều gì ở "thế giới" đó hấp dẫn ông?

Tôi đến với cổ vật là do nghề nghiệp. Tôi bước vào thế giới cổ vật từ năm 1971, khi tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học KHXH và NV quốc gia. Ngay khi tốt nghiệp đã về công tác ở Viện khảo cổ học suốt từ đó tới nay. Và như thế đã có 42 năm tiếp xúc với cổ vật. Tôi lại có điều kiện đi khắp đất nước để đào bới tìm cổ vật, rồi đi ngắm nhìn nhiều cổ vật trên thế giới trong các bảo tàng như Mỹ, Nhật, Nga, châu Âu, châu Á… nên phải nói là đã “đầu tư” khá sâu vào cổ vật rồi, duyên phận với cổ vật gần nửa thế kỷ rồi còn gì.

Cổ vật là một thế giới hấp dẫn, từ cổ vật có thể giải mã con người và xã hội đã từng sử dụng nó. Đó là vấn đề lịch sử. Ngoài ra, còn có khía cạnh mỹ thuật nữa. Trên thế giới, có nhiều người chơi đồ cổ, nhiều cuộc đấu giá đồ cổ mà các món đồ vài chục triệu đô la. Đấy là thú vui tao nhã nhưng cũng cao sang và tốn kém.

PGS.TS Trịnh Sinh (bên trái) và Giáo sư Sử học Lê Văn Lan

Nhưng phần lớn giới trẻ bây giờ chỉ quan tâm đến hiện tại, thậm chí ngày mai thế nào họ cũng chưa chắc đã cần biết! Rất nhiều thanh niên đương đại đang sống thiếu hiểu biết về lịch sử và thiếu cả hoài bão về tương lai. Liệu chúng ta dành tâm sức tiền của cho việc tìm kiếm phát hiện bảo vệ phát huy... di sản (trong đó có cổ vật) có thực sự cần thiết không? Và tại sao?

Giới trẻ nước ta bây giờ bị nhiều thú vui cuốn hút, theo đó, giá trị cuộc sống nằm ở guồng quay nhiều khi khác biệt với thế giới, thậm chí khác biệt với cha ông. Nay, giới trẻ không còn quan tâm đến việc ngồi đối ẩm bàn chuyện thơ ca hay cái đẹp của đồ cổ như thời của Nguyễn Tuân, mà có những thú chơi hiện đại nhưng nhiều khi vô cảm như game online… Tuy nhiên, việc tìm kiếm phát huy di sản lại là chuyện khác. Đó là công việc của nhà nước và để giữ cho tương lai. Cái mà hiện tại chưa phát huy được cũng có một phần là lỗi của các nhà sử học và hơn nữa là cơ chế.

-  Thông điệp nào mà ông cũng như các nhà khoa học - chuyên gia lĩnh vực này muốn gửi gắm qua các công trình và việc làm của mình?

Hãy trân trọng quá khứ, nếu coi rẻ quá khứ thì tương lai sẽ không bền vững. Vì thế phải trân trọng di sản ngàn năm, vì đấy là của những lớp người đi trước để lại.

Nếu nhìn nhận cổ vật không phải bằng nhãn quan nhà khoa học mà bằng con mắt một nguời bình thuờng thì ông sẽ nói gì? 

Cổ vật rất trân quý, có giá trị kinh tế cao, ví dụ một chiếc trống đồng cổ phải vài trăm triệu đến vài tỷ. Người dân cũng rất có ý thức về điều này, họ biết là cổ vật quý và cần bảo vệ. Có nghĩa là cổ vật có giá trị theo nhiều nghĩa. Vấn đề là nhà nước phải có cách quản lý để cổ vật không bị mất đi hay bị phá hủy.

PGS.TS Trịnh Sinh trong một chuyến đi thực tế

-  Lịch sử và những gì thuộc về lịch sử như cổ vật luôn là câu chuyện không dễ tìm đến một tiếng nói chung. Trước mỗi cuộc tranh luận (dù có hay không có sự tham gia của bản thân) ông thường chọn cách ứng xử thế nào?

Thường rất ít cuộc tranh luận về cổ vật, vì giá trị cổ vật thì ai cũng rõ. Tất nhiên, đánh giá cổ vật phải có trình độ chuyên môn, không phải ai cũng biết.

Là tác giả của loạt bài viết về các con tàu đắm duới đáy đại duơng, cái “được” lớn nhất của ông là gì khi tìm kiếm những gia tài vô giá dưới đáy đại duơng đó?

Tôi đã viết gần chục bài về cổ vật và biển đảo, trong đó có những bài về cổ vật trong con tàu đắm. Đấy là gia tài vô giá về mặt nhận thức, lịch sử và có giá (được tính bằng tiền đô la) khi mà bán trên thị trường cổ vật nước ngoài, và đã bán nhiều rồi.

Con tàu đắm là bất hạnh của các thủy thủ của một thời, nhưng lại ngẫu nhiên là một kho báu dành cho hậu thế.

Biển đảo cũng là chủ đề đang nóng trên các diễn đàn báo chí cũng như dư luận? Câu chuyện này nên nhìn nhận như thế nào, trên góc độ khoa học?

Biển đảo của cha ông chúng ta để lại, là tài sản vô giá, đương nhiên là phải giữ gìn. Ngày xưa, ai làm mất một phần lãnh thổ đều bị chém đầu. Vì thế, những gì thuộc về biển đảo phải ra sức bảo vệ, đấu tranh giữ gìn. Thực ra, ngoài thư tịch ghi rõ, thì có một loạt bằng chứng cổ vật của ta là bằng chứng của việc chúng ta đã khai thác biển Đông từ vài ngàn năm, như cổ vật ở cả Trường Sa với hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh trong lòng đất đảo. Vậy thì cha ông ta đã làm chủ biển Đông, lẽ nào ngày nay ta không kế thừa? Khoa học đã chứng minh nhiều về bằng chứng cổ vật, thư tịch như vậy!

Xin cám ơn ông!

Thành Lê (thực hiện)